Điện ảnh Trung Quốc nhìn từ hiện tượng hiếm có Bát Bách
The Eight Hundred (Bát Bách) - bộ phim sử thi chiến tranh của điện ảnh Trung Quốc - đã vươn lên dẫn đầu doanh thu toàn cầu sau một tháng công chiếu, chứng minh nền điện ảnh nội địa của nước này hoàn toàn có thể làm chủ thị trường trong nước.
- 8 bộ phim "nói dối" cho người thích đùa ngày Cá tháng tư
- Phim "Về nhà đi con" đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan Truyền hình lần thứ 39
- Rạp chiếu phim thất thế trong cuộc đua với truyền hình OTT do virus corona
Bát Bách phải mất tới 10 năm mới hoàn thành. Riêng việc tái dựng bối cảnh Thượng Hải phải mất tới 18 tháng, dù chỉ để phục vụ cho những đại cảnh mô tả trận chiến ác liệt diễn ra 4 ngày trong phim.
Với kinh phí lên đến 80 triệu USD và được quay hoàn toàn bằng máy quay 3D, dàn dựng hoành tráng, Bát Bách được so sánh với Dunkirk - bộ phim sử thi hoành tráng của Christopher Nolan, mặc dù nó có nhiều nét tương đồng về nội dung với bộ phim Trân Châu Cảng của Michael Bay hơn.
Từ phim bị cấm chiếu đến "cứu tinh"
Bát Bách là một hiện tượng hiếm có của nền điện ảnh Trung Quốc, vì từ vị trí một bộ phim bị kiểm duyệt và cấm chiếu tới một năm nay lại trở thành cứu tinh cho nền điện ảnh nội địa nước này.
Thành công đáng kinh ngạc của bộ phim đã khiến giới quan sát phương Tây đặt ra một câu hỏi: "Phải chăng các bộ phim bom tấn của Trung Quốc đang trở thành một chiến trường chính trị mới?", như bài viết trên tờ The Guardian của Anh mới đây.
Bộ phim sử thi chiến tranh của đạo diễn Quản Hổ từng bị cấm chiếu hoàn toàn dù đã lên lịch phát hành.
Dù nguyên do được đưa ra là "lý do kỹ thuật" như hầu hết các bộ phim bị cấm chiếu khác, lý do chính xác là nó tái hiện trận chiến có thật xảy ra năm 1937 tại Thượng Hải giữa một tiểu đoàn lính Quốc Dân đảng với quân đội Nhật Bản đông hơn hàng chục lần.
Sau khi bị kiểm duyệt và cắt bỏ một vài chi tiết nhạy cảm, bộ phim được phát hành vào ngày 21-8 vừa qua và lập tức thu hút hàng chục triệu khán giả đến rạp chiếu.
Dù phạm phải một vài chi tiết cấm kỵ, bộ phim thực ra vẫn là một tác phẩm tuyên truyền bóng bẩy và kích thích tính tự tôn dân tộc của người Trung Quốc.
Thành công về doanh thu của bộ phim càng khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của ngành công nghiệp điện ảnh nước này khi đi theo định hướng sản xuất phim bom tấn để phục vụ khán giả nội địa.
Có thể thấy dù đôi lúc có va chạm, chính quyền Trung Quốc vẫn ủng hộ và mở đường cho việc sản xuất các bộ phim bom tấn mang tính lịch sử, dù chúng nghiêng về những bộ phim tuyên truyền bóng bẩy hơn là một tác phẩm chiến tranh hào hùng.
Bảo tàng ghi nhớ cuộc chiến bảo vệ kho hàng Sihang (Tây Hàng Thương Khố) bên bờ sông Thượng Hải ở Trung Quốc đang thu hút 2.500 người xem mỗi ngày nhờ thành công từ bộ phim Bát Bách. Ảnh: Yicai
Gây hấn lẫn thỏa hiệp đều nguy hiểm
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện ảnh, chính quyền Trung Quốc càng đẩy mạnh sự kiểm soát thông điệp chính trị trong các bộ phim. Năm 2019, Bát Bách không phải là bộ phim lớn duy nhất bị hủy tham dự LHP Thượng Hải vào tháng 6 cũng như kế hoạch phát hành sau đó một cách đột ngột.
Trước đó, trong tháng 2, có tới hai bộ phim lớn của Trung Quốc cũng bị rút khỏi LHP Berlin vì "lý do kỹ thuật" là Better Days - một bộ phim kể về nạn bạo lực học đường và One Second - tác phẩm tái hiện thời Cách mạng Văn hóa của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
Better Days sau đó được phát hành tại Trung Quốc và trở thành một trong những phim ăn khách nhất năm, thậm chí còn đoạt nhiều giải thưởng của điện ảnh nước này. Riêng One Second đến nay vẫn bặt vô âm tín và chưa ai biết số phận của bộ phim như thế nào.
Trương Nghệ Mưu là minh họa rõ nhất cho thấy mối quan hệ giữa nhà kiểm duyệt và nhà làm phim có thể thay đổi như thế nào, lúc vị thế được phục hồi, lúc "cơm không lành, canh không ngọt".
Một nhà quan sát phương Tây cho rằng nếu bạn là một nhà làm phim, một nhà đầu tư hoặc sản xuất phim, không ai muốn đối mặt với những rủi ro nên hầu như không dám đụng đến những chủ đề cấm kỵ. Đó cũng là một vấn đề với các nhà làm phim của Hollywood nếu muốn đưa các tác phẩm của họ đến thị trường khổng lồ này.
Báo chí Mỹ không ít lần chỉ trích các hãng phim của Hollywood vì muốn được phát hành ở thị trường 1,4 tỉ dân này, họ sẵn sàng thỏa hiệp với chính quyền Trung Quốc và thậm chí đi ngược lại quyền tự do ngôn luận của giới sáng tạo.
Nhưng đôi khi chính điều này cũng trở thành con dao hai lưỡi và phản tác dụng. Cuộc tranh cãi gần đây quanh thất bại của bộ phim Mulan tại thị trường Trung Quốc là một ví dụ.
Bộ phim bom tấn của Disney được quay tại tỉnh Tân Cương, nơi diễn ra các vụ vi phạm nhân quyền lớn đối với nhóm thiểu số Hồi giáo, cùng với những lời phát ngôn của nữ diễn viên Lưu Diệc Phi về việc ủng hộ cảnh sát trấn áp các cuộc biểu tình của giới dân chủ Hong Kong đã khiến bộ phim bị tẩy chay ở phương Tây và ngay cả ở Hong Kong, Đài Loan.
Trong khi đó, sự tiếp cận hời hợt và phương Tây hóa của Hollywood về đề tài mang tính tự hào dân tộc của người Trung Quốc lại khiến khán giả nước này thờ ơ với tác phẩm. Đến nay, Mulan chỉ thu được khoảng 40 triệu USD tại thị trường Trung Quốc, chưa bằng 1/10 doanh thu của Bát Bách.
Điều này cho thấy gây hấn với các nhà kiểm duyệt Trung Quốc là vô cùng nguy hiểm, nhưng thỏa hiệp với họ để làm những tác phẩm nhợt nhạt vô hồn cũng nguy hiểm không kém, bởi chúng lại bị khán giả tẩy chay.
Năm 2019, trong tổng số 20 phim có doanh thu cao nhất toàn cầu, có 16 bộ phim của Hollywood và 4 bộ phim của Trung Quốc.
Na Tra: Ma đồng giáng thế - phim hoạt hình gia đình và The Wandering Earth (Lưu lạc địa cầu) - một bộ phim khoa học giả tưởng đạt doanh thu trên dưới 700 triệu USD chỉ từ thị trường nội địa cho thấy Trung Quốc đủ sức sản xuất những thể loại phim vốn trước đây là "đặc quyền" của Hollywood.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận