Bài 3: EVNICT hiện thực hóa khát vọng trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025
Các hoạt động chuyển đổi số mà bản thân EVNICT thực hiện về bản chất là một thành tố cấu thành trong lộ trình chuyển đổi số của EVN, vừa đóng vai trò là đơn vị bộ phận trong cả chuỗi chuyển đổi của EVN, vừa đóng vai trò là đơn vị thực thi các nhiệm vụ chuyển đổi số cho lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin của EVN. Có thể nói, trong lộ trình chuyển đổi số của EVN, EVNICT đóng vai trò quan trọng, chủ chốt.
Công ty Viễn thông điện lực và công nghệ thông tin là đơn vị hạch toán phụ thuộc trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có các nhiệm vụ chính là nghiên cứu, xây dựng, triển khai, bảo trì- bảo dưỡng, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa.
Nhận thức quyết định công cuộc thành bại của chuyển đổi số
Với quan điểm, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng tất yếu trong việc phát huy thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quan điểm của EVN, Đảng ủy EVNICT xác định, chuyển đổi số sớm và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của Tập đoàn là nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động, công tác của Công ty.
Xác định chuyển đổi số là chuyển đổi từ nhận thức, sau khi Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành các Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết 11-NQ/ĐU, ngày 22/09/2017 của Đảng ủy Tập đoàn về phát triển khoa học công nghệ của EVN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Nghị quyết 03- NQ/ĐU ngày 11/01/2021 của Đảng ủy Tập đoàn về việc thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn) để thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn, Đảng ủy Công ty đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2018 (Nghị quyết 29-NQ/ĐU ngày 20/3/2018) thông qua nội dung “Tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN” giao Ban Giám đốc Công ty lãnh đạo, chỉ đạo các phòng chức năng phổ biến, quán triệt Nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi các nội dung về ứng dụng khoa học Công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Đảng bộ EVNICT tham dự Hội nghị sơ kết 03 năm triển khai Nghị quyết 25-NQ/ĐU của Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0
Mục tiêu nhằm xây dựng Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin trở thành Công ty số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành trong năm 2022. Chuyển đổi số các hoạt động chưa được số hóa trở thành số hóa; các hoạt động thủ công chuyển thành tự động, áp dụng công nghệ mới thay thế công nghệ cũ lạc hậu, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác cung cấp dịch vụ, nâng cao năng suất lao động trong Công ty nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong Tập đoàn.
Đảng ủy Công ty chỉ rõ: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, các chi ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Công ty nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác chuyển đổi số; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Công ty về mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong Công ty với sự phát triển của Tập đoàn; xác định việc chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức. Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, phát triển Công ty số từ Ban Giám đốc đến lãnh đạo các Trung tâm, các phòng và tới công nhân viên, người lao động trong toàn Công ty. Gắn mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số với nhiệm vụ chính trị của Công ty, các trung tâm, các phòng, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo Công ty và lãnh đạo các đơn vị về chuyển đổi số; Chỉ đạo xây dựng, tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao đồng thời cả nhận thức của các cấp ủy đảng trực thuộc, đảng viên với kiến thức, trình độ cho các cấp lãnh đạo và người lao động về chuyển đổi số.
Sửa đổi, ban hành mới các quy trình, quy định phù hợp với chuyển đổi số; Rà soát các quy trình, quy định trong các lĩnh vực hoạt động của Công ty, xem xét sửa đổi/bổ sung/ban hành mới các quy trình, quy định trong việc thực hiện ứng dụng các thành tựu CMCN 4.0 phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong Công ty.
Tập trung nguồn lực, xác định nhiệm vụ và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số trong từng lĩnh vực như: Phát triển về hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin; Phát triển về hệ thống phần mềm dùng chung; Trong lĩnh vực quản trị.
Đảng bộ EVNICT được chọn là 1 trong các đơn vị thuộc Đảng bộ EVN tham dự triển lãm của Đảng ủy khối DNTW về cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Trường Giang- ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Giám đốc EVNICT giới thiệu với các đại biểu tham dự về phần mềm Smart EVN do EVNICT xây dựng và phát triển.
Trên cơ sở đặc điểm của EVNICT và trên cơ sở nghiên cứu, kế hoạch Chuyển đổi số của EVNICT được sử dụng kết hợp giữa 2 mô hình TOGAF (The Open Group Architecture Framework - Khung xây dựng Kiến trúc tổng thể) và DMM (Digital Maturity Model – Mô hình trưởng thành số), tuy nhiên sẽ tập trung theo mô hình DMM, trong đó TOGAF cho phép định hình mô hình hoạt động, quy trình sản xuất, vận hành, tổ chức thực hiện của EVN còn DMM cho phép vạch chiến lược, những việc cần làm để đạt được mức độ trưởng thành số như mong muốn cho EVNICT để đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ của EVN giao và của nội bộ EVNICT.
Ông Phạm Ngọc Hiển- Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc EVNICT cho biết, ngay sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành Đề án Chuyển đổi số và danh mục nhiệm vụ thực hiện theo văn bản 850/EVN-VTCNTT ngày 23/02/2021, EVNICT đã ban hành quyết định 241/QĐ-EVNICT ngày 08/3/2021 thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, quyết định 730/QĐ-EVNICT ngày 15/6/2021 thành lập Tổ công tác Giải pháp Công nghệ số để nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch chuyển đổi số EVN giao.
Trên cơ sở phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, đơn vị đầu mối trong việc theo dõi, báo cáo tình hình thực hiện, tham mưu đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số EVN giao, EVNICT đã ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số EVN giao công ty thực hiện đến năm 2022, tính đến năm 2025; báo cáo EVN xem xét. Đồng thời định kỳ thực hiện báo cáo tình hình thực hiện và kế hoạch tiếp theo các nhiệm vụ trên hệ thống cổng thông tin nội bộ (EVN Portal) ngày 5 hàng tháng và báo cáo trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo, tổ công tác và các buổi làm việc của lãnh đạo EVN về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của EVNICT.
Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ của lộ trình chuyển đổi số trong EVN nói chung và EVNICT nói riêng, EVNICT đã xác định ưu tiên nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm 4 nhiệm vụ xây dựng hạ tầng số, 9 nhiệm vụ xây dựng, nâng cấp các hệ thống phần mềm dùng chung, 2 nhiệm vụ xây dựng, triển khai hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông dùng riêng.
“Chúng tôi xác định rõ phương án thực hiện; trong đó có hình thức quản lý dự án, lựa chọn tư vấn, tự thực hiện/phối hợp với đơn vị/huy động nguồn lực bên ngoài của từng hạng mục công việc và các kết quả triển khai đến thời điểm hiện tại đối với từng nhiệm vụ. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, tập trung kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các đơn vị trong Công ty theo hướng tối ưu hóa quy trình sản xuất, vận hành, EVNICT đã và đang nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đẩy mạnh và đổi mới công tác đào tạo, tuyển dụng, gắn với yêu cầu vị trí công việc.
Chúng tôi cũng đổi mới cơ chế chính sách liên quan đến đào tạo nhằm khuyến khích CBCNV tự đào tạo trau dồi kiến thức chuyên môn phục vụ sản xuất kinh doanh của Công ty. Đồng thời đa dạng hình thức đào tạo phối hợp cả trực tuyến và tập trung; Tăng cường tổ chức các hội thảo chuyên sâu về các nội dung viễn thông và công nghệ thông tin trong toàn ngành; hợp tác với các trường đại học tăng cường nghiên cứu phát triển sản phẩm; trong đó tập trung các trường công nghệ.
Đồng thời đổi mới quy trình và cách thức triển khai quản trị nội bộ theo hướng chuyển đổi số với mục tiêu tin học hóa tối đa quy trình tác nghiệp giữa các đơn vị; Tăng cường truyền thông tới CBCNV trong Công ty; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, vận hành phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông dùng riêng.
Ngoài ra, EVNICT còn tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm với các đơn vị công nghệ thông tin trong và ngoài ngành; Hợp tác với các trường đại học tăng cường nghiên cứu phát triển sản phẩm; trong đó tập trung các trường công nghệ như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT”- ông Phạm Ngọc Hiển, Phó Bí thư Đảng ủy- Phó Giám đốc EVNICT cho biết.
Đảng viên đi trước, “làng nước” theo sau
Kế hoạch chuyển đổi số của EVN giai đoạn 2021 - 2022, EVN xác định có 45 nhiệm vụ lớn và 100 mục tiêu cần đạt được, với mục tiêu tổng quát là cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong năm 2022 và tạo tiền đề để hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025. Trong đó, EVN tập trung thực hiện chuyển đổi số trong 05 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi số: Lĩnh vực Quản trị, Lĩnh vực Đầu tư xây dựng, Lĩnh vực sản xuất, Lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng và lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.
Là một đơn vị chủ chốt trong quá trình chuyển đổi số của EVN, EVNICT rất nỗ lực để hoàn thành các kế hoạch đặt ra.
Tính đến tháng 10/2022, trong lĩnh vực Quản trị, hệ thống Văn phòng số Digital Office do EVNICT xây dựng và phát triển, đã và đang áp dụng 100% các đơn vị trong EVN. Hiện 100% đơn vị đã áp dụng hệ thống Digital – Office, 100% báo cáo được luân chuyển dưới dạng điện tử, 100% các cán bộ quản lý được cấp chữ ký số. EVN đã hoàn thành kết nối giữa hệ thống văn phòng số (Digital Office) với trục liên thông văn bản quốc gia và chính thức sử dụng từ 01/01/2020, không sử dụng văn bản giấy, kết nối tới gần 200 cơ quan gồm Chính phủ, Bộ, ngành, các cơ quan hành chính Trung ương, địa phương.
Nhóm triển khai phần mềm Digital Office của EVNICT đa phần là đảng viên trẻ, đã có kinh nghiệm triển khai, hỗ trợ các phần mềm dùng chung của EVN trước đó. Trong giai đoạn Hà Nội phong tỏa do Covid-19 năm 2021, CBCNV EVN làm từ xa nhiều, số yêu cầu được hỗ trợ phần mềm tăng 30-40%. Các kỹ sư Trung tâm phát triển phần mềm thuộc EVNICT.
Đảng viên Nguyễn Ngọc Minh - Dự án Digital Office thuộc chi bộ Trung tâm phát triển phần mềm (Đảng bộ EVNICT) cho biết, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai cho CBCNV làm việc từ xa, việc đăng nhập và sử dụng phần mềm Digital Office tăng đột biến, nhưng hạ tầng mạng và các thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại của người dùng hoạt động nhiều lúc không ổn định, cần được hỗ trợ. Thêm nữa, việc mô tả, giao tiếp của người sử dụng và người hỗ trợ khó khăn hơn vì không phải giao tiếp trực tiếp mà gián tiếp. Các nhân sự trong nhóm đảm nhiệm hỗ trợ cơ quan Tập đoàn, 14 đơn vị hạch toán phụ thuộc và 4 đơn vị thuộc các Tổng công ty nên có khi một ngày có hàng trăm cuộc gọi nhờ hỗ trợ. Tuy vậy, các nhân sự của dự án luôn trong tâm thế chủ động và sẵn sàng hỗ trợ người dùng, kể cả ngoài giờ làm việc, kết nối 24/7. Lãnh đạo Công ty và Trung tâm luôn có mặt kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để CBCNV hoàn thành công việc.
Đối với các dự án khác của EVNICT, không khí gấp gáp và khẩn trương lúc nào cũng được duy trì, tất cả chạy đua với thời gian để năm 2022, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ EVN giao, mà đầu tàu là “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Được giao triển khai hầu hết các nội dung trong hệ sinh thái EVN- EVNCONNECT gắn liền với 5 lĩnh vực chuyển đổi số của EVN gồm: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh & dịch vụ khách hàng, viễn thông & công nghệ thông tin. Sau nhiều nỗ lực, đến tháng 1/2022 EVN đã cơ bản hình thành Hệ sinh thái số EVN với tên gọi EVNCONNECT, trong đó bao gồm 2 thành phần chính: (i) hệ sinh thái kết nối, hội nhập với các nền tảng số của quốc gia, các nền tảng số của các ngành trong nền kinh tế số và (ii) hệ sinh thái nội bộ phục vụ các nghiệp vụ trong EVN. Đồng chí Nguyễn Minh Khiêm- Bí thư Đảng ủy, Giám đốc EVNICT nhận giải thưởng TOP doanh nghiệp công nghiệp 4.0 Việt Nam- I 4.0 Awards 2022 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (CĐS) trao tặng.
Hệ sinh thái này do các kỹ sư trẻ của Trung tâm phát triển phần mềm (EVNICT) xây dựng và lập trình. EVN đã giao nhiệm vụ cho EVNICT phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ tích hợp dịch vụ xác thực và chia sẻ thông tin công dân bằng số CCCD/CMND với cơ sở dữ liệu dân cư nhằm: (1) xác thực số căn cước công dân và chứng minh nhân dân của khách hàng là một giúp cập nhật cơ sở dữ liệu khách hàng đúng và đủ; (2) thực hiện xác thực thông tin khách hàng khi đăng ký làm các dịch vụ cấp mới điện; (3) liên kết và chia sẻ thông tin khách hàng, tự động điền đầy đủ các thông tin cá nhân trên form đăng ký; (4) xác thực số thành viên trong một hộ gia đình để áp định mức sử dụng điện chính xác; (5) xác thực số hộ gia đình có cùng địa chỉ thường trú phục vụ quy trình cấp điện mới khi có nhiều công tơ trên cùng một địa chỉ.
Bắt tay vào thực hiện, kỹ sư Nguyễn Trung Dũng- Phó phòng phát triển phần mềm (Trung tâm phát triển phần mềm, EVNICT) nhận định, có muôn vàn khó khăn, thử thách cùng khối lượng công việc khổng lồ, thử thách nhất là kết nối kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về an toàn, bảo mật thông tin và chuyển đổi hệ thống kết nối trên môi trường kiểm thử sang môi trường thật. Kỹ sư Nguyễn Hữu Nội- Trung tâm phát triển phần mềm
Kỹ sư trẻ Nguyễn Hữu Nội- chuyên viên phòng phát triển phần mềm, phụ trách chính về code hệ thống kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với C06- Bộ Công an cho biết, do tiến độ gấp gáp, anh em trong dự án căng mình ra để code- test- code đến 20, 21h đêm mới về là chuyện rất bình thường. Kéo dài khoảng 3-4 tháng như thế, nếu không có sự động viên của lãnh đạo Công ty, Trung tâm cùng sự phối hợp nhuần nhuyễn của các anh em trong nhóm, rất dễ bỏ cuộc. Tuy nhiên, nỗ lực cùng sự quyết tâm của nhóm đã được đền đáp khi hệ thống đã được ra mắt và vận hành an toàn, ổn định. Kết quả, 2 dịch vụ điện: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán (trong 25 dịch vụ thiết yếu theo Đề án 06) được EVN hoàn thành sớm 4 tháng so với tiến độ được Thủ tướng giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg. Hiện nay, toàn bộ các dịch vụ điện được EVN cung cấp trực tuyến đã đạt mức độ 4, là mức cao nhất của Chính phủ điện tử. Đồng thời, ngành Điện cũng là ngành đầu tiên hoàn thành kết nối 100% dịch vụ của ngành lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Hiện thực hóa khát vọng trở thành doanh nghiệp số, nhờ những định hướng, chỉ đạo của Đảng ủy EVNICT, đến nay, công tác chuyển đổi số của EVNICT đã có những kết quả nhất định. Tổng điểm thực hiện chỉ tiêu chuyển đổi số của EVNICT năm 2021 do EVN đánh giá ước đạt 93.44/100 điểm và năm 2022 dự kiến sẽ đạt bằng hoặc cao hơn mức điểm năm 2021.
Với các nhiệm vụ được Tập đoàn giao 92 nhiệm vụ và Công ty đăng ký 09 nhiệm vụ, EVNICT đang nỗ lực phấn đấu trong năm 2022 sẽ hoàn thành 31/92 nhiệm vụ được EVN giao và 2/9 nhiệm vụ đăng ký với EVN. Đến năm 2025, EVNICT sẽ hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được EVN giao và các nhiệm vụ Công ty đăng ký, trở thành doanh nghiệp số.
“Quả ngọt” từ sự đoàn kết, đồng lòng từ cán bộ lãnh đạo đến đảng viên và người lao động có từ việc Đảng bộ EVNICT đã nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số. Trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, EVNICT đang tiến những bước chân rất gần đến đích.
Trong năm 2022, EVNICT đã đạt các giải thưởng “mang đậm” dấu ấn chuyển đổi số, đó là: Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2022 do Bộ Thông tin và truyền thông trao tặng; TOP doanh nghiệp công nghiệp 4.0 Việt Nam- I 4.0 Awards 2022 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (CĐS) trao tặng; Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam năm 2022 ở 2 lĩnh vực TOP 10 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số và TOP 10 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp Công nghệ thông tin do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao tặng; Giải Sao Khuê cho phần mềm "Ứng dụng phục vụ người lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (gọi tắt là SmartEVN) năm 2022" do VINASA trao tặng.
Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận