Giữ vững an ninh, an toàn lưới điện truyền tải trong mùa dịch bệnh COVID-19
Với mục tiêu đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải quốc gia an toàn, tin cậy, ổn định trong mùa dịch COVID-19 này, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã xây dựng sẵn các kịch bản để đảm bảo tuyệt đối an toàn. PV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Tùng – Tổng giám đốc EVNNPT.
- Giá truyền tải điện năm 2019 là 101,3 đồng/kWh
- Nhiều dự án truyền tải điện chậm tiến độ vì vướng thủ tục chuyển đổi đất rừng
- 5 nguyên tắc “vàng” chọn bình nước nóng an toàn cho mùa đông
Ông Nguyễn Tuấn Tùng – Tổng giám đốc EVNNPT.
PV: Xin ông cho biết tầm quan trọng của hệ thống truyền tải điện quốc gia trong việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Hệ thống truyền tải điện quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan tọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Với nhiệm vụ truyền tải điện năng từ các nhà máy điện phục vụ cấp đủ điện cho nhu cầu của xã hội và an ninh quốc phòng, hệ thống truyền tải điện đã thực sự trở thành trụ cột của hệ thống điện quốc gia, một bộ phận không thể thiếu trong kết cấu hạ tầng và giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thực tế cho thấy đặc điểm địa hình nước ta dài và hẹp, tài nguyên năng lượng phân bố không đồng đều với trữ lượng than lớn hầu hết tập trung ở khu vực Đông Bắc, trữ lượng khí đốt chủ yếu nằm ở thềm lục địa Đông và Tây Nam Bộ, tiềm năng thủy điện chủ yếu phân bố ở miền Bắc và miền Trung.
Trong khi nhu cầu tiêu thụ điện lại tập trung khoảng 50% ở miền Nam, khoảng 40% ở miền Bắc và trên 10% ở miền Trung, Tây Nguyên. Qua các giai đoạn Quy hoạch điện Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển, mở rộng hệ thống truyền tải điện đã luôn đề ra các giải pháp kết nối, truyền tải lên lưới điện quốc gia từ các nguồn điện nhằm đảm bảo khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng trên từng miền.
PV: Với đặc thù đơn vị trải dài khắp cả nước, công nhân bắt buộc phải ra tuyến, nhiều người lo ngại nếu dịch COVID-19 lan rộng sẽ ảnh hưởng tới CBCNV của EVNNPT. Vậy EVNNPT đã xây dựng những phương án/kịch bản như thế nào để ứng phó thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Với mục tiêu không để xảy ra trường hợp CBCNV mắc dịch bệnh, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh tới công tác của toàn Tổng công ty, đảm bảo hệ thống truyền tải điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy; giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng; Đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện các công trình đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện. EVNNPT đã xây dựng phương án và đưa ra 5 kịch bản ứng phó với những tình huống giả định. Trong đó:
Kịch bản 1, tình huống lãnh đạo Công ty; lãnh đạo Văn phòng và các phòng chức năng thực hiện cách ly theo quy định.
Kịch bản 2, tình huống toàn bộ lãnh đạo Công ty, cán bộ công nhân viên của Văn phòng và các phòng chức năng phải thực hiện cách ly theo quy định.
Kịch bản 3, tình huống toàn bộ lãnh đạo và nhân viên trực ban vận hành B0 phải nghỉ việc và thực hiện cách ly theo quy định.
Kịch bản 4 được Tổng công ty xây dựng ở 3 mức độ. Mức 1, tình huống có từ 3 đến 15 trạm biến áp trong khu vực cùng thiếu dưới 50% quân số do phải nghỉ việc để thực hiện cách ly theo quy định.
Mức 2, tình huống có từ 3 đến 15 trạm biến áp trong khu vực cùng thiếu từ 50% quân số trở lên do phải nghỉ việc để thực hiện cách ly theo quy định.
Mức 3, tình huống toàn bộ lao động của từ 1-5 đội dịch vụ kỹ thuật; toàn bộ lao động của một (hoặc nhiều hơn) Trung tâm dịch vụ kỹ thuật phải nghỉ việc để thực hiện cách ly theo quy định.
Đối với kịch bản 5,EVNNPT xây dựng 2 mức độ. Mức 1, tình huống có từ 3 đến 10 đội truyền tải điện trong khu vực cùng thiếu dưới 50% quân số do phải nghỉ việc để thực hiện cách ly theo quy định. Mức 2, tình huống có từ 3 đến 10 đội truyền tải điện trong khu vực cùng thiếu từ 50% quân số trở lên do phải nghỉ việc để thực hiện cách ly theo quy định.
Với mỗi kịch bản EVNNPT cũng đã đề ra các giải pháp thực hiện chi tiết, tùy theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch bệnh các đơn vị sẽ linh hoạt xử lý để vừa đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch bệnh vừa đáp ứng yêu cẩu sản xuất.
Kíp trực tại Trung tâm vận hành Mai Động (Truyền tải điện Hà Nội).
PV: Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện nhằm giảm/hạn chế sức lao động cũng như tiếp xúc giữa con người với nhau trong mùa dịch bệnh được EVNNPT triển khai ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành được EVNNPT triển khai mạnh mẽ trong những năm qua chứ không chỉ trong mùa dịch bệnh này.
Cụ thể, EVNNPT đã xây dựng và triển khai các đề án, chiến lược ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm và nâng cao năng suất lao động. Các giải pháp này cũng đã góp phần hiệu quả trong việc hạn chế sức lao động cũng như tiếp xúc giữa con người với nhau trong mùa dịch bệnh, cụ thể như:
Đối với vận hành trạm biến áp, EVNNPT đã triển khai chuyển các TBA 220kV sang vận hành không người trực, tiết giảm lực lượng lao động vận hành trạm (đến nay EVNNPT đã chuyển 60% trạm biến áp 220kV vận hành không người trực), việc thao tác được thực hiện từ xa từ các Trung tâm điều độ
Đối với vận hành đường dây, EVNNPT đã triển khai ứng dụng UAV trong quản lý vận hành, kiểm tra đường dây giúp tiết giảm sức lao động và tai nạn do công tác trèo cao kiểm tra, hạn chế tiếp xúc con người (mỗi nhóm kiểm tra 02 người).
Trong mùa dịch bệnh này, EVNNPT đã xây dựng và triển khai các giải pháp tổ chức sản xuất nhằm hạn chế tiếp xúc giữa con người với nhau, giữa cán bộ vận hành với bên ngoài đối với các bộ phận trực ca các trạm biến áp, bộ phận trực B0x (Điều độ tại các Công ty Truyền tải), bộ phận, đội ngũ quản lý vận hành đường dây, đội ngũ thí nghiệm sửa chữa nhằm đảm bảo vận hành an toàn, kịp thời xử lý, sửa chữa trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Đối với công tác điều hành sản xuất hằng ngày, EVNNPT triển khai ứng dụng cuộc họp từ xa qua hội nghị truyền hình, Zoom meeting, Microsoft Team,… trao đổi, báo cáo qua Mail, nhóm Zalo, Viber…để chỉ đạo sản xuất, trao đổi trực tuyến.
Ngoài ra, EVNNPT cũng ứng dụng thiết bị bay UAV phun khử trùng tại trạm biến áp. Điều này giúp tối ưu nhân lực, giảm thời gian phun so với phương pháp thủ công. Đặc biệt có thể xử lý các khu vực có yêu cầu cao về việc cách ly, cô lập.
Thi công vị trí cột 1083 đường dây 500kV mạch 3 thuộc địa bàn huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi.
PV: Mới đây Tập đoàn có chỉ đạo EVNNPT thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, trước dịch bệnh COVID-19, trong đó có nhấn mạnh đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải. Vậy EVNNPT có giải pháp gì trong đầu tư xây dựng trong mùa dịch bệnh này?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, truyền tải điện cũng là ngành chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh trên. Đối với các dự án đầu tư xây dựng thì sự ảnh hưởng càng rõ nét hơn, cụ thể: Trong công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến thời gian xem xét, phê duyệt hồ sơ dự án ở các cấp.
Trong công tác triển khai đầu tư: ảnh hưởng đến việc cung ứng vật tư thiết bị, do dịch bênh nên một số gói thầu thiết bị không thể cung cấp đúng hạn, một số thiết bị chưa thể lắp đặt do chuyên gia từ nước ngoài chưa thể đến đúng hẹn. Ngoài ra, ảnh hưởng đến việc phê duyệt và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đến đội ngũ thi công, giám sát trên công trường.
Đề khắc phục, hạn chế bớt ảnh hưởng do dịch bệnh, EVNNPT đã có nhiều giải pháp xử lý, khắc phục. Đối với những dự án cấp bách cần vận hành đúng hạn để đảm bảo an toàn cung cấp điện, EVNNPT vẫn quyết tâm cùng các nhà thầu thực hiện với phương châm vừa đáp ứng yêu cầu tiến độ, vừa đáp ứng yêu cầu an toàn cho con người.
Ví dụ, dự án nâng công suất TBA 500kV Nho Quan, do chuyên gia không thể sang để giám sát việc lắp đặt máy biến áp, EVNNPT đã phải thay đổi phương án, dùng máy biến áp dự phòng từ Trạm 500kV Phố Nối để lắp đặt vận hành, dự án sẽ đóng điện trong tháng 4/2020 để tránh quá tải cho MBA hiện hữu.
Những dự án cấp bách đảm bảo giải tỏa nguồn NLTT như TBA 220kV Ninh Phước, nâng công suất TBA 500kV Vĩnh Tân, Tổng công ty vẫn tăng cường điều hành dự án, đảm bảo nhân lực thi công và điều động thiết bị ưu tiên cho dự án để đảm bảo tiến độ đóng điện cho dự án theo yêu cầu của EVN.
Đối với những dự án tính cấp bách không cao, EVNNPT sẽ xem xét điều chỉnh giãn tiến độ trong giai đoạn hiện tại và sẽ có các giải pháp để huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ khi dịch bệnh đã qua đi.
PV: Vậy công tác giám sát để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho lực lượng thi công tại công trường được EVNNPT triển khai ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn cho lực lượng thi công, EVNNPT đã chỉ đạo và ban hành những quy định kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên công trường.
Lực lượng giám sát, thi công phải cách ly, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, nếu cần tiếp xúc thì phải hạn chế số lượng và bố trí khu vực riêng cho việc tiếp xúc, trao đổ công việc.
Tuy thi công trong mùa dịch nhưng việc giám sát thi công vẫn phải được tuân thủ tuyệt đối để đảm bảo chất lượng công trình, ngoài giám sát trực tiếp thì EVNNPT cũng đang thực hiện việc giám sát gián tiếp qua các phần mềm công nghệ hiện hành.
Đối với việc cung cấp vật tư, thiết bị, tuy có nhiều ảnh hưởng nhưng EVNNPT đã phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu cung cấp để hạn chế bớt rủi ro, những thông tin cần thiết đều được các bên phối hợp trao đổi qua mail và các phần mềm tương tác khác.
Nhờ có sự phối hợp này nên cũng hạn chế bớt những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Mặt khác để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm trong việc tiếp nhận vật tư thiết bị thì EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị cần có không gian riêng cho việc tiếp nhận, mục tiêu là phải an toàn tuyệt đối trong quá trình giao, nhận hàng hóa.
Nghiệm thu vị trí móng 795 đường dây 500kV mạch 3 thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng.
PV: Công tác chăm lo cho người lao động ứng trực trong mùa dịch này được Tổng công ty quan tâm ra sao thưa ông? Tổng công ty có chế độ hỗ trợ quan tâm đặc biệt gì đến người lao động không thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Quan tâm, chăm lo cho đời sống người lao động là một nét đẹp văn hóa của EVNNPT, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay sự quan tâm, chăm lo đến đời sồng CBCNV càng được chú trọng. Phương châm của EVNNPT là trong bất cứ hoàn cảnh nào thì an toàn của người lao động luôn được đặt lên trên hết.
Để đạt được điều đó, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vệ sinh, khử khuẩn khu vực làm việc, trang bị các đồ dùng bảo hộ phù hợp với công tác phòng dịch như khẩu trang, găng tay, nước khử khuẩn, quần áo chống khuẩn cho các nhóm cần thực hiện việc cô lập.
Về chế độ, EVNNPT cũng chỉ đạo các đơn vị vận dụng tối đa các quy định để trang bị và thanh toán các chi phí cần thiết cho công tác phòng ngừa dịch bệnh. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 ngày 1/4 vừa qua, EVNNPT cũng đã quyết định tạm thời bồi dưỡng thêm cho mỗi công lao động thuộc diện cần cô lập với mức 100 nghìn đồng/người/ngày trong thời gian cách ly xã hội từ 1/4 đến 15/4 theo chỉ thị của Thủ tướng; Công đoàn EVNNPT cũng đã chi thăm hỏi CBCNV các đơn vị với kinh phí hơn 600 triệu đồng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận