Quy hoạch điện VIII đặt tỉ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo bao nhiêu là phù hợp?
Theo ý kiến của các bên liên quan cho rằng năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII là cần thiết nhưng cần xác định tỉ trọng phù hợp khi nguồn năng lượng này không có tính ổn định lại phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết cùng với đó là những trở ngại sau thời gian thị trường này phát triển nóng vừa qua.
- Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII gồm những ai?
- Các dự án EVN đầu tư mới chỉ đạt 1/3 sản lượng theo yêu cầu của Quy hoạch điện VII
- Hướng đi nào cho Quy hoạch điện VIII
Tỉ lệ nào cho năng lượng tái tạo là phù hợp?
Theo ý kiến từ các bộ, ngành như Bộ Khoa học công nghệ và các đơn vị truyền tải điện, trong dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh (năm 2045 tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm cả thủy điện lớn đạt 53%).
Sau thời gian tăng trưởng nóng thị trường năng lượng tái tạo đang phát sinh nhiều tồn tại.
Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua điện gió, điện mặt trời phát triển rất nhanh nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,...
Do vậy, các ý kiến đề nghị rà soát tỉ lệ nguồn năng lượng tái tạo các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 phù hợp với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã quy định “Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 -20% vào năm 2030; 25 -30% vào năm 2045”.
Đồng thời, cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng.
Các ý kiến cũng cho rằng, giảm tỉ lệ năng lượng tái tạo sao cho phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị (NQ55), cụ thể 15-20% vào năm 2030, 25-30% vào năm 2045.
Theo ý kiến góp ý của EVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, trong giai đoạn đến năm 2030, tỉ lệ dự phòng thô của hệ thống điện (bao gồm cả các nguồn điện năng lượng tái tạo) là tương đối cao, khoảng 70% năm 2025 và 60% năm 2030.
Điều này dẫn đến việc các nhà máy nhiệt điện than và khí sẽ có Tmax (thời gian vận hành công suất cực đại) hàng năm thấp, có thể phải cắt giảm công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tại một số thời điểm cũng như không tận dụng tối đa hiệu quả của các nguồn điện khác như nhiệt điện khí tự nhiên, thủy điện.
Do vậy, cần xem xét, đánh giá kỹ vấn đề nêu trên để có đề xuất phát triển nguồn điện phù hợp và sớm có kế hoạch liên kết lưới điện khu vực để mua bán, trao đổi điện năng giữa các nước, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, tránh trường hợp lãng phí, không hiệu quả trong đầu tư.
Định lượng về nhu cầu điện cao hơn kịch bản phát triển kinh tế
Theo ý kiến đóng góp cho Quy hoạch Điện VIII từ các đơn vị như Cục Công nghiệp, Tổng công ty Truyền tải điện miền Trung, Tổng công ty Truyền tải điện miền Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự báo nhu cầu điện trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang tương đối cao so với các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội (kịch bản cơ sở tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021 –2025 là 9,1%, giai đoạn 2026 –2030 là 7,9%). Điều này sẽ dẫn đến yêu cầu đầu tư nguồn và đầu tư lưới điện truyền tải sẽ tăng cao so với nhu cầu thực tế.
Quy hoạch điện VIII cũng đã dự báo về nhu cầu năng lượng cao hơn so với các kịch bản kinh tế.
Trên thực tế thời gian qua, tăng trưởng điện thương phẩm có xu hướng giảm dần; trong đó: từ 11% trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 8,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Do đó, các đơn vị này kiến nghị Bộ Công Thương xem xét tốc độ tăng trưởng phụ tải phù hợp để có kịch bản cân đối cung cầu và nhu cầu đầu tư nguồn, lưới phù hợp với thực tế. Cần xem xét yếu tố ảnh hưởng do dịch bệnh trong dự báo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, theo ý kiến của Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương, trong giai đoạn tới, các nguồn năng lượng tái tạo phát triển mạnh ở miền Nam, thì cung cầu nội miền của miền Nam sẽ thay đổi.
Bên cạnh đó, đầu tư cho khu vực Tây Nam bộ nói riêng, miền Nam nói chung tăng lên (Tây Nam Bộ sẽ có thêm 7 tuyến cao tốc), thì xu hướng phụ tải hiện nay có thể bị ảnh hưởng nhất định, cần cập nhật các định hướng phát triển kinh tế của các vùng miền để dự báo phụ tải được chính xác hơn.
“Dự thảo chưa có các tính toán, đánh giá ảnh hưởng của sự phát triển điện mặt trời mái nhà đến dự báo nhu cầu phụ tải điện. Đề nghị bổ sung đánh giá ảnh hưởng của điện mặt trời mái nhà và cập nhật lại kết quả dự báo phụ tải các giai đoạn. Điện mặt trời mái nhà mới vào vận hành và chưa có số liệu thống kê đầy đủ trong nhiều năm để có thể xây dựng một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng đến nhu cầu phụ tải ở cấp truyền tải”, ý kiến của Cục Điều tiết Điện lực và Truyền tải điện miền Nam nêu.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận