Việt Nam hoàn toàn có thể là quốc gia “dẫn dắt” điện gió ngoài khơi trong khu vực
Đó là khẳng định của bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc Điều hành Tổ chức sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET) khi trao đổi với PV xung quanh chủ đề phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
- Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030
- Cuộc chạy đua năng lượng mới - Phát triển mặt trời nhân tạo
- EOR 2019: Năng lượng điện Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá và thuỷ điện
PV: Xin bà cho biết tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) của Việt Nam? Những vùng biển nào của Việt Nam có thế mạnh nhất để phát triển nguồn năng lượng vô tận này?
Bà Ngô Thị Tố Nhiên: Với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Vận tốc gió trung bình năm ở độ cao 100m có thể đạt 9 – 10 m/s tại nhiều vùng biển của Việt Nam, trong đó khu vực có tiềm năng lớn vùng biển Nam Trung Bộ và Vịnh Bắc Bộ. Chỉ tính riêng các vùng biển quanh đảo Phú Quý hay Bạch Long Vĩ thì tiềm năng công suất lắp đặt lên đến 38GW mỗi vùng.
Chương trình hỗ trợ quản lý năng lượng của Ngân hàng thế giới (WB-ESMAP) đã ước tính tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi chân đế cố định lên tới 261GW và điện gió ngoài khơi chân đế nổi lên tới 214GW.
Theo tính toán trong các nghiên cứu của VIET, công suất điện gió ngoài khơi của Việt Nam năm 2030 có thể đạt từ 9,5 đến 20,9 GW đối với điện gió chân đế cố định và 600 đến 800MW cho điện gió chân đế nổi. Lượng công suất này tương đương với khoảng từ 7-16% tổng công suất đặt của Việt Nam năm 2030 (theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh).
Bà Ngô Thị Tố Nhiên.
PV: Nếu triển khai các dự án điện gió ngoài khơi hiện nay, cơ sở pháp lý đã đủ để các nhà đầu tư triển khai chưa thưa bà? Nhà nước cần chính sách gì để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng này?
Bà Ngô Thị Tố Nhiên: Với chỉ một dự án điện gió ngoài khơi được cấp phép để khảo sát (dự án Kê Gà ở tỉnh Bình thuận) năm 2019, Việt Nam đang dần hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp này ở nước ta.
Để triển khai điện gió ngoài khơi, Việt Nam tới đây cần xác định mục tiêu công suất năng lượng cho từng cụm dự án trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, xây dựng khung và các tiêu chí đánh giá ảnh hưởng môi trường – xã hội (ESIA).
Đồng thời thiết lập các cơ sở pháp lý để cấp 4 loại giấy phép gồm: Giấy phép thuê đáy biển để khảo sát; Giấy phép thuê mặt biển; Giấy phép quyền đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; Giấy phép truyền tải vào hệ thống điện quốc gia.
Trong điều kiện Việt Nam, việc xét duyệt các dự án điện gió ngoài khơi trong quy hoạch nên do một cơ quan của nhà nước đứng ra điều phối thực hiện để tránh việc chồng chéo quy trình và kéo dài thời gian cho nhà đầu tư. Thủ tục phê duyệt và cung cấp bộ dữ liệu khảo sát cơ bản về cụm dự án điện gió ngoài khơi càng nhanh gọn, chi tiết thì càng giảm được giá thành đầu tư.
Do vậy, nên thiết lập nhóm chuyên trách về điện gió ngoài khơi, thuộc Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (đã được thành lập theo quyết định 203/QĐ-TTg, ngày 6/2/2020 của Thủ tướng), sẽ điều phối việc xét duyệt và cấp phép.
Ngoài ra cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành liên quan để có được những chính sách thống nhất về quy hoạch và quản lý biển và cảng biển, quy hoạch phát triển điện lực và vận hành hệ thống lưới điện, thủ tục đầu tư và các công cụ tài chính, … để điện gió ngoài khơi có thể thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Trong Nghị quyết số 55 mới ban hành tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị đã định hướng cụ thể việc xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Đến nay, đã có rất nhiều văn bản cấp cao chỉ đạo chiến lược phát triển kinh tế biển, tuy nhiên, lộ trình triển khai thực tế cần được cụ thể hóa. Với việc có biểu giá mua điện là 9,8 UScents/kWh, mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi cần được chính thức đưa vào trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 8 để ngành công nghiệp này được phát triển trong thời gian tới, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia dài hạn.
PV: Theo bà đâu là những thách thức khi triển khai dự án điện gió ngoài khơi? Trên thế giới đã có những quốc gia nào phát triển mạnh nguồn năng lượng này?
Bà Ngô Thị Tố Nhiên: Cơ hội lớn thì cũng có không ít thách thức, để triển khai điện gió ngoài khơi Việt Nam có thể kể đến các thách thức về hệ thống cơ sở pháp lý/quy hoạch liên quan, các vấn đề về nối lưới và vận hành hệ thống, việc kết hợp hài hòa giữa điện gió ngoài khơi và các hoạt động khác trên biển, chuỗi công nghiệp phụ trợ, và đặc biệt là cơ chế đầu tư tài chính và hợp đồng mua bán điện…Đây là cuộc chơi cần sự điều phối nhịp nhàng để các bên tham gia đều có lợi nhuận về kinh tế và uy tín.
Trên thế giới, ĐGNK đang nổi lên là một trong số các nguồn năng lượng sạch đầy triển vọng. Với mức tăng trưởng gần 30% hàng năm, ĐGNK đã trở thành một trong hai nguồn điện hàng đầu được khai thác mỗi năm trên thế giới.
Năm 2010, tổng công suất lắp đặt của ĐGNK trên toàn thế giới khoảng 1GW, từ năm 2010 đến 2018, các chính sách ổn định đã hỗ trợ việc bổ sung gần 17GW công suất gió ngoài khơi tại châu Âu (khu vực chiếm đến 80% công suất ĐGNK trên thế giới).
Vương quốc Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch đã cùng nhau bổ sung thêm 2,7GW công suất trong năm 2018. ĐGNK đã cung cấp 8% sản lượng điện ở Vương quốc Anh, nhiều hơn gấp đôi so với sản lượng điện mặt trời và cung cấp khoảng 3-5% sản lượng điện ở Hà Lan, Bỉ và Đức.
Tại Đan Mạch, ĐGNK đã cung cấp 15% sản lượng điện trong năm 2018. ĐGNK cùng với điện gió trên bờ đã đóng góp tới một nửa sản lượng điện của quốc gia này.
Cùng năm 2018, Trung Quốc là nước mới tham gia thị trường ĐGNK, nhưng đã bổ sung 1,6GW công suất điện gió ngoài khơi vào hệ thống và đến nay đạt tổng công suất 3,6GW và đang phấn đấu đạt 5GW trong năm 2020.
ĐGNK sẽ chiếm lĩnh vị trí đáng kể ở các thị trường mới trong tương lai gần. Hiện nay, danh sách các dự án ĐGNK vào khoảng 150 dự án ở 19 quốc gia. Đến năm 2021, trên 100 dự án được lên kế hoạch bổ sung vào công suất lắp đặt hàng năm. Trong đó những quốc gia đang có dự án quy mô lớn gồm: Hoa Kỳ, Úc, Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Điện gió Bạc Liêu - Ảnh minh họa
PV: Nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm này phát triển điện gió ngoài khơi chưa phù hợp bởi giá vật tư thiết bị còn đắt, cùng với đó kinh nghiệm của nhà thầu xây lắp, sửa chữa, bảo dưỡng chưa có nhiều. Bà nghĩ sao về quan điểm này? Và ở Việt Nam những hạn chế trên đã khắc phục được chưa thưa bà?
Bà Ngô Thị Tố Nhiên: Đối với bất kỳ ngành công nghiệp nào mới cũng sẽ có những khó khăn nhất định trong gian đoạn đầu, nên tìm giải pháp tiếp tục phát triển không nên thấy khó mà bỏ qua cơ hội. Các dự án điện gió được triển khai đồng loạt trong thời gian qua đã tạo ra hiệu ứng tích cực thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Nhu cầu triển khai cơ sở hạ tầng xây lắp, trang thiết bị cơ khí, vận tải siêu trường siêu trọng và hàng hải đã tạo ra hàng vạn việc làm, kích thích dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy nâng cao trình độ nguồn nhân lực tạo động lực cho toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế xanh.
Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia triển khai các dự án điện gió đất liền và gần bờ, cộng với năng lực và kinh nghiệm triển khai các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để phát triển điện gió ngoài khơi gắn liền với dịch vụ logistic trong thời gian tới.
Hợp tác quốc tế trong quá trình thiết lập chuỗi cung ứng dịch vụ sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước có cơ hội vừa học vừa làm, đổi mới công nghệ nhằm triển khai các dự án của quốc gia và đồng thời tiếp cận tham gia chuỗi cung ứng quốc tế. Để có thể tận dụng nguồn lực trong nước và bắt kịp xu thế phát triển của ĐGNK, VIET đề xuất một số giải pháp sau:
Nghiên cứu và tổng hợp các kinh nghiệm khảo sát, xây dựng, phát triển và quản lý điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng từ các nước phát triển khác.
Khảo sát và đánh giá năng lực hiện có và tiềm năng đáp ứng việc thiết lập chuỗi cung ứng trong nước.
Nghiên cứu các quy ước quốc tế và thiết lập cơ chế pháp lý tương thích nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn tài chính quốc tế.
Thiết lập cảng năng lượng nên được cân nhắc như là bước khởi động để tạo sân chơi cho các tập đoàn đa quốc gia và công ty trong nước cùng tham gia từng bước hình thành chuỗi cung ứng.
Đơn vị quản lý cảng năng lượng sẽ làm đầu mối điều phối việc cấp phép nhập khẩu công nghệ, thiết bị, phát triển các nhà máy, lắp ráp. Các hoạt động điều phối này sẽ góp phần phát triển chuỗi cung ứng một cách hiệu quả, đồng bộ và giảm giá thành đầu tư…
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hoạt động hợp tác quốc tế với một số nước thành công trong việc phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ ngoài khơi như Hà Lan và quy hoạch phát triển ĐGNK như Vương quốc Anh, Đan Mạch.
PV: Đây là nguồn năng lượng chưa nhiều nước tập trung phát triển, vậy Việt Nam có cơ hội bứt phá để trở thành quốc gia “dẫn dắt” thị trường điện gió ngoài khơi trong khu vực không thưa bà?
Bà Ngô Thị Tố Nhiên: Hoàn toàn có thể bởi thị trường cần có tín hiệu cụ thể, nếu Việt Nam vẫn theo đuổi cơ chế bổ sung quy hoạch khi có dự án đề xuất từ phía chủ đầu tư thì không thể hình thành chuỗi cung ứng nội địa.
Các nhà đầu tư cần có thông tin về chiến lược trung và dài hạn của quốc gia, thông qua dữ liệu công suất lắp đặt họ xác định độ lớn của thị trường mà ra quyết định nên đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam hay cung cấp thiết bị theo dự án từ nước khác sang Việt Nam. Công khai dữ liệu khảo sát sơ bộ các cụm dự án sẽ là yếu tố đầu vào khuyến khích chủ đầu tư tính toán ra quyết định.
Quy trình phê duyệt dự án minh bạch, rõ ràng và các văn bản pháp lý tương thích quy chuẩn quốc tế sẽ là yếu tố quan trọng tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư quốc tế. Các yếu tố này sẽ là những bước khởi đầu khuyến khích chủ đầu tư tham gia vào thị trường ĐGNK ở Việt Nam.
Xin lưu ý việc tăng tỷ lệ nội địa hóa, tạo công văn việc làm cho doanh nghiệp trong nước phải được cân nhắc thấu đáo khi đưa ra quyết định quy hoạch. Một ví dụ điển hình là Việt Nam sẽ có trên 10GW điện mặt trời mà toàn bộ tấm pin được nhập khẩu từ nước ngoài, đây là một minh chứng về tín hiệu thị trường không rõ ràng, dẫn đến mất cơ hội việc làm và hình thành chuỗi sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp phụ trợ.
Việc công bố quy hoạch công suất các cụm điện gió ngoài khơi tại Việt Nam sẽ thể hiện quyết tâm của Chính phủ, tạo tín hiệu về độ lớn của thị trường, thúc đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi logistic, các cơ sở hậu cần, các nhà máy sản xuất Tuabin gió, công nghiệp phụ trợ cho phát triển điện gió dịch chuyển sang Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở tạo động lực để Việt Nam trở thành quốc gia dẫn dắt thị trường điện gió ngoài khơi ở khu vực Đông Nam Á.
Song song với công bố quy hoạch, Chính phủ cần thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm triển khai các dự án dầu khí ngoài khơi, dịch vụ hậu cần logistic, công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ siêu trường, siêu trọng trên bờ và ngoài khơi để tạo động lực phát triển kinh tế, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam theo Nghị Quyết số 55-NQ/TW.
PV: Xin trân trọng cảm ơn!
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận