"Cái chết" đau thương của tượng đài công nghệ Yahoo! - Bài học đắt giá cho những kẻ ngủ quên trên chiến thắng
Dù là một trong những nhà phát triển internet đầu tiên trên thế giới nhưng Yahoo! đã không thể bắt kịp và thích nghi với sự phát triển của công nghệ và "Cái chết" của tượng đài công nghệ này được xem như là một minh họa hoàn hảo cho sự thất bại trong giới công nghệ.
- Sunshine Contacts - Sản phẩm mới "ra lò" của cựu CEO Yahoo sau thời gian vắng bóng
- Áp lực lớn đè nặng lên Internet toàn cầu trong mùa dịch COVID-19
- Các công ty công nghệ lớn nhất thế giới vừa khép lại 1 năm bộn thu
- Elon Musk - Từ "gã khùng" công nghệ đến nhà khởi nghiệp vụ trụ
Hơn 20 năm trước đây, Yahoo!! rất phổ biến và sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, hầu như người dùng Internet đều sở hữu ít nhất một tài khoản.
Tuy nhiên, vào ngày 17/7/2018, Yahoo!! Messenger chính thức vĩnh biệt thế giới ảo dù đã “chết lâm sàng” một thời gian dài. Sự phát triển như vũ bão của các đối thủ khác cũng như sự thay đổi chậm chạp của Yahoo!! được xem là nguyên nhân dẫn đến sự “khai tử” của ứng dụng chat đình đám một thời này.
Theo như Reuters đưa tin, các cổ đông của Yahoo!! đã thông qua kế hoạch "bán mình" vào gần 1 năm trước đó và hy vọng sẽ thành công sau hàng loạt bê bối.
Sau khi thỏa thuận với Verizon hoàn tất, Yahoo! sẽ đổi tên thành Altaba – một công ty với tài sản chủ yếu là cổ phần tại tập đoàn Alibaba Group và 35,5% cổ phần tại Yahoo! Nhật Bản.
Kết thúc một chặng đường dài
Được biết, Yahoo! được thành lập vào năm 1994 bởi David Filo và Jerry Yang, hai sinh viên của Đại học Stanford (Mỹ). Yahoo! đã được tạo ra như là một loại thư mục cho Internet. David Filo và Jerry Yang đã lập ra một trang web có cái tên khá ‘sến súa’ là “Cẩm nang của Jerry và David đến thế giới World Wide Web”.
Sau này, bộ đôi đổi tên trang web thành Yahoo! bởi cách đọc nghe có vẻ ‘ngầu’. Đến năm 1995, Yahoo! đã cung cấp tính năng tìm kiếm rất quan trọng, trở thành hướng dẫn viên du lịch đầu tiên trên môi trường Internet .
Một số thống kê đã chỉ ra rằng Yahoo!! đã trở thành công ty tiên phong trong thế giới ảo với gần một tỉ người dùng. Các sản phẩm Yahoo!! đem đến đều thu hút rất đông đảo người dùng, từ tìm kiếm, chat, thư điện tử, blog đến game, lưu trữ... Năm 2000 được xem là đỉnh cao nhất của Yahoo!! khi giá trị vốn hóa thị trường của nó đạt 128 tỉ USD, gấp 2 lần Walt Disney cùng thời điểm.
David Filo (phải) và Jerry Yang (trái) – Hai nhà sáng lập của Yahoo!.
Tuy nhiên, những khủng hoảng tài chính xuất hiện liên tục từ một năm sau đó đã bắt đầu thời kỳ thoái trào của “đế chế” Yahoo!!. Khi Google bắt đầu phát triển cũng là lúc sự thống trị trong mảng tìm kiếm của Yahoo!! dần bị thu hẹp lại. Năm 2002, Yahoo!! mất vị trí công cụ tìm kiếm mặc định trên AOL vào tay Google và họ bắt đầu lao dốc không phanh.
Sự thay đổi liên tục các vị trí lãnh đạo chủ chốt cũng như việc thay đổi loạn xạ chiến lược kinh doanh đã khiến Yahoo!! không định hình được chính mình. Sau nhiều năm thua lỗ liên tục, Yahoo!! đành chấp nhận bán mình với giá chỉ còn 4,48 tỉ USD vào năm 2017, chấm dứt 22 năm gây “sóng gió” trên thế giới ảo.
Năm 2019, Yahoo! được công ty mẹ Verizon tái cấu trúc thương hiệu còn Altaba cũng thanh lý nốt tài sản để giải tán công ty. Biểu tượng Internet một thời của xứ sở cờ hoa chính thức diệt vong từ đây.
Di sản để lại
Yahoo! có thể đổ lỗi cho Google hay Facebook đã ‘gặm’ hết miếng bánh béo bở, nhưng Ban lãnh đạo trước hết phải tự vấn vì đã để những sản phẩm chủ lực đi chệch hướng hết năm này sang năm khác.
Yahoo! Messenger chậm chạp cải tiến, Yahoo! 360° thì đầy lỗi và Yahoo! Answers không có thuật toán hướng đối tượng. Yahoo! hoạt động nhưng không còn đặt người dùng vào vị trí trung tâm của trải nghiệm, điều này khiến cho tất cả sản phẩm cứ cứ thế biến mất khỏi tâm trí người dùng. Cuối cùng, đóng cửa chỉ là hệ quả tất yếu.
Di sản đáng giá nhất mà Yahoo! để lại có thể chính là bài học xương máu cho những kẻ ngủ quên trên chiến thắng. MySpace hay Zing Me có lẽ thấm thía nhất bài học này, khi cả hai đều có được thị phần khống chế ở những thị trường mà nó hoạt động, trước khi bị những đối thủ như Facebook qua mặt.
Nếu MySpace là một nồi lẩu thập cẩm ngập tràn quảng cáo khiến người dùng quay lưng thì Zing Me là các tính năng tập trung phục vụ game thủ PC thay vì tối ưu hóa cho người dùng phổ thông.
Cũng như Yahoo!, vị thế của các công ty Internet không phải bất biến. Facebook đang bị đe dọa bởi Twitter cũng như TikTok ở Mỹ. Ở phân khúc nhắn tin OTT, WhatsApp là ứng dụng số một toàn cầu và ở những thị trường đặc thù như Nga hay Việt Nam, Telegram và Zalo mới là lựa chọn tương ứng chứ không còn là Facebook Messenger.
Điều này cho thấy mạng xã hội nói chung và Yahoo! nói riêng đã hoàn toàn có thể lật ngược thế cờ nếu sớm tìm ra một con đường đi phủ hợp. "Cái chết" của Yahoo! là một sự minh họa hoàn hảo cho cái chết của những công ty Internet khổng lồ khi không kịp thích nghi và dần trở nên lạc lõng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận