Thanh toán điện tử VIệt Nam phát triển nhanh nhưng mới chỉ là sản phẩm đơn giản
Thị trường thanh toán điện tử Việt Nam được xác định là tiềm năng chưa khai phá nhưng vẫn còn những lực cản rất lớn từ trong chính nội tại của thị trường này khi tư duy, thói quen của người tiêu dùng Việt vẫn là tiền mặt.
- "Lỗ hổng" thanh toán Momo trên App Store thực hư việc này ra sao?
- Bộ TT&TT đang xây dựng quy định định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy thanh toán điện tử
- Hà Nội thực hiện thanh toán không tiền mặt tại toàn bộ các trường học trên địa bàn
Để giúp người tiêu dùng nhìn nhận rõ hơn về những lợi ích của việc thanh toán điện tử và an tâm hơn khi sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, chiều 16/10, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc”.
Thanh toán điện tử Việt Nam - Thị trường tiềm năng chưa khai phá
Thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt cho vấn đề này, đặc biệt là Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; trong đó, dành hẳn một phần quan trọng cho việc đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Tuy nhiên, vấn đề phát triển thanh toán điện tử hiện nay vẫn còn khá nhiều rào cản.
Đánh giá về việc triển khai không dùng tiền mặt, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, 6 tháng qua, số lượng giao dịch thanh toán điện tử tăng 30%; giá trị giao dịch tăng 18% và thanh toán qua internet tăng 238%.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra hầu hết các mảng giao dịch hiện không có sự đồng đều. Bởi, thống kê cho thấy vẫn còn rất nhiều mảng thanh toán không dùng tiền mặt đến nay vẫn khá yếu và phổ biến theo hình thức dùng tiền mặt (COD).
Đây là hình thức truyền thống, khi giao hàng thì người nhận sẽ trả tiền và điều này đã tạo ra rào cản cho thương mại điện tử.
Đồng tình với qua điểm này, ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho hay, mặc dù năm 2019 Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử số 1 thế giới nhưng nhưng tiền mặt vẫn chiếm lĩnh tại hầu hết các giao dịch. Chính vì vậy, dù được gọi là thanh toán thương mại điện tử nhưng vẫn có tới trên 90% là tiền mặt.
Ông Phạm Trung Kiên cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, việc phát triển hàng trăm công ty công nghệ tài chính (Fintech) và hàng chục công ty thanh toán trên thị trường chứng tỏ tiềm năng phát triển của thương mại điện tử rất lớn.
Dù vậy, hầu hết số lượng và giá trị giao dịch mới đang dừng lại ở loại hình đơn giản như chuyển tiền, thanh toán tiền điện thoại, tiền điện, nước…
Thanh toán điện tử phải xuất phát từ trong thói quen tiêu dùng
Theo ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), đến thời điểm này vẫn chưa ai dám khẳng định đâu là lĩnh vực phát triển nhất để phát triển thương mại điện tử.
Một báo cáo gần đây về Fintech cho thấy, hiện tại có 154 công ty Fintech chủ yếu trong mảng thanh toán điện tử, rồi đến cho vay như cho vay ngang hàng, 22 công ty về Blokchain, tiền mã hóa. Tuy số lượng đáng kể nhưng chưa quá nhiều, trong khi những ngành còn dư địa rất lớn và mới như chuyển tiền, cho vay ngang hàng, huy động vốn từ các cộng đồng lớn qua mạng internet hay ngân hàng điện tử, ngân hàng mã hóa vẫn còn nhiều tiềm năng.
Sở dĩ vậy bởi một phần thiếu khung pháp lý, cơ chế, thiếu "đèn xanh" của cơ quan quản lý, ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành như: Công Thương, Thông tin truyền thông bởi không ai dám chắc đây là mảng lợi thế nhất trong thương mại điện tử.
Phân tích về tính pháp lý trong thanh toán điện tử, ông Đặng Hoàng Hải khẳng định, tất cả chính sách phải từ nhu cầu cuộc sống, bởi hiện tại rất nhiều ý kiến cho rằng có thể thanh toán qua tài khoản viễn thông.
Để giảm tỷ lệ thanh toán tiền mặt chuyển sang điện tử, ông Đặng Hoàng Hải bày tỏ, đây là điều rất quan trọng bởi bên cạnh việc tuyên truyền giúp người dân đến gần hơn với việc trải nghiệm lợi ích thì thanh toán điện tử phải đảm bảo tính an toàn tuyệt đối cho chính họ. Hơn nữa, khi nói đến thanh toán dùng tài khoản viễn thông thì còn điểm lợi ích là độ phủ lớn rất nhiều, đặc biệt ở vùng sâu xa.
Lý giải việc nếu dùng tài khoản viễn thông sẽ mang lại thách thức cho các ngân hàng, ông Phạm Trung Kiên cho hay, việc đánh giá và triển khai sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán mua bán hàng hóa giá trị nhỏ là cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng.
Đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng, theo ông Đặng Hoàng Hải, trải nghiệm là quan trọng và hãy mạnh dạn trải nghiệm để thấy được lợi ích của việc của thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn như sử dụng QR code sẽ giúp đem lại nhiều tiện lợi trong cuộc sống.
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chương trình Online Friday; trong đó, chú trọng việc để người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm thương mại điện tử, không dùng tiền mặt.
Theo ông Phạm Trung Kiên, câu chuyện làm sao khách hàng thấy có giá trị, tiện dụng và mời họ dùng thử vẫn nên đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải một sớm một chiều và sẽ được tiến hành khi thanh toán điện tử trở nên phổ cập và trở thành thói quen cũng như xu thế của người tiêu dùng. Bởi, khi khách hàng đã cảm nhận được lợi ích và có lòng tin thì thương mại điện tử mới thực sự phát triển mạnh và bền vững.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận