Thủ tục hải quan thuận lợi với Hệ thống quản lý hải quan thông minh
Tất cả các thủ tục hành chính được tự động hướng đến hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử, đây là vấn đề quan trọng, mấu chốt trong mô hình ứng dụng hải quan thông minh, nâng cao hiệu quả trong các khâu nghiệp vụ hải quan.
- Hải quan Việt Nam – Nhật Bản cùng tiến tới mô hình hải quan thông minh
- Hải quan chủ động ứng phó với các tình huống tấn công mạng
- Ngành Hải quan khẩn trương triển khai áp dụng seal định vị điện tử
Định hướng quan trọng trên về thủ tục hải quan được xây dựng tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đang được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến rộng rãi.
Theo Tổng cục Hải quan, thủ tục hải quan về cơ bản sẽ được thực hiện theo mô hình hải quan thông minh, hệ thống sẽ hỗ trợ: tự động xác định các lô hàng trọng điểm; tự động phân luồng kiểm tra hải quan; tự động xác định các lô hàng cần kiểm tra mã, giá, xuất xứ, sở hữu trí tuệ; đồng thời tự động kiểm tra thông tin giấy phép và trừ lùi giấy phép; tự động kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế; tự động thanh khoản bản lược khai hàng hóa; tự động xác định đối tượng cần kiểm tra báo cáo quyết toán hàng GC, SXXK; tự động phân tích hình ảnh máy soi...
Thủ tục hải quan thuận lợi góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại và thu hút đầu tư (ảnh MH).
Đến nay, một số chức năng hệ thống hiện tại đã đáp ứng yêu cầu (chẳng hạn như: tiếp nhận thông tin bản lược khai hàng hóa của phương tiện vận tải đường biển, đường hàng không, trừ lùi giấy phép, phân luồng, tính thuế, kiểm tra nghĩa vụ thuế, kết nối trao đổi thông tin về tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư phục vụ gia công, sản xuất xuất khẩu, quản lý cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, tự động phân loại, đánh giá rủi ro…). Một số chức năng sẽ được thiết kế trên hệ thống nhằm hỗ trợ cho người khai hải quan, cơ quan Hải quan và các bên có liên quan trong quá trình kiểm tra, giám sát hải quan.
Về cơ bản, Nghị định đã có đủ các quy định về mặt nguyên tắc đảm bảo có giá trị thực hiện khi Hệ thống quản lý hải quan thông minh đưa vào vận hành, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện được khi chưa có hệ thống này (như: quy định về số hóa các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; thông báo kết quả phân luồng sau khi hàng đến cửa khẩu; tự động thông quan sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, việc sử dụng hình ảnh máy soi container, chặn khai trùng thông tin vận đơn,…).
Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định cần bổ sung các quy định về thủ tục hải quan đối với các loại hình phương tiện vận tải xuất nhập cảnh khác (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa); bổ sung quy định việc kết nối, chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, theo dõi nguyên liệu, vật tư nhập – xuất – tồn; báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư của doanh nghiệp gia công, sản xuất, chế xuất với cơ quan Hải quan để có biện pháp kiểm tra, quản lý phù hợp.
Cũng nằm trong vấn đề thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện tại các văn bản quy phạm liên quan đến công tác phân tích, phân loại hàng hóa đang sử dụng cụm từ “phân loại”, “phân tích”, “kiểm định”, “giám định”. Các cụm từ “phân loại”, “phân tích”, “giám định” đều đã được giải thích, tuy nhiên cụm từ “kiểm định hải quan” chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực hải quan nhưng chưa được giải thích. Vì vậy cần bổ sung giải thích cụm từ “kiểm định hải quan” tại Điều 3 dự thảo Nghị định để phân biệt với các hoạt động phân tích, phân loại, giám định đã có.
Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có quy định người khai hải quan trong trường hợp được chủ hàng hóa ủy quyền đối với hàng hóa là tài sản di chuyển của cá nhân, hàng hóa của cá nhân được hưởng quyền miễn trừ; hàng hóa tạm nhập tái xuất để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài.
Chưa có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng trong việc vận chuyển hàng hóa và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan.
Chính vì vậy, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan đề xuất bổ sung giải thích từ ngữ tại Điều 3 về “Kiểm định hải quan”.
Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 quy định về người khai hải quan đối với hàng hóa là tài sản di chuyển của cá nhân, hàng hóa của cá nhân được hưởng quyền miễn trừ; hàng hóa tạm nhập tái xuất để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài.
Bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng trong việc xuất trình hàng hóa trong quá trình lưu giữ tại cửa khẩu, cảng để phục vụ kiểm tra của cơ quan hải quan tại Điều 28.
Đặc biệt, Nghị định sửa đổi điểm b khoản 4 Điều 25 quy định việc tạo lập và gửi hồ sơ hải quan qua hệ thống phù hợp với mô hình hải quan điện tử (chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc dữ liệu số hóa). Cụ thể, khi khai hải quan, người khai hải quan thực hiện: Nộp tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc dữ liệu số hóa đến cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Trường hợp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã có trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thì người khai hải quan không phải nộp cho cơ quan hải quan. Trường hợp phải nộp bản chính chứng từ thuộc hồ sơ hải quan thì người khai hải quan phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận