Giá xăng dầu cao kỷ lục mới - Người dân đã khó vì COVID-19 nay lại càng thêm khổ
Giá xăng dầu sau phiên điều chỉnh ngày 21/2 đã thiết lập kỷ lục mới đã gia tăng áp lực đối với người dân, doanh nghiệp khi đang phải "gồng mình" khắc phục những thiệt hại của dịch COVID-19 gây ra, đồng thời gây áp lực lớn đối với đà phục hồi kinh tế.
- Kỳ điều chỉnh xăng dầu hôm nay 21/2: Thiết lập kỷ lục mới ở mức trên 26 nghìn đồng mỗi lít xăng
- Sự thiếu linh hoạt và chủ động của cơ quan quản lý khiến giá xăng gây 'sốc' với thị trường
- Bộ Công Thương quản lý giá xăng dầu ra sao?
Theo đó, giá xăng dầu tăng cao cũng gây áp lực trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác như logistics, đánh bắt xa bờ của ngư dân.
Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, chi phí cho xăng dầu chiếm tới 40% trong cơ cấu giá cước vận tải. Do đó, khi giá xăng dầu liên tục tăng từ trước Tết đến nay, đã tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, gây áp lực lớn lên chi phí vận hành, kinh doanh.
Các doanh nghiệp vận tải đã chỉu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nay lại thêm nhiên liệu sẽ khó có thể phục hồi.
Từ Tết đến nay, Công ty Vận tải Cường Thắng liên tục phải “giải trình” giá cước với khách hàng vì lý do giá xăng tăng. Mặc dù nhu cầu vận tải dịp trước và sau Tết tăng cao, tuy nhiên mức giá cước cũng không thể tăng quá nhiều bởi việc đàm phán mất nhiều thời gian và không phải khách hàng nào cũng thông cảm.
“Chúng tôi liên tục phải cập nhật giá cước mới, bởi tính đến nay, sau 4 lần tăng giá xăng, chi phí cho vận tải đã tăng lên khoảng 15-20%, đây là con số không nhỏ cho một đơn hàng vận tải lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu tăng giá cước quá cao, doanh nghiệp sẽ mất khách hàng hoặc nếu tăng không hợp lý, chúng tôi sẽ thua lỗ”, bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty Vận tải Cường Thắng cho hay.
Cũng theo ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận chuyển Á Châu, trước Tết Nguyên đán, công ty đã tăng giá cước khi giá xăng có biến động tăng mạnh và hầu hết các khách hàng đã đồng ý. Nhưng đến nay, giá xăng tiếp tục tăng mạnh khiến doanh nghiệp rất khó xử.
“Các khách hàng đã đàm phán tăng giá cước trước đó sẽ không thể tiếp tục tăng. Còn các đối tác còn lại, chúng tôi phải cân đối mức giá tương ứng mới có thể tính toán tăng giá cước cho hợp lý với thời điểm hiện tại”, ông Thành nói.
Cùng chung tình trạng này, anh Nguyễn Anh Tú, hoạt động lái xe taxi sân bay Nội Bài – Hà Nội cho hay, giá xăng tăng mạnh từ trước Tết đến nay là hơn 3.500 đồng/lít, chiếm tới gần 15% giá trước đó. Nếu mỗi ngày chạy khoảng 100 km, chi phí giá xăng trong một tháng tăng khoảng 1 triệu đồng. Trong khi cước chạy không đổi, nhiều anh em lái xe đã phải dừng chạy tuyến, bởi nhiều chi phí khác như gửi xe, ăn uống, hao mòn khiến thu không đủ bù chi.
Các doanh nghiệp vận tải cho hay, từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng đã liên tục tăng theo mức giá thế giới, đặc biệt từ cuối năm 2021 đến nay, mức giá tăng đã đạt gần 50%.
Khi giá xăng dầu tăng khoảng 30-40%, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh cước vận tải khoảng 10%, Nhưng hiện nay giá xăng dầu tiếp tục trong xu thế tăng giá khiến doanh nghiệp thận trọng khi tính toán mức tăng, bởi nếu không sẽ mất khách hoặc thua lỗ.
Các doanh nghiệp vận tải cho hay, họ đều rất ngại khi đề cập vấn đề tăng giá cước với khách hàng, bởi đều là những đối tác lâu năm, nhưng nếu không tăng, chắc chắn sẽ lỗ nhiều vì giá xăng thời gian qua tăng quá nhanh.
Bên cạnh đó là các chi phí của người dân cũng sẽ "leo thang" theo giá xăng dầu kỷ lục mới.
Không chỉ vận tải hàng hóa, lĩnh vực vận tải hành khách cũng đang chịu nhiều tác động từ giá xăng tăng, ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc cho biết, dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc. Xăng dầu chiếm 35-40% trong cơ cấu giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải.
Ông Hùng dự báo, chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước nhưng tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá tình hình.
"Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể khôi phục hoạt động, riêng vận tải hành khách đường bộ chỉ hoạt động 30% công suất. Nếu không tăng giá cước, người lao động không có thu nhập và sẽ nghỉ việc, nhưng khi tăng giá cước lại ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Điều này sẽ khiến khách hàng sụt giảm mạnh hơn", ông Hùng nói.
Giá xăng tăng cao kỷ lục đang tác động rất lớn đến hoạt động và giá thành vận tải trong nước. Cước vận tải chiếm tới 40% trong cấu thành giá vận tải, do vậy, khi giá xăng tăng mạnh hơn 10% chỉ trong vòng 2 tháng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho biết, để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng dầu tăng trong hoạt động vận tải, nhà nước có thể trích một khoản chi phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tuy nhiên, điều này là rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện tại.
Có chăng, nhà nước sẽ hỗ trợ bằng việc cắt giảm các thuế, phí để hạ giá thành xăng dầu, góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Nhiều chuyên gia nhận định, với mức tăng của giá xăng, mặt bằng giá cước vận tải mới sẽ được hình thành và tác động tiêu cực tới người dân, doanh nghiệp, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch COVID-19.
Để hạn chế tác động từ giá xăng, nhiều đơn vị vận tải đã áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành, cũng như sử dụng nhiều công nghệ đời mới nhằm tối ưu, tiết kiệm nhiên liệu, kiểm soát các chi phí.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì sẽ không tránh khỏi việc các doanh nghiệp vận tải, logistics phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo các cam kết về chất lượng dịch vụ kinh doanh…
Có những doanh nghiệp logistics chi phí xăng dầu chiếm 40 - 45% trong tổng chi phí thực hiện một đơn hàng, do vậy khi giá xăng dầu tăng bắt buộc phải tính toán điều chỉnh giá cước, nhưng việc này cũng gặp khó bởi nguy cơ mất đơn hàng, nhất là với những hợp đồng đã ký thì việc thay đổi giá cước là không đơn giản, khó được chấp nhận. Với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang phải tìm cách giảm giá thành sản xuất hoặc chịu giảm lợi nhuận để đảm bảo cam kết với khách hàng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận