Liệu các Big Tech có sụp đổ?
Bất chấp quy mô, các công ty công nghệ lớn nhất thế giới (Big Tech) sẽ phải đối mặt với sự suy giảm, thậm chí sụp đổ.
Ảnh minh họa.
Hiện tại độc quyền,nhưng tương lai chưa chắc
Khi Mark Zuckerberg của Facebook, Tim Cook của Apple, Sundar Pichai của Google và Jeff Bezos của Amazon, bị gọi ra điều trần trước quốc hội Mỹ về các hành vi độc quyền, họ được gọi là những “hoàng đế” trong giới công nghệ. Chẳng hạn Zuckerberg là hoàng đế của mạng xã hội (MXH), Bezos là ông vua thương mại điện tử, Cook là bá chủ thị trường điện thoại di động và Pichai là ông trùm ngành công nghiệp tìm kiếm trực tuyến. Cả 4 ông chủ các Big Tech này hiện đều như những ông vua không ngai, được cho đang nắm quyền sinh quyền sát trong lĩnh vực của họ. Tên tuổi của họ hiện trên khắp thế giới không mấy ai không biết.
Thế nhưng, trước đó có những tên tuổi còn nổi tiếng hơn rất nhiều, lại không còn được chú ý đến: IBM và Microsoft. Trong những năm 1950, IBM đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ về việc mở cửa thị trường máy xử lý thẻ đục lỗ. Trong thập niên tiếp theo, máy tính đã chuyển sang máy tính lớn và việc công ty chiếm tới 70% thị phần, đã dẫn đến cuộc chiến pháp lý kéo dài 13 năm với Washington. Hiện IBM vẫn chiếm thị phần cao trên thị trường máy tính lớn, nhưng ít người quan tâm, bởi các máy tính lớn không còn ở vị trí tiên tiến nữa.
Tương tự, Microsoft vẫn là gã khổng lồ nhưng gần như không phải chịu áp lực cạnh tranh như Facebook, Amazon, Apple hay Google. Dù vướng vào vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ về việc công ty kết hợp trình duyệt web Internet Explorer với Windows, hiện mọi người dùng đều tải xuống trình duyệt Chrome của Google, nhưng Windows vẫn chạy trên hầu hết PC trên thế giới.
Sự sụp đổ của Apple, Amazon, Facebook và Google nếu xảy ra có khả năng sẽ đi theo quỹ đạo tương tự chăng? Hiện không có công cụ tìm kiếm nào thay thế được Google, nhưng nếu một ngày nào đó công cụ tìm kiếm sẽ không còn là trung tâm trong cuộc sống của chúng ta nữa thì Google cũng sụp đổ. Như trường hợp của Nokia, không ai có thể ngờ gã khổng lồ điện thoại di động Phần Lan lại trở nên mờ nhạt như ngày nay. Hoặc Yahoo!, một thời từng là “bá chủ” trong lĩnh vực tìm kiếm, chat và email, nay chỉ còn là cái tên nhỏ bé.
Bộ tứ vững chãi
Hiện nay, 5 Big Tech có giá trị nhất thế giới được gọi là CLB FAAMG (Facebook, Apple, Amazon, Microsoft và Google). Nhóm CLB này chiếm gần 1/4 tổng vốn hóa thị trường của S&P 500. Amazon đa dạng với các sản phẩm từ nền tảng thương mại điện tử đến các dịch vụ đăng ký và đám mây. Tăng trưởng doanh thu của Amazon nằm trong mức cao nhất so với các Big Tech. Amazon cũng là công ty dẫn đầu thị trường về không gian sản phẩm tương ứng. Với Covid-19, Amazon càng trở nên mạnh mẽ hơn. Vì vậy, Big Tech này được dự báo khó sụp đổ trong tương lai gần.
Giống như Amazon, Mircosoft rất đa dạng, từ dịch vụ tìm kiếm Bing, đến công nghệ đám mây và game. Một trong những lợi thế chính của Microsoft là tầm ảnh hưởng trong không gian doanh nghiệp. Với điều này, công ty đã thành công đáng kể không chỉ với Microsoft Azure và các sản phẩm văn phòng, mà có thể mở rộng các sản phẩm mới hơn vào cơ sở khách hàng và dịch vụ đám mây. Điểm trừ duy nhất của Microsoft là trong các lĩnh vực, họ chỉ đứng hàng thứ 2, chẳng hạn xếp sau Google về tìm kiếm và Amazon về đám mây. Dù vậy, đây cũng được đánh giá là công ty có sức mạnh vững vàng, chỉ kém Amazon.
Apple là một trong những thương hiệu lớn nhất thế giới và là một trong những công ty công nghệ thành công nhất, đã xây dựng đế chế của mình trên các sản phẩm vật lý, không phải đám mây hay tìm kiếm. Một trong những lợi thế lớn nhất Apple có được so với bất kỳ gã khổng lồ công nghệ nào khác là dấu chân của họ tại Trung Quốc.
Gã khổng lồ công nghệ này có thể xâm nhập không chỉ Trung Quốc, còn tạo ra những sản phẩm đình đám của họ. Đây là lý do hơn 1/5 doanh thu của họ đến trực tiếp từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhược điểm đáng kể của Apple là phụ thuộc vào các sản phẩm vật lý. Phần lớn doanh thu của họ đến từ các sản phẩm iPhone và Mac, đã có tuổi đời hàng thập niên. Nếu không có sự đổi mới phù hợp, họ có nguy cơ thua cuộc trước các đối thủ.
Google (Alphabet) được biết đến với công cụ tìm kiếm, nhưng cũng là người dẫn đầu trong sự đổi mới và nhiều lĩnh vực sản phẩm. Nhưng Google kiếm tiền hầu hết từ quảng cáo. Doanh thu quảng cáo của Google chiếm hơn 83% tổng doanh thu của công ty. Về đám mây, Google không so được với Amazon.
Điểm mạnh của Google là sở hữu Youtube. Tốc độ tăng trưởng của Youtube vượt xa doanh thu quảng cáo tổng thể của Google. Ngoài ra, hãng cũng thống trị trong lĩnh vực AI. Quan trọng hơn, Google vẫn lớn hơn nhiều so với bất kỳ công cụ tìm kiếm nào khác. Tính đến tháng 4-2020 họ vẫn duy trì 86% thị phần tìm kiếm trên thế giới.
Nguy cơ cho Facebook?
Một trong những MXH lớn nhất thế giới, Facebook, cũng sở hữu các sản phẩm như Instagram và Whatsapp, giúp họ xây dựng một đế chế truyền thông xã hội. Nhưng Facebook phụ thuộc rất nhiều vào quảng cáo trên các nền tảng MXH của mình, có nghĩa danh mục doanh thu của nó không đa dạng như một số gã khổng lồ công nghệ khác.
MXH này đã chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu hàng năm giảm kể từ năm 2017. Đặc biệt, do dịch Covid-19 các doanh nghiệp đang chi tiêu ít hơn cho quảng cáo, trong khi đây là động lực doanh thu duy nhất của Facebook. Thị phần của Facebook sụt giảm mạnh nhất gần đây là ở Mỹ, từ 76% vào tháng 12-2017 xuống còn 52% vào tháng 12-2018. Facebook cũng đang mất thị phần vào tay các ứng dụng, như Pinterest và Twitter và các ứng dụng mới hơn như Tiktok đang chiếm lĩnh thị trường.
Facebook cũng đang trong cuộc chiến với nhiều ứng dụng MXH như Line (Nhật Bản) và Kakao (Hàn Quốc). Với tất cả sự cạnh tranh này cũng như các quy định gần đây của chính phủ, Facebook phải đối mặt với khó khăn phía trước và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu họ sẽ liên tục giảm tốc độ tăng trưởng qua từng năm. Gần đây, gã khổng lồ MXH cũng đối mặt với bê bối đạo đức khi người tố giác Frances Haugen tiết lộ hàng loạt tài liệu nội bộ của công ty, với cáo buộc công ty đã đặt mục tiêu “tăng trưởng bằng mọi giá”, cao hơn các vấn đề đạo đức hay chính trị.
Cổ phiếu Meta của công ty mẹ Facebook đã giảm mạnh trong các phiên gần đây. Giảm 1,66% trong phiên ngày 11-3, trong khi lao dốc tới hơn 26% hôm 3-2. Vì vậy, nhiều nhà phân tích tin rằng nếu có một Big Tech trong CLB FAAMG sụp đổ, Facebook nhiều khả năng sẽ là công ty đầu tiên.
Theo SGĐTTC
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận