Lái xe an toàn: Phòng tránh thuỷ kích và những điều cần lưu ý khi lái xe qua vùng ngập nước
Lái xe an toàn vào mùa mưa bão như hiện nay, tình trạng ngập lụt thường xuyên diễn ra trên nhiều tuyến đường. Đây cũng chính là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến hiện tượng thuỷ kích, một trong những “cơn ác mộng” với mọi chủ xe ô tô.
- Giải đáp những ký hiệu cảnh báo trên ô tô
- Những lưu ý cần nhớ khi lái xe mùa mưa bão
- Lái xe an toàn: Cách xử lý hiện tượng kính lái bám sương hiệu quả
Hiện tượng thuỷ kích là gì?
Khi ô tô di chuyển qua vùng ngập quá cao, nước tràn vào buồng đốt thông qua đường hút gió sẽ làm xe chết máy đột ngột. Lúc này, nếu người lái vẫn cố tình đề máy và đạp ga đi tiếp sẽ gây ra hiện tượng thuỷ kích.
Nguyên nhân là bởi nước, với đặc tính không chịu lực nén, khi tràn vào chiếm chỗ hỗn hợp khí nạp sẽ biến lực ép thành phản lực, tác động ngược lại lên các piston (đang lao lên ép hỗn hợp khí nạp với tốc độ xấp xỉ 1.000 vòng/phút ở điều kiện vận hành bình thường). Phản lực này khiến hệ thống tay biên và piston bị biến dạng. Tay biên quá cong sẽ bị gãy, đoạn gãy này tiếp tục chuyển động theo chu kỳ sẽ làm xước xi-lanh và nghiêm trọng hơn nữa sẽ chọc thủng thành động cơ.
Thuỷ kích được xem như một trong những thiệt hại năng nề nhất với ô tô vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới động cơ, “trái tim” của mọi chiếc xe. Chi phí sửa chữa thuỷ kích cũng không hề nhỏ, nhẹ cũng phải vài chục triệu đồng thay tay biên, nặng thì có thể lến đến vài trăm triệu đồng để thay động cơ và hệ thống điện.
Xe bị ngập nước khác với xe bị thuỷ kích
Ngập nước là trường hợp xe đang tắt máy (dừng, đỗ trên đường, trong bãi đỗ xe hay hầm đỗ xe) bị nước dâng lên làm ngập xe, hoặc xe đang di chuyển trên đường đi qua chỗ ngập cao bị nước làm chết máy và tài xế chưa khởi động lại máy.
Trong khi đó, trường hợp xe bị chết máy do ngập nước mà tài xế cố tình khởi động lại máy, dẫn đến những tổn thất nói trên thì đó là xe bị thuỷ kích.
Đây cũng chính là điều kiện quan trọng để nhiều hãng bảo hiểm ô tô tại Việt Nam xác định xe có bị thuỷ kích hay không và có được giải quyết bồi thường hay không, dù có hay không tham gia điều khoản bảo hiểm thuỷ kích động cơ.
Phòng tránh thuỷ kích và những điều cần lưu ý khi lái xe qua vùng ngập nước
Cách lái xe an toàn để tránh hiện tượng thuỷ kích là hạn chế đi lại trong mùa mưa lũ, tránh đi qua các vùng ngập nước.
Khi buộc phải đi qua vùng ngập nước, nên tắt công tắc điều hòa. Với xe số sàn, chuyển về số 1 và chạy đều ga ở mức độ vừa phải, lưu ý không nên đạp côn. Với xe số tự động, nên chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Tránh chế độ chuyển số tự động để ngăn xe tự sang số 2 khiến ga bị yếu, làm nước tràn vào động cơ thông qua ống pô.
Hạn chế đạp thốc ga vì tăng ga đột ngột sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt. Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao sẽ càng khiến hiện tượng thủy kích mạnh hơn, dẫn tới cong tay biên.
Mức nước an toàn cảnh báo với đa phần các loại xe là dưới 25 cm, không vượt qua tâm bánh xe. Ngoài ra, cũng cần lưu ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.
Khi đi qua vùng ngập mà xe chết máy đột ngột, tuyệt đối không khởi động lại máy và gọi cứu hộ. Hãy rút chìa khoá xe và tắt mọi công tắc liên quan đến điện. Nên ra khỏi xe theo đường cửa sổ, tránh mở cửa xe đi ra vì nước bên ngoài có thể tràn vào trong xe gây hư hỏng các hệ thống điện tử.
Nếu là xe số tự động, nên đưa về số N, tránh để ở số P do có không ít trường hợp xe sau thời gian ngâm nước lâu chờ cứu hộ gặp trục trặc về điện, dẫn tới không chuyển số được, gây khó khăn cho việc cứu hộ.
Với xe trang bị hệ dẫn động 4 bánh thì chỉ sử dụng xe cứu hộ kiểu loại bàn (4 bánh không quay) để kéo. Với xe dẫn động cầu trước phải nâng bánh phía trước, xe dẫn động cầu sau nâng bánh phía sau, tránh gây hư hỏng cho xe.
Bên cạnh đó, người dùng cũng nên mua gói bảo hiểm có điều khoản bảo hiểm thuỷ kích cho xe, mức phí cho điều khoản này dao động từ 0,1%-0,3% giá trị xe. Tuy nhiên cần lưu ý, dù mua bảo hiểm thì người dùng vẫn phải chi trả từ 20%-30% chi phí sửa chữa thuỷ kích (tuỳ theo từng hãng bảo hiểm).
Lời khuyên cho bạn: Hãy luôn làm chủ mọi tình huống khi sử dụng ô tô để tránh tổn thất về vật chất và đưa ra các quyết định tối ưu giúp bạn lái xe an toàn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận