Đã truy thu thuế hàng tỷ đồng từ cá nhân có thu nhập trên Youtube, Tiktok
Hiện nay, các cục thuế trên cả nước đang theo dõi và quản lý sát sao hoạt động kinh doanh của các cá nhân cũng như doanh nghiệp trên nền tảng thương mại điện tử và đã thu được những kết quả nhất định. Chỉ riêng Cục Thuế Hà Nội qua triển khai áp dụng các biện pháp công nghệ thông tin để rà soát cơ sở dữ liệu trên mạng Facebook đã phát hiện 13.422 chủ tài khoản Facebook trên địa bàn Hà Nội có các hoạt động quảng cáo và bán hàng qua mạng.
- Thế giới siết chặt Facebook, Google để tránh 'lộng quyền'
- Nasdaq và S&P 500 lên đỉnh, Facebook và các cổ phiếu công nghệ khác đã tăng điểm mạnh mẽ
- Thuế thu của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa phản ánh thực tế kinh doanh
Chia sẻ tại Hội thảo “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” tổ chức ngày 29/7, ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, từ năm 2018 đến năm 2021, việc nhận diện cách thức hoạt động, các chủ thể tham gia vào quá trình hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) có vai trò tiền đề để thực hiện công tác quản lý thuế, trọng tâm là đối tượng để cơ quan Thuế có thể truyền tải các nội dung quy định, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hiểu rõ trách nhiệm, chủ động thực hiện nghĩa vụ.
Thời gian qua, Cục Thuế này đã triển khai áp dụng các biện pháp công nghệ thông tin để rà soát cơ sở dữ liệu trên mạng Facebook, qua rà soát đã phát hiện 13.422 chủ tài khoản Facebook trên địa bàn Hà Nội có các hoạt động quảng cáo và bán hàng qua mạng. Cục Thuế này đã 3 lần gửi tin nhắn trên hệ thống SMS đến các chủ tài khoản được xác định là chưa đăng ký thuế, hướng dẫn truy cập trang thông tin của cơ quan thuế. Tại địa chỉ trang này đã có các thông tin hướng dẫn về nghĩa vụ đăng ký, kê khai thuế, cách thức khai báo thông tin để các cá nhân kinh doanh qua mạng kê khai với cơ quan Thuế, hạn chế việc làm phiền nếu các cá nhân đã thực hiện đăng ký. Nhờ việc làm sát sao này, đã có trên 2.000 cá nhân thực hiện các thủ tục đăng ký kê khai thuế.
Sau khi phân tích nghiên cứu, Cục Thuế Hà Nội đã nhận diện, phân loại; triển khai các nghiệp vụ thuế, đấu tranh, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện cơ sở dữ liệu: rà soát, phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai kiểm soát dòng tiền của các trường hợp có phát sinh thu nhập từ Google, Facebook. Đồng thời rà soát, phối hợp với các trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển, trung gian quản lý các ứng dụng TMĐT để củng cố xác định vị trí của các cơ sở kinh doanh.
Trên cơ sở phối hợp, Cục Thuế Hà Nội đã thu thập được khối lượng dữ liệu lớn của các chủ thể liên quan đến hoạt động TMĐT qua ngân hàng, trung gian thanh toán, website (sàn TMĐT) để có những biện pháp cụ thể đối với từng nhóm đối tượng quản lý: cung cấp ứng dụng trên Google, Facebook; bán hàng online; cho thuê nhà qua ứng dụng Agoda, Booking.com, Airbnb…
Đáng chú ý, qua rà soát phát hiện có 1.194 cá nhân trên địa bàn hoạt động TMĐT nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook. Tính đến tháng 12/2021, số nộp ngân sách năm 2020 là 134 tỷ đồng, số nộp ngân sách năm 2021 là 129,3 tỷ đồng. Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của 32.084 cơ sở kinh doanh có hoạt động bán hàng online, 2.307 cơ sở cho thuê nhà/lưu trú để đưa vào diện quản lý thuế từ năm 2021.
Còn tại Cục Thuế TPHCM, theo chia sẻ từ đại diện đến từ cục Thuế này, đơn vị đã có nhiều kế hoạch, chuyên đề để tập trung tổ chức thực hiện như: tuyên truyền, vận động người nộp thuế có hoạt động TMĐT đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, thực hiện rà soát thông tin từ các tổ chức có liên quan (ngân hàng, sàn giao dịch TMĐT, doanh nghiệp sở hữu App vận chuyển, giao nhận…), cũng như kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT, trực tuyến có trả thu nhập cho cá nhân… và chuyển giao thông tin, dữ liệu chi trả thu nhập cho cá nhân về cơ quan thuế địa phương để đôn đốc thực hiện quản lý thu thuế theo quy định.
Kết quả, số thu thuế từ cá nhân có hoạt động TMĐT qua kê khai, kê khai bổ sung điều chỉnh và qua truy thu, phạt trong năm 2021 là trên 122 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2022 là trên 140 tỷ đồng (tăng 14,75%). Đáng chú ý, trong 2 năm 2021 – 2022, có 2 cá nhân bị truy thu thuế trên 8 tỷ đồng/cá nhân (đã nộp) là người có thu nhập do thực hiện các chương trình quay clip, phim giải trí trên ứng dụng mạng xã hội Youtube, Tiktok. Về kinh doanh bán hàng giao qua các App giao hàng của hộ kinh doanh ăn uống, có 1 hộ kinh doanh tại thành phố Thủ Đức có doanh thu khoán và doanh thu kê khai từ sử dụng hóa đơn năm 2021 là 2,287 tỷ đồng, qua rà soát đối chiếu từ các nguồn thông tin trên mạng xã hội và báo chí cung cấp, cơ quan Thuế đã đề nghị hộ kinh doanh tự kê khai điều chỉnh lại doanh thu kê khai thuế, chỉ trong quý I/2022 là 3,2 tỷ đồng.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế bằng phương thức điện tử.
Đồng thời, sẽ triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận