CĐS quốc gia gắn kết chặt chẽ với xây dựng, phát triển chính phủ số
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) là rất nặng nề; phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính (CCHC); xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Sáng 8/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban và các Ủy viên Ủy ban CĐS Quốc gia.
CĐS là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định CĐS quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: CĐS là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc (Ảnh: VGP)
Thủ tướng nhấn mạnh: CĐS là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. CĐS giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng CNTT, CĐS là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo.
Tiến trình CĐS trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, CĐS trở thành đòi hỏi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp (DN) để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết thực sự hiệu quả nhiều vấn đề liên quan tới thống kê, tiêm chủng, xét nghiệm, bảo đảm an sinh xã hội...
Khi dịch bệnh được kiểm soát, CĐS tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.
Thủ tướng nhấn mạnh: CĐS là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải đẩy mạnh CĐS một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về CĐS là rất nặng nề; phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: VGP)
Một số kết quả về triển khai Chính phủ số
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay đã kết nối đến 100% huyện; hơn 97% xã trên toàn quốc. Hiện chỉ còn Bình Thuận chưa kết nối được đến 100% cấp xã, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2022.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) tiếp tục phát huy hiệu quả để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tổng giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong 06 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 350 triệu giao dịch, tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ năm 2021; trung bình hàng ngày có khoảng 1,9 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.
CSDL dân cư kết nối với 3 DN viễn thông giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác
CSDL quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp (DN). Bộ Công an đã hoàn thành 9/11 DVCTT mức độ 4; tích hợp thử nghiệm về mặt kỹ thuật, giải pháp đối với việc xác thực danh tính qua thẻ CCCD gắn chip điện tử được trang bị tại các quầy giao dịch của 05 ngân hàng (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, PVcombank); triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại một số chi nhánh của 03 ngân hàng lớn (BIDV, Vietinbank, Vietcombank) tại Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh; sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh 6.361 cơ sở khám chữa bệnh (chiếm khoảng 48%).
CSDL dân cư đã kết nối chính thức với 11 đơn vị bộ ngành và 14 địa phương để làm giàu dữ liệu, đồng bộ thông tin với dữ liệu dân cư; Kết nối thử nghiệm thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) của 03 DN viễn thông lớn (VNPT, Viettel, MobiFone) với CSDL quốc gia về dân cư để xác thực dữ liệu người dùng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác.
CSDL quốc gia về bảo hiểm quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân.
CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 28 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; trên 6 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử.
CSDL quốc gia về đăng ký DN chứa thông tin đăng ký DN theo thời gian thực của hơn 01 triệu DN và đơn vị trực thuộc; tỷ lệ số hóa hồ sơ đăng ký DN đạt 100%.
DVC đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 97,3%
Tỷ lệ DVC đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9%, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Một số DVCTT phát huy hiệu quả rõ rệt phục vụ người dân, tiêu biểu như: dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; dịch vụ đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, Cổng DVC quốc gia đã có hơn 767.000 tài khoản đăng ký; hơn 102 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 32 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 1,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 531.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 1,5 nghìn tỷ đồng.
Từ khi khai trương đến nay, Cổng DVC quốc gia đã cung cấp 3.680 DVCTT mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 473 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 1 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,2 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 26 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 172.000 cuộc gọi tới tổng đài.
Triển khai các ứng dụng quy mô quốc gia
Trong 06 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,7 triệu văn bản, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, Hệ thống có tổng số hơn 12,8 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục.
Về hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), trong 06 tháng đầu năm 2022, hệ thống đã phục vụ 11 phiên họp Chính phủ và xử lý 204 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 71.000 hồ sơ, tài liệu giấy). Đến nay, hệ thống đã phục vụ 54 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.208 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 431.000 hồ sơ, tài liệu giấy).
Về hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện đã kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, CSDL có chức năng báo cáo của 15 bộ, cơ quan và 59 địa phương; đã cung cấp thông tin, dữ liệu của 15/151 chế độ báo cáo trên hệ thống; 152/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 04/12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 Quốc hội giao Chính phủ được cung cấp trên Hệ thống.
Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành đã xây dựng kho dữ liệu tổng hợp với trên 300 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và khoảng 250 bảng hiển thị dữ liệu cho các chỉ tiêu; đã kết nối 37 chỉ tiêu thông tin dữ liệu trực tuyến.
Một số công cụ cải cách, giám sát việc thực thi và phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang được triển khai bao gồm: hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và DN với 5 nhóm chỉ số thành phần (dự kiến vận hành chính thức từ 01/8/2022); cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh (đến nay đã cập nhật 12.451 quy định) và hệ thống theo dõi, đánh giá nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (dự kiến vận hành chính thức trong tháng 8/2022).
Trợ lý ảo được xây dựng và triển khai thí điểm nhằm hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động trong công việc tại Bộ TT&TT và Tòa án nhân dân tối cao, trước mắt tập trung vào hỏi đáp quy định trong văn bản pháp luật và hỏi đáp các tình huống quản lý nhà nước ngành.
Hệ thống giám sát dữ liệu trực tuyến, kết nối giữa cơ quan quản lý với hệ thống của đối tượng quản lý được triển khai nhằm giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời:
Bộ TT&TT thông triển khai Hệ thống giám sát, đo lường EMC của Bộ TT&TT kết nối, thu thập và đánh giá dữ liệu của 3 loại đối tượng gồm: (1) Cổng Thông tin điện tử, (2) Cổng DVC, (3) hệ thống Một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, đã có 62 tỉnh, thành phố và 27 bộ, ngành thực hiện tích hợp Hệ thống EMC, chỉ còn 02 bộ, 01 địa phương chưa thực hiện kết nối đầy đủ để phục vụ công tác giám sát, đo lường.
Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng, triển khai thí điểm nền tảng quản lý dữ liệu xăng dầu, triển khai chọn mẫu một số DN thuộc 3 nhóm đối tượng thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ xăng dầu.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT còn xây dựng, triển khai thí điểm Nền tảng quản lý dữ liệu DN đối với 02 DN thuộc Bộ là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost).
Người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng sử dụng DVCTT
Theo Bộ TT&TT, trong quá trình triển khai chính phủ số vừa qua, còn một số tồn tại, hạn chế như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các CSDL quốc gia còn nhiều vướng mắc, do mức độ sẵn sàng từ phía hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương là khác nhau, dẫn đến chưa giải quyết hiệu quả việc chia sẻ dữ liệu trong việc cung cấp DVCTT phục vụ người dân và DN.
Trong khi đó, CSDL đất đai quốc gia triển khai còn chậm. Việc cung cấp, sử dụng DVCTT mức độ cao tuy có những chuyển biến tích cực về số lượng, nhưng chất lượng và hiệu quả còn cần tiếp tục phải cải thiện rất nhiều. Người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng DVCTT. Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến một cách thực chất là chưa cao.
Giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể cho cơ quan nhà nước (CQNN) cung cấp DVCTT hiệu quả
Để khắc phục những tồn tại, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT; hướng tới mục tiêu đến hết 2022: 80% DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến, 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến.
Cụ thể, rà soát các thủ tục hành chính (TTHC) và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức độ toàn trình với các TTHC đủ điều kiện; giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể cho các CQNN cung cấp DVCTT hiệu quả (như tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến); nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích người dân, DN sử dụng DVCTT; triển khai các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân sử dụng các DVCTT.
Bên cạnh đó, cần kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các CSDL quốc gia, CSDL dùng chung của bộ, tỉnh và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương đã sẵn sàng để giảm thiểu giấy tờ cho người dân và DN, hướng tới người dân, DN chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho CQNN khi thực hiện DVCTT.
Bộ TT&TT cũng đề nghị kết nối, đồng bộ dữ liệu giám sát đo lường mức độ sử dụng DVCTT từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống đánh giá chỉ số phục vụ người dân, DN của Cổng DVC quốc gia, Hệ thống giám sát, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ chính phủ số;
Phát triển và sử dụng các nền tảng số phục vụ phát triển chính phủ số cần phải được thúc đẩy. Các nền tảng được triển khai phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không trùng lặp, tuân thủ pháp luật về quản lý đầu tư./.
Theo Thông tin và Truyền thông
https://ictvietnam.vn/cds-quoc-gia-gan-ket-chat-che-voi-xay-dung-phat-trien-chinh-phu-so-20220808103253221.htm
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận