Ứng dụng công nghệ, tăng cường tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với hàng nông sản
Doanh nghiệp, người dân cần áp dụng ứng dụng công nghệ, tăng cường mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường khắt khe trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
- Cụm trang trại của TH tại An Giang được thiết kế và vận hành với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới
- Áp dụng thành công mô hình nông nghiệp công nghệ cao để thích ứng với biến đổi khí hậu
- Chuyển đổi số nông nghiệp tạo đột phá từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, với mặt hàng thanh long, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long các loại (tươi, đông lạnh, sấy khô, nước ép) đạt 344,23 triệu USD, giảm 38,2% so với cùng kỳ, nhưng đây là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Xét về cơ cấu thị trường, thanh long chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với tỷ trọng chiếm đến 84,9% (tương đương trên 292 triệu USD), cho nên việc sụt giảm mạnh ở thị trường này (giảm 42,6% so với cùng kỳ) đã dẫn đến kết quả sụt giảm 38,2% như đã nói ở trên.
Đối với trái mít, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba về trái cây, 5 tháng đầu năm 2022 đạt 90,8 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt gần 78,8 triệu USD (chiếm tỷ trọng 86,74%), giảm 20,7% so với cùng kỳ.
Theo đại diện Bộ Công Thương, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu nhằm giữ vững thị phần, nâng cao giá trị gia tăng.
Các loại nông sản, trái cây khi đã xây dựng được thương hiệu cần tập trung xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và tìm các nhà nhập khẩu/đại lý phân phối chính thức; tránh xuất khẩu nông sản, trái cây đã có thương hiệu theo hình thức tiểu ngạch để tránh cạnh tranh trực tiếp với đại lý phân phối chính thức của mình.
Tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của Trung Quốc. Phân loại rõ ràng phẩm cấp, quy cách của từng mặt hàng cụ thể trước khi xuất khẩu. Nghiên cứu thiết kế bao bì riêng cho thị trường Trung Quốc, trong đó nên ưu tiên các thông tin trên bao bì bằng tiếng Trung Quốc.
Chủ động tuyển dụng nhân viên thông thạo tiếng Trung Quốc để có thể giao dịch trực tiếp và tìm hiểu thông tin thị trường cũng như các quy định liên quan của phía Trung Quốc để chủ động hơn trong kinh doanh với thị trường này.
Hạn chế tối đa các sai sót không đáng có trong quá trình xuất khẩu trái cây, cụ thể như thông tin trên Giấy chứng nhận kiểm dịch, trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cần khớp với thực tế lô hàng xuất khẩu, tránh việc các cơ quan liên quan phía Trung Quốc không cho phép thông quan do vướng phải các sai sót nêu trên, trong khi thực tế hàng xuất khẩu đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.
Cần tiếp tục đầu tư công nghệ, giống cây trồng để nâng cao chất lượng trái cây xuất khẩu, hạn chế việc dựa chủ yếu vào điều kiện tự nhiên làm lợi thế cạnh tranh.
Cần chú trọng công tác xúc tiến thương mại như chủ động tham gia các Hội chợ chuyên ngành về lĩnh vực nông sản tại Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm nông sản đã có thương hiệu (như gạo, xoài, vải, cà phê...), đồng thời qua đó tìm kiếm các nhà nhập khẩu uy tín nhằm xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường Trung Quốc một cách chính quy, bài bản.
Nghiên cứu khả năng hợp tác với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử của phía Trung Quốc để nhập khẩu, tiêu thụ nông sản qua hình thức thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận