Gần 80% DN hài lòng về cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2019
Kết quả chung về việc đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp nghiệp năm 2019 là 7,79 điểm, quy ra tỷ lệ phần trăm là 78%.
- Chỉ số nộp thuế sẽ tiếp tục cải thiện khi áp dụng hóa đơn điện tử
- Doanh nghiệp nào nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2018?
- Vì sao ông “trùm” cao tốc VEC bị cưỡng chế hơn 1.000 tỷ tiền thuế?
Đây là thông tin đáng chú ý tại Hội thảo công bố "Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế - Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2019, do nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thực hiện diễn ra sáng nay (18/11) tại Hà Nội.
Kết quả đánh giá này được thực hiện trên cơ sở thu thập, khảo sát và phân tích dữ liệu từ hơn 1.700 doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc, nhằm thực hiện Đề án: "Đo lường sự hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế.
Các chỉ số đánh giá được nhóm nghiên cứu tiến hành cho thấy, so sánh với kết quả năm 2016 có 3 chỉ số tăng điểm, đó là: sự phục vụ của công chức thuế, tiếp cận thông tin và kết quả giải quyết công việc; có 2 chỉ số giảm điểm nhẹ là thực hiện thủ tục hành chính thuế và thanh tra, kiểm tra thuế.
Việc đánh giá lần này được thực hiện từ bên thứ 3 độc lập là VCCI chứ không phải cơ quan thuế tự đánh giá nên đáp ứng các tiêu chí về đánh giá hiệu quả quản lý thuế theo tiêu chuẩn Tadat...
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết theo khảo sát suốt 5 năm qua (từ năm 2014- 2019), những nỗ lực cải cách, đơn giản hóa chính sách và thủ tục hành chính thuế... của Bộ Tài chính nói chung và Tổng cục Thuế nói riêng đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá khá tốt.
"Trong báo cáo đánh giá năm nay, thì chúng tôi có đánh giá 6 nhóm vấn đề: lưu ý cái này chủ yếu nhắm vào nhóm thủ tục hành chính thuế, chính vì vậy mà chúng tôi đánh giá về tiếp cận thông tin về pháp luật và chính sách của doanh nghiệp, người dân và trong hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, rồi chúng tôi cũng hỏi họ khi thực hiện thủ tục hành chính thuế cụ thể như thế nào?
Rồi cũng đánh giá về dịch vụ thuế điện tử vì cái này là cái trọng tâm ưu tiên của ngành thuế và cũng tạo ra sự thay đổi rất lớn trên thực tiễn cho nên chúng tôi muốn đánh giá trên thực tế đang diễn ra như thế nào. Thứ tư là một chính sách mới gần đây là chính sách hóa đơn điện tử thì thời điểm điều tra vào quý 2/2019 thì mặc dù chưa phải là dài so với Nghị định 119 có hiệu lực nhưng chúng tôi cho rằng đây là mốc rất quan trọng có thể đánh giá mức độ chuyển biến, mức độ nhận thức, mức độ kỳ vọng của doanh nghiệp về hóa đơn điện tử trên thực tế và vấn đề thứ năm một vấn đề tương đối nóng trên thực thi đó là vấn đề thanh kiểm tra và giải quyết khiếu nại về thuế và thứ sáu là có thể điều tra một công cụ khá lý tưởng để đánh giá sự tiếp nối từ năm trước để có thể so sánh được theo thời gian..." - ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc đo lường sự hài lòng của doanh nghiệp với cơ quan thuế nhằm thu thập những thông tin phản hồi, sự đánh giá của người nộp thuế với các chương trình cải cách của cơ quan thuế và có phương pháp lượng hóa theo các tiêu thức cố định so sánh được qua thời gian, làm cơ sở đánh giá việc thực hiện mục tiêu "đến năm 2020, tối thiểu có 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp" theo Chiến lược cải cách Thuế - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc đánh giá lần này được thực hiện từ bên thứ 3 độc lập là VCCI chứ không phải cơ quan thuế tự đánh giá nên đáp ứng các tiêu chí về đánh giá hiệu quả quản lý thuế theo tiêu chuẩn Tadat (Bộ công cụ đánh giá hiệu quả quản lý thuế) nhằm thu thập thông tin phản hồi, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan thuế. Kết quả công bố đã phản ánh thực trạng cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế trên toàn quốc dưới góc nhìn của doanh nghiệp.
Ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, cho biết: Đây cũng là kênh tham khảo cho các cơ quan Nhà nước có liên quan trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển hệ thống thuế. Đánh giá và so sánh chất lượng hoạt động của cơ quan thuế về các chỉ số qua các năm, giúp ngành thuế nhận diện được những điểm mạnh để tiếp tục phát huy và các điểm yếu để cải thiện.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá cao tính khách quan, khoa học và kết quả đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính thuế mà nhóm nghiên cứu VCCI đã tiến hành.
Đây cũng là cơ hội để ngành thuế lắng nghe, tiếp thu những ý kiến và phản ánh từ người dân, từ cộng đồng doanh nghiệp để khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các địa phương và VCCI cũng như các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, ngành tài chính đã có nhiều nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính thuế và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Ngành đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền cắt giảm và đơn giản hóa hàng trăm giờ nộp thuế cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Năm 2019, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội các đề xuất, sửa đổi về thu nộp thuế với những nội dung quan trọng xuất phát từ thực tiễn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính thuế, tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế và để ứng dụng khoa học công nghệ vào việc cải cách thuế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà, nhấn mạnh: "Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế, các cơ quan thuế ở các địa phương tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ quản lý thu thuế, thu đúng thu đủ chống thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo phát hiện ngăn chặn và phòng ngừa những trường hợp trốn thuế, tránh thuế hay làm xói mòn cơ sở thuế.
Đồng thời cũng phải thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ cho nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dn siêu nhỏ, dn khởi nghiệp và các hộ kinh doanh.
Đặc biệt là việc duy trì và cung cấp dịch vụ thuế điện tử từ khâu đăng ký kê khai nộp thuế, cũng như hoàn thuế, giảm thời gian công sức thực hiện cho doanh nghiệp áp dụng quản lý rủi ro trong công tác thanh tra kiểm tra và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm hành chính về thuế. Xây dựng cơ chế về cơ quan thuế công khai minh bạch và tăng cường sự giám sát của người dân của DN đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan thuế cũng như các cán bộ công chức của ngành thuế".
Tính đến tháng cuối 10/2019, đã có 133/304 thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4, có 99% các doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử. Ngành tài chính đã phối hợp với 52 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ thu thuế điện tử.
Bên cạnh đó, cũng đã có 93% doanh nghiệp thực hiện hoàn thuế điện tử. Bộ Tài chính cũng đã phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế quận, huyện, xã thành các chi cục khu vực của thành phố để kiện toàn bộ máy tổ chức, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách, đổi mới cho ngành thuế, phấn đấu "tăng điểm" hơn nữa từ đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp./.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận