Đảm bảo quy định quản lý thiết bị đầu cuối thông tin di động tại Việt Nam
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã nghiên cứu ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 117:2023/BTTTT) nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định về quy hoạch băng tần cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý thiết bị đầu cuối thông tin di động 2G, 3G, 4G theo thực tế triển khai mạng lưới tại Việt Nam.
Thực tế thay đổi
Hiện nay tại Việt Nam thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất được quản lý thông qua hình thức bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Điều này được Bộ TTTT quy định trong Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT, Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT, Thông tư số 10/2020/TT-BTTTT, Thông tư số 02/2022/TT-BTTTT quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Trong đó thiết bị đầu cuối thông tin di động GSM, W-CDMA FDD, E-UTRA FDD bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone trên tổng thuê bao điện thoại di động đã liên tục tăng, từ 59,2% năm 2018 lên 65,09% năm 2019, đạt 69,55% vào năm 2020. Đến năm 2021, số lượng thuê bao di động ước đạt 123,76 triệu, trong đó, có 92,88 triệu thuê bao là smartphone, chiếm khoảng 75%. Tuy nhiên, tính đến tháng 9/2023, số lượng thuê bao di động ước đạt 127.206.903 thuê bao, trong đó, có 82.452.235 thuê bao di động đang hoạt động có sử dụng dữ liệu, chiếm khoảng 64,81%.
Ảnh minh họa.
Thực tế triển khai công tác chứng nhận, công bố hợp quy, số liệu thống kê từ 1/1/2021 - 9/2022 cho thấy số lượng thiết bị đầu cuối thông tin di động chứng nhận, công bố hợp quy là rất lớn. Cụ thể từ tháng 1/2021 - 9/2022, đã có 1327 lượt model thiết bị đầu cuối di động của hơn 500 hãng sản xuất được chứng nhận, công bố hợp quy để đưa vào thị trường Việt Nam. Các hãng có nhiều chủng loại model sản phẩm được chứng nhận đưa vào thị trường như Samsung với trên 120 model, Vivo trên 70 model, Apple với 60 model, HP trên 100 model, Oppo trên 20 model, Huawei trên 20 model.
Hơn thế, trên thế giới, nhiều quốc gia, khu vực, tổ chức, nhà sản xuất đều có quy chuẩn riêng. Liên minh châu Âu quy định các thiết bị đầu cuối thông tin di động bắt buộc phải công bố sự phù hợp với các tiêu chuẩn do Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu (ETSI) ban hành. Tại Singapore, Cơ quan quản lý phát triển thông tin truyền thông IMDA (Info-communications Media Development Authority) đã ban hành quy định kỹ thuật cho thiết bị đầu cuối di động, áp dụng cho các thiết bị đầu cuối thông tin di động tế bào (Cellular Mobile Terminal - CMT) bao gồm thiết bị đầu cuối 3G, thiết bị đầu cuối 4G/LTE/LTE-Advanced và thiết bị đầu cuối 5G/IMT-2020.
XEM THÊM: Doanh nghiệp phải cam kết triển khai mạng 5G khi đấu giá băng tần 2500-2600 MHz
Trong khi đó, nhóm Dự án đối tác thế hệ thứ 3 (viết tắt tên tiếng Anh của cụm từ Third Generation Partnership Project - 3GPP) là một sự hợp tác giữa các nhóm hiệp hội viễn thông, nhằm tạo ra một tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống điện thoại di động thế hệ thứ 3 (3G) áp dụng toàn cầu nằm trong dự án Viễn thông di động quốc tế - 2000 của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Các chỉ tiêu kỹ thuật của 3GPP được dựa trên các chỉ tiêu kỹ thuật của Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSM) và thực hiện chuẩn hóa kiến trúc Mạng vô tuyến, Mạng lõi và dịch vụ…
Hay như hãng Apple, sản xuất các thiết bị đầu cuối thông tin di động như điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad, đồng hồ đeo tay iWatch, máy tính để bàn Mac, máy tính xách tay Macbook, tivi Apple TV, máy nghe nhạc iPod… Apple áp dụng và công bố sự phù hợp cho các sản phẩm của hãng các tiêu chuẩn về an toàn điện, an toàn bức xạ vô tuyến, phổ tần số, tương thích điện từ trường… Hãng Samsung sản xuất một số thiết bị đầu cuối thông tin di động tương tự Apple; áp dụng và công bố sự phù hợp cho các sản phẩm thiết bị đầu cuối thông tin di động về an toàn điện, an toàn bức xạ vô tuyến, tương thích điện từ trường (EMC), phổ tần số (RF), vật liệu thân thiện môi trường (RoHS), tiết kiệm năng lượng…
Đảm bảo yêu cầu quản lý
Để Quy hoạch phổ tần số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia; Quyết định số 02/2017/QĐ-TTg về Sửa đổi, bổ sung quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg; Quyết định số 38/2021/QĐ-TTg về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Quyết định số 02/2017/ QĐ-TTg.
Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đã ban hành các quy định về băng tần số triển khai mạng thông tin di động. Quyết định số 25/2008/QĐ-BTTTT quy định về việc phê duyệt quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động tế bào số của Việt Nam trong đó băng tần 900 MHz, 1800 MHz được quy hoạch và cấp phép cho mạng GSM, 1900-2200 MHz đã được quy hoạch và cấp phép cho 3G W-CDMA/HSPA; băng tần 700 MHz đang được sử dụng việc phát sóng truyền hình.
Thông tư số 04/2017/TT-BTTTT quy định triển khai hệ thống thông tin di động IMT trên các băng tần 824-835MHz, 869-915MHz, 925-960MHz, 1710-1785MHz, 1805-1880MHz, 1920-1980MHz, 2110-2170MHz; Thông tư số 19/2019/TT-BTTTT quy hoạch băng tần 694-806 MHz; Thông tư số 18/2020/TT-BTTTT quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz; Thông tư số 19/2020/TT-BTTTT quy hoạch băng tần 24,25-27,5 GHz; Thông tư số 29/2021/TT-BTTTT quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.
Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, thiết bị đầu cuối trong mạng thông tin di động thuộc “Danh mục sản phẩm, hàng hóa công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy” quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT/BTTTT của Bộ trưởng Bộ TTTT bắt buộc phải thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy. Vì vậy vấn đề chuẩn hóa các loại thiết bị này được Bộ TT&TT rất chú trọng và luôn cập nhật kịp thời để đáp ứng sự phát triển của công nghệ và hiện trạng quản lý.
Thực tế cho thấy, mạng thông tin di động mặt đất tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, các công nghệ hiện đang được triển khai gồm GSM, WCDMA, LTE/LTE-Advanced. Các doanh nghiệp Viettel, Vinaphone và Mobifone đã triển khai mạng 4G phủ sóng toàn quốc. Tại thị trường Việt Nam, có rất nhiều chủng loại thiết bị đầu cuối hỗ trợ LTE của nhiều hãng sản xuất khác nhau cung cấp cho người sử dụng.
Các quy hoạch về băng tần liên quan đến 4G đã được rà soát, cập nhật phù hợp với nhu cầu phát triển mạng lưới tại Việt Nam nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả phổ tần số vô tuyến điện, trong đó bổ sung công nghệ TDD. Vì thế việc rà soát, cập nhật quy chuẩn về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất là phù hợp yêu cầu phát triển mạng lưới cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thực thi quản lý chất lượng sản phẩm thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất.
Hơn thế, ở Việt Nam, việc quy hoạch để triển khai mạng thông tin di động mặt đất cũng phù hợp quy định chi tiết về các chỉ tiêu kỹ thuật, phương pháp đo kiểm tương ứng theo quy chuẩn quy định của ETSI.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng