SJC doanh thu khủng nhưng lãi lèo tèo
Doanh thu của SJC năm 2023 rất lớn, lên tới 28.408 tỉ đồng nhưng mức lãi lại lèo tèo. Biên lợi nhuận gộp của "ông lớn" này rất mỏng, chỉ đạt 0,85% và giảm so với năm 2022.
Trong cuộc họp mới đây, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc SJC, cho biết từ khi trở thành thương hiệu quốc gia, chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2012 đến nay công ty không được sản xuất và cũng không được nhập khẩu vàng.
Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính năm 2023.
Doanh thu bán vàng khủng nhưng giá vốn chiếm gần hết
Báo cáo cho thấy doanh thu thuần năm ngoái của SJC đạt 28.408 tỉ đồng, tăng chưa đến 5% so với năm 2022. Giá vốn hàng bán đạt 28.166 tỉ đồng, tăng xấp xỉ tốc độ tăng doanh thu.
Dù doanh thu nhích lên nhưng lợi nhuận gộp trong năm của SJC đạt 241,6 tỉ đồng, thấp hơn năm trước khoảng 8 tỉ đồng.
Sau trừ các loại chi phí và thuế, lãi ròng "ông lớn" ngành vàng đạt gần 61 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2022.
Sở dĩ doanh thu lớn nhưng mức lãi lại lèo tèo vì giá vốn chiếm tới 99% doanh thu. Biên lợi nhuận gộp của SJC rất mỏng, chỉ đạt 0,85%.
Dù là năm ghi nhận mức giá tăng sốc nhưng biên lợi nhuận gộp của "ông lớn" bán vàng còn giảm thấp hơn mức 0,92% năm 2022.
Báo cáo tài chính 2023 cũng cho thấy hàng tồn kho (chủ yếu là vàng) của SJC tính đến cuối năm ngoái đạt 1.446 tỉ đồng. Công ty này đã nâng mức trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho từ gần 26 tỉ trong năm 2022 lên gần 84 tỉ đồng năm 2023.
Ngoài ra, dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh của SJC năm ngoái còn âm 78,8 tỉ đồng, trong khi năm trước vẫn dương 51,6 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu có thể đến từ việc tăng giá trị hàng tồn kho.
SJC đang lãi rất mỏng so với doanh nghiệp cùng ngành?
Nhìn sang PNJ - một công ty kinh doanh vàng lớn khác trên thị trường, năm 2023 doanh thu thuần đạt 33.136 tỉ đồng, giảm hơn 2% so với năm trước.
Dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận gộp của PNJ lại tăng hơn 2%, đạt mức 6.058 tỉ đồng. Giá vốn hàng bán đạt 27.078 tỉ đồng, chỉ chiếm hơn 81% doanh thu, thấp hơn đáng kể so với mức 99% của SJC.
Biên lợi nhuận gộp của PNJ năm 2023 đạt gần 18,3%, cao hơn mức 17,5% năm 2022 và cao hơn nhiều so với những doanh nghiệp cùng ngành.
Năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 491 tỉ đồng năm 2023, giảm gần 52% so với năm 2022.
Năm 2022, lãi sau thuế của DOJI rất cao, đạt mức 1.016 tỉ đồng. Nhờ lãi lớn, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của DOJI năm này đạt tới 17,39%.
Nhìn lại, 2023 là một năm quá nhiều biến động với giá vàng. Cuối năm 2023, có thời điểm giá vàng miếng SJC đã leo lên mức kỷ lục mọi thời đại với giá bán ra 79,5 triệu đồng/lượng.
Tổng giám đốc SJC: Mang tiếng độc quyền vàng miếng mà không lợi gì
Trong cuộc họp mới đây, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc SJC, cho biết từ khi trở thành thương hiệu quốc gia, chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2012 đến nay công ty không được sản xuất và cũng không được nhập khẩu vàng.
Công ty SJC chỉ được gia công các miếng vàng SJC móp méo dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
Bà Hằng khẳng định độc quyền của SJC không mang lợi cho Công ty SJC hay một cá nhân, tập thể nào. Ngược lại, Công ty SJC luôn bị mang tiếng độc quyền để trục lợi. Do vậy từ thực tế vừa qua cho thấy cần cởi bỏ sự độc quyền này.
"Giá vàng miếng SJC có chênh với giá thế giới 15, 20, 30 triệu đồng hoặc thậm chí là cao hơn thì tôi cũng khẳng định luôn là Công ty SJC và Ngân hàng Nhà nước không có lợi ích gì ở đây, vì như đã khẳng định ở trên, từ năm 2012 Công ty SJC không được nhập nguyên liệu và không được dập vàng miếng SJC", bà Hằng nói.
Trước đó, kể từ năm 2012, SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia vì chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng