Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ đến 2025 dự kiến sẽ được phê duyệt vào giữa năm sau
Theo kế hoạch, Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2020 – 2025 sẽ được Cục Kiểm soát thủ tục hành chính trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2020.
- An toàn thông tin trong chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ điện tử
- Chính phủ điện tử: Đã triển khai 220.000 chứng thư số cho các cơ quan
- Chính phủ điện tử sẽ "nóng" trong lần đầu đăng đàn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Kế hoạch xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2020 – 2025 vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký quyết định phê duyệt (Ảnh minh họa: Internet)
Kế hoạch xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2020 – 2025 vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phê duyệt ngày 26/11/2019.
Kế hoạch nhằm xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ đồng bộ, thống nhất trong triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử tại Văn phòng Chính phủ, phục vụ các yêu cầu cải cách hành chính, thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc kết nối, liên tông, chia sẻ dữ liệu, quản trị dữ liệu, góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; thực hiện minh bạch hóa công tác quản lý kiến trúc tổng thể, xây dựng một Văn phòng Chính phủ điện tử hiện đại, chuyên nghiệp phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu và lấy người sử dụng làm trung tâm.
Yêu cầu đặt ra với việc xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ là phải bảo đảm khả thi và phù hợp với tình hình thực tế của Văn phòng Chính phủ, là cơ sở để các Vụ, Cục, đơn vị chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu và tránh đầu tư trùng lặp.
Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, kế hoạch cũng đã vạch rõ 5 nhóm nhiệm vụ với 22 nhiệm vụ cụ thể trong việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2020 – 2025.
Văn phòng Chính phủ cho hay, mô hình tổng thể Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng mô tả tổng quan các thành phần cơ bản của Kiến trúc Chính phủ điện tử, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung, Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hệ thống eCabinet, eConsultation và các ứng dụng CNTT, xử lý công việc trong nội bộ của Văn phòng Chính phủ, mối quan hệ giữa các thành phần và sơ đồ kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.
Theo kế hoạch, tháng 1/2020 là thời hạn Văn phòng Chính phủ hoàn thành việc xây dựng mô hình tổng thể hiện trạng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng. Sau khi xây dựng xong các kiến trúc thành phần gồm: kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin trong tháng 2/2020, nhiệm vụ xác định mô hình tổng thể Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2020 – 2025 trong tháng 3/2020.
Cũng trong tháng 3/2020, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sẽ đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế, cái tiến quy trình nghiệp vụ tại Văn phòng Chính phủ cũng như đề xuất lộ trình triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử và mô hình giám sát, đánh giá Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng.
Dự kiến, sau khi Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ được ra quyết định phê duyệt, trong tháng 6/2020, Văn phòng Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị triển khai Kiến trúc này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giao Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục, đơn vị, chuyên gia về Chính phủ điện tử tại Văn phòng Chính phủ xây dựng, cập nhật, duy trì, hỗ trợ, hướng dẫn triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ; kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các Vụ, Cục, đơn vị triển khai các nhiệm vụ liên quan tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ.
Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử tại Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ; cho ý kiến về Kiến trúc Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ trước khi trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm phê duyệt.
Theo ICTnews
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận