Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông bắt tay với Đại học Chung Ang thành lập Trường hội tụ ảo
Ngày 02/08/2024 vừa qua trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Giám đốc Học Viện Đặng Hoài Bắc tại Hàn Quốc, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và Đại học Chung Ang/Đại học Trung ương Hàn Quốc (CAU) sau phiên làm việc công bố sẽ thành lập Trường Hội tụ ảo (Virtual Convergence College - VCC).
Tham dự buổi tiếp PGS.TS Đặng Hoài Bắc và đoàn công tác, có Giáo sư Kwang Yong Park, Phó Hiệu trưởng, Giáo sư Seong Maeng-Je - Phó Hiệu trưởng điều hành hoạt động Nghiên cứu và đại diện các đơn vị chức năng của Trường Đại học Chung Ang - Hàn Quốc.
Đoàn công tác Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông làm việc cùng đại diện Trường Đại học Chung Ang - Hàn Quốc. Ảnh: Thùy Linh
Cụ thể hóa các nội dung Biên bản thỏa thuận được ký kết vào năm 2023, trong thời gian vừa qua, PTIT và CAU đã đồng tổ chức nhiều hoạt động học thuật, cuộc thi sinh viên. Những sáng kiến đổi mới của CAU trong giáo dục Đại học như: kết hợp giáo dục trực tuyến và trực tiếp trong phương pháp giáo dục; giáo dục hội tụ dựa trên nền tảng CNTT và phát triển Game; hợp tác với các trường Đại học toàn cầu đã được các chuyên gia đối tác CAU chia sẻ thông tin và kinh nghiệm triển khai với Học viện. Hai bên cùng chung nhận định rằng để khai thác các tiềm năng và lợi thế của PTIT và CAU, việc thành lập Trường Hội tụ ảo (Virtual Convergence College – VCC) vừa là xu thế vừa là cơ hội và thách thức để mở ra kỷ nguyên mới về giáo dục CNTT đổi mới cho Việt Nam và hệ sinh thái CNTT cho Hàn Quốc.
Đối với ngành Thiết kế và Phát triển Game, Trường Hội tụ Ảo VCC sẽ hướng tới mục tiêu đào tạo các sinh viên giỏi trên khắp Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao và toàn cầu hóa khả năng cạnh tranh của ngành trò chơi Việt Nam. Sinh viên theo học các khóa học tại VCC sẽ có cơ hội được học tập và hướng dẫn nghiên cứu do các giáo sư đầu ngành, các giáo sư từ các trường Đại học lớn trên thế giới giảng dạy, được tiếp cận môi trường học tập quốc tế và chuyên nghiệp.
Tại buổi làm việc, PTIT và CAU đã trao đổi chi tiết về các thủ tục thành lập và vận hành VCC, đề cử nhân sự đại diện của mỗi bên với vai trò đồng sáng lập VCC thay mặt Lãnh đạo hai trường triển khai những công việc đầu tiên đưa VCC vào hoạt động từ tháng 9/2024.
Diễn đàn số Việt Nam – Hàn Quốc. Ảnh: Thùy Linh
Sau phiên làm việc giữa Lãnh đạo PTIT và CAU, tại Diễn đàn số Việt Nam – Hàn Quốc được Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp Phần mềm Hàn Quốc đồng tổ chức, GS. Jong Hyun Wi – đồng sáng lập viên VCC PTIT, Chủ tịch Hiệp hội Game Hàn Quốc đã có bài trình bày tham luận về “Trường Hội tụ Ảo – Cách tiếp cận mới trong hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hàn Quốc”. Cũng tại Diễn đàn này, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Hiệp hội Game Hàn Quốc cũng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu chung, các dự án hợp tác đào tạo, trao đổi học liệu, trao đổi chuyên gia và sinh viên, tổ chức các hội nghị, hội thảo và các hoạt động sinh viên chung trong lĩnh vực thiết kế và phát triển Game.
Có thể bạn chưa biết:
Đại học Chung-Ang (hay còn gọi là Đại học Trung ương, viết tắt là CAU được thành lập năm 1918 là một trường đại học tư thục danh tiếng có trụ sở ở Seoul. Theo tờ báo Korea Joongang Daily vào năm 2013, CAU xếp hạng thứ 8 trên khắp đất nước Hàn Quốc, đặc biệt đây là trường đại học số một quốc gia trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh và nhiếp ảnh. Bên cạnh đó, trường xếp hạng thứ 7 về danh tiếng, thứ 7 về các văn bản được công bố trên SCI và xếp hạng 4 về tỷ lệ trao đổi sinh viên ra nước ngoài (5,1%).
Đại học Chung Ang gồm 10 trường đại học thành viên và 16 trường đào tạo sau đại học thành viên. Đại học Chung Ang đã và đang khuyến khích rộng rãi hoạt động trao đổi sinh viên với hơn 70 trường đại học của 20 quốc gia khác nhau. Hiện nay có khoảng 33,600 sinh viên hệ Đại học cùng với 700 giảng viên và 500 cán bộ. Trường được xem là nơi có môi trường đào tạo được yêu thích nhất được bình chọn bởi sinh viên Hàn Quốc.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng