Bộ trưởng TT&TT: Chuyển đổi số hướng đến phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam với chủ đề "chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường" diễn ra tại Hà Nội.
- Các ông lớn ICT 'bắt tay' lập liên minh Chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu ' Việt Nam hùng cường'
- Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số
- Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam Góp ý dự thảo Đề án chuyển đổi số Quốc gia
Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam, với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” do Bộ TT&TT, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam VINASA phối hợp tổ chức ngày 8/8 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị cùng thu 700 đại biểu trong nước, quốc tế...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam có khát vọng, ý chí xây dựng chính phủ số. Điều quan trọng với cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước là phải có sáng tạo, đột phá, vượt ra khỏi những thói quen, suy nghĩ ràng buộc, điều kiện khó khăn để tận dụng được cơ hội chuyển đổi số. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam được đánh giá là phát triển nhanh trong khu vực, nhưng do xuất phát điểm thấp nên cần phải phát triển nhanh hơn. Chuyển đổi số là cơ hội, nhưng nếu Việt Nam không tận dụng tốt cơ hội này thì sẽ gặp phải nhiều thách thức. Diễn đàn là cơ hội tốt để đội ngũ những người làm công nghệ thông tin đề ra mục tiêu lớn, tổng thể và những hành động cụ thể, thiết thực nhất...
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Công nghệ số đang thâm nhập thế giới với tốc độ rất cao, nhất là một số công nghệ đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản kinh tế và xã hội. Chuyển đổi số làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế - xã hội định hình nó.
Trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển 4 loại doanh nghiệp. Thứ nhất là doanh nghiệp công nghệ lớn (khoảng 10-20 doanh nghiệp) là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Thứ hai là các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các nền tảng (Platforms) chuyển đổi số. Tiếp đến là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Cuối cùng là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá.
Đề án chuyển đổi số quốc gia đưa ra định hướng Việt Nam sẽ lọt nhóm 40 thế giới, nhóm 4 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, vấn đề đầu tiên cần làm hiện nay đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin là bắt tay xây dựng nền tảng Platform số, kết nối các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân sử dụng.
Nhằm thực hiện yêu cầu này, tại diễn đàn, Liên minh Chuyển đổi số quốc gia đã hình thành với sự tham gia cam kết của 8 doanh nghiệp về đầu tư hạ tầng và Platforms chuyển đổi số. Thời gian tới sẽ có có nhiều hơn nữa doanh nghiệp tham gia vào cuộc cách mạng này.
Đại diện Tập đoàn FPT chính thức cam kết sẽ tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số cho lĩnh vực dịch vụ công và doanh nghiệp. Tập đoàn này đặt mục tiêu giảm 30-50% thời gian triển khai dự án chuyển đổi số cho tổ chức, doanh nghiệp bằng nền tảng và sản phẩm số toàn diện; đồng thời đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ chất lượng cao và chuyển giao phương pháp luận số hóa (FPT Digital). Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định: Chuyển đổi số là một vận hội phát triển chưa từng có trong lịch sử, là thời cơ để các nước phát triển như Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên các nước khác...
Năm 2019, Việt Nam sẽ có Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, đầu tư trước, đi trước để có thứ hạng cao trên thế giới...
Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam năm 2019 gồm 1 phiên toàn thể vào sáng 8/8 và 2 phiên chuyên đề diễn ra vào buổi chiều với các chủ đề chuyên biệt: "Chuyển đổi số cho các cơ quan Nhà nước" và "Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp". Bên lề của diễn đàn có triển lãm các giải pháp cho chuyển đổi số và hoạt động kết nối tư vấn, hợp tác về chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận