Kết nối doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu Quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Ngày 26/9/2024, tại Hà Nội, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE) và Dự án cộng đồng ADCrew (thuộc công ty ADCrew VIETNAM) đồng tổ chức Hội nghị "Kết nối doanh nghiệp thực hiện mục tiêu Quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng" nhằm kêu gọi sự đồng hành của các doanh nghiệp trong những sáng kiến y tế hàng đầu.
- Chuyển đổi số để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân
- Nhiều ứng dụng chăm sóc sức khỏe tồn tại lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng
- GE HealthCare trình diễn giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện
Hội nghị quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế của Việt Nam, đại diện các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp lớn trong nước.
Với chủ đề “Xúc tiến marketing có trách nhiệm dựa trên đề án quốc gia của Chính phủ Việt Nam: Xu hướng hiệu quả và phát triển bền vững của các doanh nghiệp lớn”, hội nghị nhấn mạnh, toàn xã hội cần chung tay hành động để xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh. Nhà nước cùng với các doanh nghiệp, tổ chức, cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ và thúc đẩy lối sống lành mạnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và các chiến lược quốc gia về y tế công cộng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Theo đó, các chiến lược được thiết kế với mục tiêu rõ ràng; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành; hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Lê Đình Tiến, Phó Chủ tịch thường trực VACHE cho biết, trong những năm gần đây Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đến sức khỏe của người dân, dành nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống y tế quốc gia; Ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân.
Mới gần đây (ngày 23/1/2024), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe quốc gia giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” (Quyết định số 89/QĐ-TTg). Đây là Chiến lược tổng thể của ngành y tế, mang tính định hướng, làm cơ sở để xây dựng các đề án, chiến lược cụ thể trong ngành.
Chiến lược quốc gia mới, một mặt đưa ra những định hướng mới về chăm sóc sức khỏe cho giai đoạn trung và dài hạn, một mặt khẳng định sẽ tiếp tục các chính sách, chương trình, đề án về chăm sóc sức khỏe được ban hành ở các giai đoạn trước, trong đó có các nhiệm vụ quan trọng như: Đề án “Đẩy mạnh chương trình sức khỏe Việt Nam”; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030; Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ em; Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030; Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Lê Đình Tiến – nguyên Thứ trường Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch VACHE khai mạc hội nghị.
Chiến lược mới cũng nêu rõ quan điểm tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tài chính của các nước, các tổ chức quốc tế; Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động y tế. Xã hội hóa, hợp tác công tư là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thực thi các chính sách phát triển đất nước nói chung và chính sách chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân nói riêng cũng được nhấn mạnh trong Chiến lược mới này.
Cũng theo TS. Lê Đình Tiến, trên cơ sở các chính sách, đề án của Chính phủ đã ban hành, Hội nghị "Kết nối doanh nghiệp thực hiện mục tiêu Quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng" sẽ trao đổi một vấn đề hết sức quan trọng và thiết thực, đó là làm thế nào kết nối các doanh nghiệp để đồng hành cùng Chính phủ trong triển khai các mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Hội nghị sẽ trình bày những thành tựu, kinh nghiệm và bài học của các doanh nghiệp dược đã đồng hành cùng các cơ quan Chính phủ, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và những vấn đề mới về chính sách CSSK Nhân dân đặt ra trong thời gian tới. Làm sao để hài hòa lợi ích quốc gia (Nhà nước), doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong quan hệ hợp tác công - tư. Những báo cáo chuyên đề về vấn đề này sẽ được trình bày, thảo luận và đưa ra những kiến nghị trong Hội nghị này.
TS Lê Đình Tiến cho biết thêm, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng (GDCSSKCĐ) Việt Nam được thành lập cách đây 16 năm, với sứ mệnh “Kết nối cộng đồng, đồng tâm, hiệp lực phấn đấu vì sự nghiệp GDCSSKCĐ, nâng cao chất lượng nòi giống,góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”. Hội không chỉ thực hiện chức năng phổ biến kiến thức, truyền thụ kỹ năng để thay đổi nhận thức và hành vi cho cộng đồng về ý thức chăm sóc sức khỏe chủ động cho mỗi cá nhân, cho cộng đồng, mà còn tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chính sách, chiến lược của Chính phủ về CSSK tới cộng đồng.
Ngoài ra, Hội còn là cầu nối giữa các cơ quan Chính phủ và cộng đồng hội viên của Hội, mang tiếng nói, nguyện vọng và yêu cầu của cộng đồng xã hội và của các doanh nghiệp hội viên trong ngành y dược để tham gia đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình xây dựng các chính sách của Đảng và Chính phủ về CSSK cho Nhân dân.
Đồng thời,Hội còn có chức năng kết nối, hướng dẫn cho các doanh nghiệp hội viên tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tuân thủ đúng pháp luật của Nhà nước.
Hội GDCSSKCĐ Việt Nam luôn hoan nghênh và ủng hộ các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, cung ứng, kinh doanh các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, dược phẩm, dịch vụ y tế có chất lượng tốt, an toàn, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh tật, phù hợp với nhu cầu và khả năng kinh tế của người dân; chấp hành đúng pháp luật của Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Bạch Dương, Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.
Khẳng định sự phát triển bền vững của một xã hội không thể tách rời công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân. Nên theo TS. Lê Đình Tiến, để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần sự chung tay từ nhiều phía, không chỉ từ Chính phủ mà còn từ các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp, xã hội, và đặc biệt quan trọng là từ các doanh nghiệp dược phẩm - là những chủ thể đang nắm giữ chìa khóa tri thức công nghệ và năng lực sản xuất để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cao, an toàn, tiên tiến nhất cho cộng đồng và xã hội.
"Hội GDCSSKCĐ Việt Nam tin rằng, với sự chung tay của các doanh nghiệp dược phẩm trong nước và nước ngoài, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và sự điều phối của Chính phủ, chúng ta sẽ góp phần tích cực xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng vững mạnh, hướng tới một Việt Nam khỏe mạnh, giàu có và thịnh vượng.
Chúng tôi mong rằng, các ý tưởng về đề án, chương trình kết nối doanh nghiệp với các mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Chính phủ trình được bày trong Hội nghị này sẽ là tiền đề cho các hợp tác công - tư thành công trong thời gian tới", TS. Lê Đình Tiến bày tỏ.
Tại Hội nghị, BS. Hoàng Thị Bạch Dương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam chia sẻ, Hội nghị "Kết nối doanh nghiệp thực hiện mục tiêu Quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng" hướng tới mục tiêu, để mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
BS Hoàng Thị Bạch Dương cho biết Thủ Tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quyết định đã nêu rõ: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành Y tế là nòng cốt; khuyến khích, thúc đẩy và phát huy vai trò của khu vực ngoài công lập. Việc chăm sóc sức khỏe dựa trên nhu cầu và lấy người dân làm trung tâm; Bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế, dược phẩm và thiết bị y tế có chất lượng với chi phí hợp lý.
Thực hiện phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân từ sớm, từ xa ngay tại cơ sở, bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp và đại dịch. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, ưu tiên đầu tư ngân sách và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm các dịch vụ y tế cơ bản.
Chính vì vậy, việc kết nối các doanh nghiêp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bao gồm: Dược, mỹ phẩm, các đơn vị cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe,... với nhau và định hướng kinh doanh bền vững và Marketing theo hướng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (tiếng Anh: Corporate social responsibility, viết tắt: CSR) là vô cùng cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao vị thế và uy tín của mình trong cộng đồng.
CSR là một dạng hoạt động có quy tắc được các doanh nghiệp tự đưa ra nhằm giúp doanh nghiệp đóng góp cho các mục tiêu xã hội dưới vai trò là một doanh nghiệp nhân đạo, hoạt động vì cộng đồng bằng cách tham gia, hỗ trợ các hoạt động tình nguyện hoặc thực hiện những hoạt động mang tính đạo đức. Thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ giúp xây dựng hình ảnh và uy tín của công ty, mà còn mang lại nhiều lợi ích bền vững không chỉ cho chính doanh nghiệp mà còn cho toàn xã hội. Một doanh nghiệp thành công không thể phát triển tốt trong một xã hội suy tàn. Do đó, phát triển kinh doanh đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội là một việc làm cần thiết.
Cũng theo BS. Hoàng Thị Bạch Dương, nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi ích ngắn hạn mà bỏ qua giá trị cốt lõi của xã hội, thì sớm hay muộn, họ sẽ mất đi niềm tin của khách hàng và cũng sẽ không còn đứng vững trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Vì vậy, thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ là một nhiệm vụ đạo đức, mà còn là chìa khóa để đạt được sự phát triển bền vững và thành công trong kinh doanh.
"Tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay góp sức của lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành Dược mỹ phẩm và Sức khỏe, cùng với sự kết nối của các Tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan quản lý của Nhà Nước, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng và góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người Việt", BS. Hoàng Thị Bạch Dương bầy tỏ.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng