Đài PTTH Vĩnh Long - Hiệu quả từ cơ chế "Tự chủ tài chính"
Sau 18 năm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Đài Phát thanh và truyền hình Vĩnh Long đã đạt được những thành tựu nhất định.
Lê Thanh Tuấn
Quyền Giám Đốc - Đài Phát Thanh và Truyền Hình Vĩnh Long
- Truyền hình OTT - Hướng đi mới của các “nhà Đài”
- Các Đài PTTH địa phương đẩy mạnh trao đổi, hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình
- Nền tảng OTT là xu thế tất yếu đối với các Đài địa phương trong thời đại 4.0
*Tạp chí Điện tử trích dẫn một số ý kiến tham luận của Ông Lê Thanh Tuấn Quyền Giám Đốc - Đài Phát Thanh và Truyền Hình Vĩnh Long xung quanh vấn đề mà các cơ quan báo chí quan tâm hiện nay là làm sao đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa thực hiện tốt hoạt động kinh tế báo chí. Tham luận gợi mở được nhiều vấn đề góp phần giúp các cơ quan báo chí tìm ra lời giải tốt nhất cho bài toán khó khăn đang được đặt ra. Tiêu đề bào báo do Ban biên tập Tạp chí Điện tử đặt.
Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta cũng như toàn bộ hệ thống chính trị đang tích cực triển khai Nghị quyết 19/NQ-TW về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập". Đặc biệt, trong lĩnh vực báo chí, các cơ quan báo đài cũng đang trong lộ trình triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, do đó, việc tự chủ trong báo chí không còn là xu hướng, mà đã trở thành kế hoạch cụ thể đòi hỏi các cơ quan báo chí phải nỗ lực thực hiện.
Vấn đề đang được đặt ra đối các cơ quan báo chí nói chung và các đài phát thanh truyền hình địa phương nói riêng chính là trả lời câu hỏi: Làm sao vừa phải đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị vừa phải đảm bảo khai thác tốt nguồn thu để duy trì hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường hiện nay?
Đối với Đài PT&TH Vĩnh Long, theo kế hoạch ban đầu, mô hình tự cân đối thu chi tài chính của Đài PT&TH Vĩnh Long chỉ dự kiến thực hiện từ năm 2002 đến năm 2004, do bản thân các vị lãnh đạo tỉnh vẫn còn rất lo ngại về khả năng đứng vững và không bị chệch hướng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí khi phải chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính.
Tuy nhiên, điều đáng phấn khởi là Đài PT&TH Vĩnh Long đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính liên tục trong suốt 18 năm qua, từ những năm đầu thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ, cho đến khi ra đời Nghị định số 43/2006-NĐ-CP và sau này được thay thế bởi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
Kết quả trên chứng minh rằng việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính là một chủ trương đúng đắn và phù hợp. Cơ chế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đài chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Bởi lẽ, nếu Đài không sớm thoát khỏi “bầu sữa ngân sách nhà nước” thì khó có thể đưa hoạt động kinh doanh báo chí đạt được hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo được tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Và sau 18 năm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Đài Phát thanh và truyền hình Vĩnh Long đã đạt được những thành tựu nhất định.
Về nội dung chương trình, Đài luôn chủ động, sáng tạo nâng cao chất lượng chương trình phát thanh, truyền hình trên tiêu chí: Phục vụ những gì khán giả cần. Nội dung chương trình luôn đảm bảo phục vụ yêu cầu thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.
Nhóm chương trình thời sự - chính trị, chuyên đề, khoa giáo, phổ biến kiến thức trên tất cả các lĩnh vực đã thông tin kịp thời tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh nhà, mang đến những thông tin thiết thực, bổ ích cho người dân cũng như phục vụ cho công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương. Đặc biệt, nhóm các chương trình từ thiện – xã hội đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng. Đài trở thành cầu nối, huy động sự đóng góp lớn của các nhà hảo tâm cho những mãnh đời bất hạnh, khó khăn, góp phần xây dựng xã hội hướng thiện.
Nhóm chương trình văn hóa, giải trí phong phú và đa dạng, được xây dựng theo hướng đi riêng, cổ vũ văn hóa dân tộc. Trong đó nổi bật là việc sản xuất và phát sóng phim Việt. Từ năm 2008, thực thi quy định của Luật Điện ảnh, Đài PT&TH Vĩnh Long đã hợp tác sản xuất mỗi năm 350 - 450 tập phim truyện, đảm bảo tỷ lệ phát sóng phim Việt theo quy định của Chính phủ. Từ năm 2009 đến nay, Đài đã xây dựng thành công “giờ vàng phim Việt” trong khung giờ từ 20-21 giờ mỗi ngày và được khán giả đón nhận, trong đó có nhiều bộ phim đạt chỉ số rating cao. Những năm gần đây, Đài còn mạnh dạn đầu tư vào các chương trình truyền hình thực tế, đặc biệt là các chương trình truyền hình thực tế với format thuần Việt, có nội dung tuyên truyền, cổ vũ văn hóa dân tộc như: Sao nối ngôi, Solo cùng Bolero…
Về tài chính, từ một đơn vị thụ hưởng kinh phí ngân sách, Đài đã trở thành đơn vị tự chủ 100% và nhiều năm liền là một trong những đài phát thanh truyền hình nằm trong top 3 về doanh thu quảng cáo trong cả nước. Trong giai đoạn 2007-2016, nguồn thu của Đài liên tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
Chính sự hiệu quả, ổn định trong hoạt động, trong những năm qua, Đài PT&TH Vĩnh Long là một trong những đơn vị sự nghiệp dẫn đầu trong việc đóng góp cho nguồn thu ngân sách của địa phương và thực hiện hoạt động an sinh xã hội. Tổng giá trị phúc lợi các hoạt động từ thiện xã hội của Đài thực hiện từ năm 2008 - 2018 hơn 700 tỷ đồng.
Nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp qua nhiều năm tích lũy đạt gần 4.000 tỷ đồng. Năm 2018, Đài PT&TH Vĩnh Long cam kết nộp hỗ trợ cho ngân sách tỉnh trong giai đoạn 2018-2020 số tiền 2.000 tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án bức xúc của tỉnh nhà. Đây được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long năm 2018. Đây là thành quả của sự nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo và CBVC đơn vị trong suốt nhiều năm qua.
Trụ sở mới Đài PTTH Vĩnh Long đang được xây dựng hoàn thành. Ảnh: Đài PTTH Vĩnh Long
Là một trong các đài phát thanh truyền hình thực hiện sớm cơ chế tự chủ tài chính và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên trong thời gian tới, tôi nhận thấy việc đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị gắn liền với phát triển kinh tế của các cơ quan báo chí sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đặc biệt, đối với các đài mới bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ trong giai đoạn hiện nay thì khó khăn, thách thức sẽ càng nhiều hơn.
Trước hết, chúng ta cần quan tâm đó là những thử thách trong vòng xoáy của kinh tế thị trường, đặc biệt là việc xã hội hóa trong sản xuất trong chương trình truyền hình cùng với sự lớn mạnh của các công ty truyền thông trong nước mà mục tiêu hàng đầu của các đơn vị này là lợi ích kinh tế sẽ ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các Đài PT&TH. Dưới tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường, xu hướng đặt năng vấn đề doanh thu, lợi nhuận lên trên nhiệm vụ chính trị, xem nhẹ tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ và sự xa rời quan hệ giữa văn hóa và chính trị, làm cho tình trạng “thương mại hóa báo chí” diễn ra ngày càng nhiều.
Thứ hai, sự dịch chuyển khán giả từ truyền hình truyền thống sang truyền thông số ngày càng tăng kéo theo sự sụt giảm doanh thu quảng cáo truyền hình. Trong những năm gần đây doanh thu quảng cáo truyền hình có xu hướng sụt giảm mạnh do sự cạnh tranh quảng cáo với các trang thông tin điện tử tổng hợp và các mạng xã hội lớn của nước ngoài như YouTube, Facebook...
Thứ ba, cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, sâu sắc, đòi hỏi chúng ta phải thích nghi và đổi mới theo những xu hướng mới để không bị tuột lại phía sau.
Thứ tư, việc đầu tư sản xuất chương trình ngày nay đòi hỏi kinh phí đầu tư khá lớn mới có thể có được những chương trình có chất lượng về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Các Đài phải tăng chi phí sản xuất chương trình, đầu tư kỹ thuật công nghệ, tăng chi phí cho việc mua bản quyền và nhiều chi phí khác…để nhằm nâng cao chất lượng nội dung chương trình đồng thời cũng để nhằm tăng tính cạnh tranh trong điều kiện mới.
Trước những thực tế trên, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đầy đủ những cơ hội và thách thức trong giai đoạn hiện nay để tìm ra các giải pháp phù hợp góp phần giúp các cơ quan báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Từ những kinh nghiệm tích lũy trong những năm qua, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính đối với cơ quan báo chí.
Một là, cần phải luôn xác định đối với các cơ quan báo chí, nhiệm vụ chính trị là cốt lõi, là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Hoạt động kinh tế báo chí là để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị. Nếu khai thác tốt các nguồn thu thì sẽ tạo điều kiện đầu tư phát triển cơ quan báo chí như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ viên chức, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức sản xuất các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trước mặt trái của kinh tế thị trường, để giữ vững tôn chỉ mục đích, không xa vào thương mại hóa báo chí một cách tiêu cực, đội ngũ lãnh đạo, CBVC cần phải không ngừng rèn luyện về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật về báo chí và sự chuyên nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ, sản xuất chương trình, thấm nhuần bản chất của báo chí cách mạng Việt Nam.
Hai là, chúng ta cần xác định, đối với cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí là quan trọng nhất. Ngay cả khi không thực hiện chức năng kinh tế, cơ quan báo chí cũng cần phải sản xuất chương trình và nâng cao chất lượng chương trình để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Vì chương trình hay, bổ ích, phù hợp với thị hiếu, phù hợp với nhu cầu của đông đảo khán giả mới thu hút được người xem, từ đó mới đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền.
Trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, nâng cao năng lực sản xuất nội dung. Vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp là mục tiêu hướng đến của các Đài hiện nay. Đặc biệt, đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cơ quan báo chí thì đòi hỏi phải vừa vững kiến thức chuyên môn vừa có kiến thức về quản lý kinh tế.
Bên cạnh đó, cũng cần phải phát huy hiệu quả của việc xã hội hóa trong sản xuất chương trình. Thời gian qua, nhờ chủ trương XHH đã thu hút các nguồn lực (từ nguồn lực về nhân sự, chất xám, cho đến nguồn lực tài chính và phương tiện kỹ thuật...) để tham gia vào quá trình sản xuất các chương trình truyền hình. Trong tương lai, hoạt động này cần được phát huy một cách đúng định hướng hơn nữa. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí phải quản lý tốt các chương trình xã hội hóa để tránh được nguy cơ thương mại hóa báo chí, chạy theo lợi nhuận thuần túy trong lĩnh vực truyền hình. Bên cạnh đó, mặt trái của việc xã hội hóa trong sản xuất chương trình truyền hình đã dẫn đến sự ra đời của quá nhiều kênh truyền hình. Trong khi miếng bánh thị phần không thay đổi đã khiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và không lành mạnh giữa các kênh truyền hình XHH với các kênh truyền hình địa phương. Trong bối cảnh đó, thì phần thiệt thòi vẫn thuộc về các đài địa phương. Vì các Đài vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải thực hiện chức năng kinh doanh, phải cạnh tranh trong cơ chế thị trường, đồng thời, cơ chế chính sách cho các Đài đẩy mạnh hoạt động kinh tế báo chí còn nhiều hạn chế và ràng buộc. Trong khi đó, các kênh truyền hình tư nhân chỉ nhằm vào mục tiêu lợi nhuận kinh tế và cơ chế thì thông thoáng và dễ thực hiện hơn.
Để tháo gỡ vấn đề này, thì nhà nước đã có quy định về cơ chế đặt hàng thực hiện nhiêm vụ chính trị đối cơ quan báo chí, tuy nhiên hiện nay việc áp dụng ở mỗi địa phương mỗi khác nhau. Do đó, trong thời gian tới cần có hành lang pháp lý cụ thể để tạo điều kiện cho các Đài thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.
Ba là, nói đến hiệu quả họat động kinh doanh của một cơ quan báo chí trước hết phải nói đến khả năng thu hút khán giả của nó. Bởi đó là điều kiện tiên quyết để thu hút các nhà cung cấp quảng cáo và tài trợ. Chương trình hay, thu hút được khán giả thì tự các doanh nghiệp sẽ tìm đến để quảng bá sản phẩm. Do đó, phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề mở rộng công chúng, phát triển, giữ gìn lượng khán giả trung thành. Điều tra, nghiên cứu lượng khán giả xem chương trình để đánh giá mức độ thu hút khán giả dựa trên những số liệu cụ thể. Từ đó, xác định và bố trí từng chương trình vào các khung giờ thích hợp, phù hợp với với tâm lý đối tượng nghe và xem đài để làm sao có thể thu hút được khán giả một cách hiệu quả nhất để tạo được sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà cung cấp quảng cáo và các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một thực tế mà các Đài cần phải quan tâm đó là tình trạng số liệu ảo. Việc này có thể dẫn đến tình trạng các chương trình có nội dung kém hấp dẫn nhưng lại có chỉ số rating cao, thu hút được nhiều quảng cáo trong khi thực tế lại không có khán giả, ảnh hưởng đến nguồn ngân sách chi cho quảng cáo.
Thực tế, đã có rất nhiều kênh truyền hình, nhiều công ty truyền thông lâm vào hoàn cảnh khốn đốn hay buộc phải đóng cửa, lý do cũng vì quá tự tin vào chỉ số rating, dẫn đến những bước đi sai lầm về chiến lược phát triển nội dung chương trình. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc tạo cơ chế đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trong hoạt động kinh tế báo chí theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Đây được xem là một trong những vấn đề cốt lõi, là sự sống còn của các cơ quan báo chí trong quá trình tự chủ tài chính và hoạt động kinh doanh báo chí.
Bốn là, trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần phải chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và sản xuất, phát sóng chương trình. Nắm bắt kịp thời xu thế phát triển của KH-KT để ứng dụng vào công tác quản lý, sản xuất, truyền dẫn và phát sóng chương trình theo hướng hiện đại, đồng bộ, đúng quy hoạch. Đồng thời, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất thông tin, mở rộng các kênh tiếp cận với đời sống nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, tăng hiệu quả công tác tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội.
Và cuối cùng, phải tranh thủ được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo bộ nghành, đặc biệt là sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí và mở rộng các hoạt động dịch vụ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận