Công ty chuyên về AI của Trung Quốc xin miễn lệnh trừng phạt của Mỹ để ngăn chặn nCoV
Để phục vụ cho việc phòng chống dịch, Công ty công nghệ Iflytek của Trung Quốc chuyên về AI thuộc diện chịu lệnh trừng phạt của Mỹ đã đề nghị Bộ Thương mại nước này miễn lệnh để mua các thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động ngăn chặn nCoV.
- Ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật về dịch bệnh corona
- FBI thừa nhận chậm chạp khi ngăn chặn Trung Quốc ăn cắp công nghệ
- Việt Nam đủ năng lực ngăn chặn dịch bệnh nCoV
Theo đó, Công ty Iflytek của Trung Quốc chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) nhận dạng giọng nói, bị Mỹ liệt vào danh sách đen, đã đề nghị Bộ Thương mại Mỹ miễn trừng phạt để có thể mua các thiết bị cần thiết để ngăn chặn nCoV.
Iflytek và một số công ty AI khác của Trung Quốc, trong đó có tập đoàn viễn thông Huawei, đang trong "danh sách đen" bị cấm mua thiết bị của các công ty Mỹ nếu không được Chính phủ Mỹ cấp phép.
Iflytech chuyên về AI xin miễn lệnh trừng phạt từ Mỹ để mua thiết bị ngăn chặn nCoV.
Còn theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố sáng 9/2, tổng số ca nhiễm chủng mới của virus corona (2019-nCoV) tại nước này đã lên tới 37.198 người, tăng hơn 2.600 trường hợp so với báo cáo công bố một ngày trước đó và có thêm 89 trường hợp tử vong.
Riêng tại tỉnh Hồ Bắc có thêm 81 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Trung Quốc lên 811 người, cao hơn số ca tử vong trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Trung Quốc cùng ngày cho biết nước này đã dành khoản kinh phí 71,85 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 10,3 tỷ USD) để hỗ trợ việc kiểm soát dịch. Theo Bộ trưởng Tài chính Lưu Côn, tính đến 18h00 ngày 8/2 đã chi 31,55 tỷ Nhân dân tệ. Ông Lưu nhấn mạnh phải tăng cường giám sát để đảm bảo số tiền trên được đưa đến tay những người cần.
Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh, chính quyền tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch, đã ban hành 17 chính sách ưu đãi, bao gồm giảm thuế cho các công ty đối với các hoạt động nhân đạo liên quan đến dịch bệnh, cũng như giảm thuế cho những người bán lẻ rau quả, các tổ chức phi lợi nhuận, các làng mạc và cộng đồng dân cư; trợ cấp cho nhân viên y tế làm việc ở các tuyến đầu và các nhân viên phải làm việc ngoài giờ trong các công ty sản xuất thiết bị y tế; trợ cấp cho các công ty trồng rau quả, các hợp tác xã, hộ nông dân, các siêu thị và các khu chợ ở nông thôn.
Nhằm tăng cường nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus, chính quyền thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, đã bắt đầu cho tiến hành khử trùng mỗi ngày 2 lần.
Hoạt động khử trùng được tiến hành vào lúc 10h00 sáng và 16h00 chiều hằng ngày tại các khu vực quan trọng như các cơ sở y tế, các điểm cách ly, nhà riêng của những người đã nhiễm bệnh và có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, các cộng đồng dân cư, các siêu thị, khách sạn, chợ và nhà vệ sinh công cộng, cũng như các địa điểm vận chuyển rác thải trong thành phố.
Trong khi đó, nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc, như Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô và Thượng Hải đã quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học ít nhất đến ngày 1/3 để ngăn chặn dịch bệnh.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Hokkaido của Nhật Bản ngày 9/2 công bố kết quả nghiên cứu của một nhóm cho thấy ít nhất 50% số ca lây nhiễm nCoV từ người sang người xảy ra khi người bệnh đầu tiên chưa xuất hiện các triệu chứng.
Kết quả trên được đưa ra qua phân tích 26 trường hợp lây nhiễm từ người sang người ở 6 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thời gian lây nhiễm thứ cấp ngắn hơn so với ước tính trước đây.
Tình hình dịch bệnh do virus corona gây ra vẫn chưa được kiểm soát trên toàn thế giới.
Mặc dù thời kỳ ủ bệnh trung bình của nCoV được cho là khoảng 5 ngày, song ở hơn 50% trong số 26 trường hợp lây nhiễm từ người sang người nói trên, bệnh nhân lây nhiễm thứ 2 đã xuất hiện các triệu chứng viêm phổi trong vòng 5 ngày.
Các chuyên gia kết luận rằng những bệnh nhân lây nhiễm thứ cấp này đã nhiễm virus trong thời gian những bệnh nhân đầu tiên ủ bệnh. Phát hiện này cho thấy rất khó để ngăn chặn dịch bệnh chỉ bằng biện pháp cách ly.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Hiroshi Nishiura kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng ngừa cũng như cải thiện hệ thống chăm sóc y tế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp cách ly khỏi cộng đồng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), đồng thời kêu gọi tất cả các nước và các công ty phối hợp với WHO nhằm đảm bảo sử dụng các nguồn cung hợp lý và công bằng.
Đây là lần đầu tiên WHO kêu gọi sự tham gia trực tiếp ở quy mô lớn như vậy của khu vực tư nhân, để quản lý và hỗ trợ chuỗi cung ứng. Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO, ông Michael Ryan giải thích chuỗi cung ứng PPE không chỉ bao gồm các nhà sản xuất, mà còn cả các nhà sản xuất nguyên liệu thô, các nhà bán buôn và bán lẻ. Ở mỗi cung đoạn của chuỗi cung ứng đều có khả năng bị gián đoạn, đầu cơ trục lợi hoặc sai mục đích.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, Chính phủ Hàn Quốc đã thông báo thắt chặt kiểm dịch đối với những người đến từ tất cả các quốc gia có các trường hợp lây nhiễm nCoV, chứ không chỉ Trung Quốc.
Malaysia cũng đã mở rộng lệnh cấm đối với các du khách từ Trung Quốc, bao gồm thêm các tỉnh Chiết Giang và Giang Tô, sau khi Trung Quốc quyết định đóng cửa các thành phố ở những tỉnh này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Cùng ngày, Bộ Tư pháp Philippines cho biết nước này sẽ sớm áp dụng Hệ thống thông tin hành khách tiên tiến (APIS) của Cơ quan Xuất Nhập cảnh (BI) đối với các hãng hàng không nước này nhằm giảm thiểu thời gian truy xuất thông tin cá nhân hành khách khi cần thiết (như việc truy xuất thông tin hành khách liên quan dịch nCoV gây ra tại Trung Quốc).
Các nhà chức trách Ai Cập đã đưa ra một loạt biện pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở giáo dục, bao gồm huấn luyện, hướng dẫn, cập nhật thông tin và kiến thức cho các đội chăm sóc y tế để ứng phó, phòng ngừa các dịch bệnh, đặc biệt là bệnh có khả năng lây nhiễm.
Kế hoạch cũng bao gồm hoạt động khử trùng và vệ sinh các lớp học đồng thời tập huấn cho các giáo viên về những biện pháp vệ sinh cần thiết tại trường học, triển khai các biện pháp để ứng phó với các bệnh truyền nhiễm nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan.
Do chưa có liệu pháp đặc hiệu chống nCoV, các nhà khoa học cho rằng việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn là rất quan trọng. Chủng nCoV có thể lây lan qua bàn tay và các bề mặt được chạm thường xuyên, theo đó nhà nghiên cứu Günter Kampf thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ và Môi trường, Đại học Y Greifswald, cho rằng cần khử trùng thường xuyên bàn tay cũng như các điểm chạm thường xuyên trong bệnh viện như tay nắm cửa, chuông, kệ đầu giường, thành giường hay các vật dụng khác trong khu vực gần bệnh nhân.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận