FBI thừa nhận chậm chạp khi ngăn chặn Trung Quốc ăn cắp công nghệ
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thừa nhận các cơ quan liên bang đã phản ứng chậm chạp khi Trung Quốc bắt đầu tuyển người đánh cắp các bí mật công nghệ Mỹ và chuyển về nước.
- Giới chức Mỹ ngăn chặn Telegram bán tiền điện tử chưa đăng ký ra thị trường
- AI - Chìa khoá vạn năng mở cửa tương lai công nghệ Việt Nam
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu nhắm đến các vụ Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ nhiều hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump
Trong một báo cáo của Thượng viện Mỹ công bố ngày 20/11, ông John Brown, trợ lý giám đốc cơ quan phản gián FBI, thừa nhận sự chậm chạp của các cơ quan liên bang khiến tiền thuế của người dân Mỹ vô tình "tài trợ cho sự bành trướng của nền kinh tế và quân đội Trung Quốc".
Năm 2008, Trung Quốc đề ra kế hoạch "Ngàn nhân tài", đặt mục tiêu tuyển dụng khoảng 2.000 người giỏi trên khắp thế giới. Trên thực tế, Bắc Kinh đã tuyển được hơn 7.000 người vào cuối năm 2017, theo báo cáo.
Cục điều tra liên bang (FBI) đã phản ứng một cách hết sức quan liêu khi Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm các nhân tài ở Mỹ và thuê họ đánh cắp các bí mật công nghệ để chuyển về nước bằng nhiều cách.
"Với những gì chúng tôi đã biết rõ hiện nay về mối đe dọa từ kế hoạch của Trung Quốc, chúng tôi ước gì đã có thể hành động một cách nhanh chóng và toàn diện hơn trong quá khứ", ông Brown nêu trong báo cáo.
"Tôi nghĩ bây giờ là để bù đắp cho chuyện đó", quan chức FBI cam kết. Hồi tháng 7 năm nay, FBI thông báo đang điều tra hơn 1.000 vụ ăn cắp sở hữu trí tuệ có liên quan Trung Quốc.
Các thượng nghị sĩ đã gây sức ép lên các quan chức của Quỹ Khoa học Quốc gia, Viện Y tế Quốc gia, Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Mỹ về những gì nên làm để chống lại chiến dịch ăn cắp bài bản của Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ Maggie Hassan, một thành viên của đảng Dân chủ, kêu gọi trong báo cáo rằng đã tới lúc Mỹ nên có một "chiến lược quốc gia chống lại chiến lược ăn cắp công nghệ của Trung Quốc".
Trong một tuyên bố hôm 18/11, Thượng nghị sĩ Rob Portman - chủ tịch Ủy ban điều tra thượng viện, khẳng định các nhà lập pháp Mỹ sẽ trình ra những luật mới để chấm dứt việc tiền và trí tuệ Mỹ đang vô tình hỗ trợ cho Trung Quốc.
Vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung nhạy cảm và mất nhiều thời gian đàm phán nhất trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Washington đã chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh vì sử dụng những cách "không theo luật chung" để có được các công nghệ tiên tiến. Đáp lại, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định Mỹ phóng đại vấn đề này vì lý do chính trị và gọi các cáo buộc gián điệp là không có căn cứ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận