FED mạnh tay cắt giảm lãi suất để ứng phó với COVID-19
Trước những tác động của COVID-19 đến mức đáng lo ngại đối với nền kinh tế Mỹ khi tuần qua thị trường chứng khoán nước này ghi nhận điều tồi tệ nhất kể từ năm 2008 đã khiến FED phải đưa ra tuyên bố cắt giảm lãi suất khẩn cấp để ứng phó.
- Đồng USD mất giá chạm "đáy" của một tháng qua do lo ngại FED cắt giảm lãi suất
- Các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ giảm điểm
- PBoC sử dụng công cụ lãi suất để giảm thiểu tác động của COVID-19
Ngày 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo đã quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp nhằm ứng phó tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế đang tăng trưởng của Mỹ.
Trong một quyết định được đồng thuận, ủy ban hoạch định chính sách của FED đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống biên độ từ 1,0-1,25%. Đây là mức giảm lãi suất lớn nhất của FED kể từ năm 2008.
Tuyên bố của FED nêu rõ: "Dịch virus SARS-CoV-2 đặt ra các nguy cơ ngày càng lớn đối với hoạt động kinh tế và FED đang giám sát chặt chẽ các diễn biến và tác động của dịch COVID-19 đối với triển vọng kinh tế Mỹ".
Cùng ngày, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách thích hợp để đạt được sự tăng trưởng vững mạnh và lâu dài, cũng như đảm bảo chống lại những rủi ro từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương cho biết, các bộ trưởng tài chính G7 sẵn sàng hành động để hỗ trợ đối phó với dịch bệnh, sẵn sàng tăng cường hợp tác trong "các biện pháp hiệu quả và kịp thời".
Tuy nhiên, các bộ trưởng không kêu gọi các chính phủ tăng chi tiêu hay kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất. Theo tuyên bố, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thực thi đầy đủ các nhiệm vụ của mình, giúp ổn định giá cả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong tuần qua - tuần "tồi tệ" nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đã giảm khoảng 12% và "mất" khoảng 3.500 tỷ USD do sự lo ngại của giới đầu tư về những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell mới đây đã tuyên bố Fed sẵn hành động phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ- “đầu tàu” của nền kinh tế thế giới - vượt qua những tác động bất lợi của dịch COVID-19.
Theo ông Alan Blinder, một cựu quan chức của Fed, cơ quan này đang nỗ lực cho thấy “trạng thái” sẵn sàng hành động để hỗ trợ nền kinh tế trong nước khi cần thiết.
Fed tổ chức 8 cuộc họp định kỳ về chính sách lãi suất trong một năm và các thị trường cũng như giới kinh tế hiện dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp diễn ra trong hai ngày 17-18/3 tới.
Tuy vậy, lãi suất của Mỹ hiện đang ở mức rất thấp 1,5-1,75%, sau khi Fed đã cắt giảm lãi suất ba lần trong năm 2019 nên "dư địa" cho việc điều chỉnh lãi suất của Fed cũng không còn nhiều.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng việc Fed lại cắt giảm lãi suất sẽ không hiệu quả do dịch COVID-19 ảnh hưởng tới nguồn cung hơn là nhu cầu và nếu hành động như vậy ở thời điểm hiện tại sẽ tác động tiêu cực tới khả năng ứng phó của Fed đối với tình huống kinh tế suy giảm do chi tiêu dùng – chiếm 2/3 kinh tế Mỹ - giảm sút.
Nhà kinh tế Joel Naroff cho rầng việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ phần nào gây quan ngại và không có bất kỳ tác dụng nào đối với nền kinh tế Mỹ khi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế. Theo ông Naroff, nếu dịch bệnh kết thúc mà không có những “rào cản” đối với tăng trưởng kinh tế thì nền kinh tế Mỹ sẽ có thể phục hồi mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Trong khi đó, ông David Wilcox, một cựu quan chức của Fed và hiện làm việc cho Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tỏ ra thận trọng khi cho rằng các công cụ hiện có của Fed không phù hợp để giải quyết các khía cạnh ngắn hạn của tình hình hiện nay.
Giới phân tích cũng nhận định, khi tình hình "sức khỏe" của nền kinh tế thế giới diễn biến xấu như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Fed có thể bơm tiền vào các thị trường tài chính để đảm bảo các thị trường này hoạt động ổn định. Dù vậy, biện pháp này khó có thể áp dụng trong tình hình hiện nay.
Ngoài ra, các quan chức ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính các nước cũng có thể cùng "chung tay" hành động - thông qua Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - để đạt hiệu quả hơn trong nỗ lực hỗ trợ các nền kinh tế ứng phó những tác động kinh tế của dịch COVID-19. Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/3 cho biết G7 sẽ đưa ra một lời kêu gọi về vấn đề này trong ngày 3/3.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận