PBoC sử dụng công cụ lãi suất để giảm thiểu tác động của COVID-19
Trong nỗ lực giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, PBoC đã nỗ lực giảm 10 điểm cơ bản trong lãi suất của công cụ cho vay trung hạn tạo cơ sở cho việc giảm lãi suất cho vay khác.
- Covid-2019 đã làm đảo lộn mọi dự báo về sự khởi sắc của thị trường chứng khoán
- Dự báo giá vàng tuần tới: Bứt phát mạnh mẽ do trợ lực từ COVID-19
- Dự báo đỉnh dịch COVID-19 bằng công nghệ mô hình điện toán
PBoC đã hạ lãi suất của khoản cho vay MLF trị giá 200 tỷ NDT (khoảng 28,66 tỷ USD) cho các thể chế tài chính từ 3,25% xuống còn 3,15%. Không có khoản vay MLF nào đáo hạn trong ngày 17/2.
Ngoài ra, cũng trong ngày 17/2, khi lượng hợp đồng mua lại (repo) đảo ngược trị giá 1.000 tỷ NDT đáo hạn, PBoC còn bơm 100 tỷ NDT vào thị trường thông qua thỏa các hợp đồng repo đảo ngược thời hạn 7 ngày.
Được đưa ra như đồn đoán của thị trường, các động thái nói trên của PBoC là nhằm duy trì mức thanh khoản phù hợp trong hệ thống ngân hàng. Wen Bin, trưởng bộ phận phân tích của Ngân hàng Minsheng của Trung Quốc, cho hay động thái này cũng mở đường cho việc giảm Lãi suất cho vay cơ bản (LPR), giúp giảm chi phí cho vay và nới lỏng tài chính đối với các công ty đang bị thiệt hại do dịch bệnh. LPR dự kiến sẽ được công bố vào ngày 20/2 tới.
Chuyên gia này cho rằng PBoC có thể sẽ giữ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và phù hợp, cũng như tăng cường các điều chỉnh nghịch chu kỳ để giảm chi phí vay vốn của nền kinh tế. Ông cũng cho rằng PBoC vẫn còn khả năng hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Trung Quốc áp dụng MLF từ năm 2014 nhằm giúp các ngân hàng chính sách và thương mại duy trì thanh khoản bằng cách cho phép các ngân hàng này vay tiền từ PBoC và sử dụng cổ phiếu làm thế chấp.
Trước đó, giới chuyên gia nhận định tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) (nCoV) đối với nền kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ chỉ mang tính tạm thời.
Theo Tân Hoa Xã, giới chuyên gia đánh giá việc nhà chức trách Trung Quốc triển khai mạnh mẽ và hiệu quả các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đã làm giảm bớt các quan ngại về tình hình y tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tới tình hình tài chính của nước này.
Nhà kinh tế học Rohini Malkani, chuyên gia của cơ quan xếp hạng tài chính toàn cầu DBRS Morningstar ở Toronto (Canada), nhận định dịch COVID-19 (nCoV) đang gây tác động tức thời đến nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt ở khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.
Trong khi đó, ngân hàng JP Morgan của Mỹ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực giảm trong quý I/2020, song sẽ phục hồi trong 2 quý tiếp theo, qua đó tình trạng đình trệ sẽ dần được cải thiện.
Ở lĩnh vực tài chính, JP Morgan lưu ý rằng COVID-19 (nCoV) chỉ là "một yếu tố có tính chất không ổn định trong ngắn hạn", do đó sẽ không thể cản trở các thị trường tài chính toàn cầu lập "các mốc cao mới trong năm 2020".
Giáo sư kinh tế Antonis Zairis, Đại học Neapolis ở Cyprus, ước tính tác động toàn diện của dịch COVID-19 (nCoV) đến nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ ở mức "rất nhỏ", không vượt quá 0,01% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này trong năm nay. Đề cập tới tác động đối với Hy Lạp, giáo sư Antonis cho rằng dịch bệnh này chủ yếu ảnh hưởng tới ngành du lịch và kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, ông Zhang Jiazhui, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Taihe, cho rằng dịch COVID-19 (nCoV) ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thiệt hại ước tính gần 1.000 tỷ Nhân dân tệ (143,1 tỷ USD), tương đương khoảng 1% GDP của nước này, chỉ riêng trong quý I/2020.
Ông Zhang Jiazhui nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế dịch COVID-19 (nCoV) lây lan, như đóng cửa Vũ Hán và một số thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc trong thời gian dài, nhanh chóng hủy bỏ các sự kiện lớn và cho phép trả vé máy bay miễn phí nhằm giảm thiểu số lượng các chuyến đi trong nước.
Theo ông, tuy các biện pháp này thực sự cần thiết để ngăn dịch bệnh lây lan, nhưng về mặt khách quan, lại tác động đáng kể đến kinh tế vĩ mô và vi mô của Trung Quốc. Ngành dịch vụ, du lịch và kinh doanh khách sạn bị ảnh hưởng đầu tiên.
Ông Zhang nhấn mạnh thêm rằng: "Thiệt hại của các doanh nghiệp sản xuất thậm chí còn đáng lo ngại hơn". Đối với một số công ty, tác động của COVID-19 (nCoV) có thể là "giọt nước tràn ly", do đó "chúng tôi cũng phải chú ý đến tác động lâu dài của đợt dịch này".
Cũng theo ông Zhang, để đánh giá tác động của dịch bệnh, "cần đánh giá khả năng miễn dịch của chính nền kinh tế Trung Quốc, cũng giống như cùng một loại virus ảnh hưởng khác nhau đến những người có khả năng miễn dịch khác nhau".
Ông nhấn mạnh "hiện tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ cấu và chậm dần (cuối năm 2019, GDP tăng 6,1%, là chỉ số tồi tệ nhất trong ba thập kỷ qua), hiệu quả đầu tư nói chung không được cải thiện đáng kể và vấn đề cơ cấu vẫn còn rất nghiêm trọng".
Nói gọn lại, dịch bệnh hiện nay tác động trực tiếp và lớn nhất đến ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, du lịch, vận tải và ngành giải trí.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận