Hai nữ sinh lớp 12 chế tạo máy cấy lúa không động cơ chi phí 2 triệu, đạt năng suất bằng 5 thợ cấy
Máy cấy lúa không dùng động cơ của 2 em học sinh Nam Định đã được nông dân Giao Thủy tiếp nhận với lời khẳng định: máy hoạt động tốt, cây lúa thẳng hàng, khoảng cách đều nhau. Máy không cần dùng nguyên liệu nên không gây ô nhiễm môi trường.
- Khởi động cuộc thi chế tạo thiết bị tự động dành cho sinh viên yêu thích công nghệ và đam mê sáng tạo
- Các nhà khoa học phát minh ra loại kháng sinh siêu mạnh nhờ AI
- Cô giáo sáng tạo mặc nguyên bộ đồ họa tiết nội tạng để dạy học
Hai em học sinh lớp 12 ở Nam Định Nguyễn Thị Hoài Giang và Hoàng Thị Phượng chế tạo thành công máy cấy lúa không động cơ. (Ảnh: Dân Việt)
Hai nữ sinhchế tạo máy cấy lúa không động cơ này là em Nguyễn Thị Hoài Giang và Hoàng Thị Phượng (học sinh lớp 12 trường THPT Giao Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Hai em cũng là gương mặt gây ấn tượng trong nhiều cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc trong 2 năm 2018 và 2019.
Theo chia sẻ, chiếc máy cấy không động cơ được làm bằng sắt có kết cấu vững chắc, thiết kế bộ phận truyền động đơn giản, nhỏ gọn với trọng lượng chưa đến 25kg. Máy không dùng động cơ mà vận hành bằng sức kéo, dễ vận hành, nguyên liệu chủ yếu bằng thép hộp nên khá nhẹ.
Máy cấy lúa không động cơ được hoạt động trên nguyên tắc kết hợp dùng lực đàn hồi của lò xo và lực giật của tay cùng trọng lực tác dụng lên hệ thống lấy mạ. Máy để được 4 khay mạ, mỗi khi hết mạ, có thể tiếp mạ một cách dễ dàng và đặc biệt thao tác sử dụng đơn giản nhưng lại rất hiệu quả.
Kết quả sau những buổi thử nghiệm máy cấy có năng suất đúng theo ý tưởng đề ra. Mỗi một phút máy cấy được hơn 100 khóm, 1 giờ cấy được 200 m2 đến 270 m2 (tùy theo độ thành thạo của người sử dụng), công suất này bằng 5 người cấy thủ công.
Với bốn mỏ cấy, một giây máy cấy được 4 hàng lúa, mật độ hàng cách hàng 180 mm - 200 mm và máy có hệ thống gạt bùn nên không phải mất thời gian xoa vết chân người đi lại trong quá trình cấy như cấy thủ công.
Được biết, chi phí sản xuất máy cấy lúa không động cơ chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng. Trả lời báo chí, các em cho biết thêm: 'Dù đã có bản vẽ khá chi tiết nhưng thợ cơ khí ở địa phương không đọc hiểu được, đây chính là những khó khăn nhất khi chế tạo ra chiếc máy cấy này. Sau đó, thầy giáo dạy Lý đã hỗ trợ chúng em để giải thích cho người thợ đó hiểu, dẫn đến mất một thời gian dài mới hoàn thiện được'.
Hai em học sinh cùng người thầy Nguyễn Thủy Anh (40 tuổi, giáo viên Vật lý trường THPT Giao Thủy) của mình có mong muốn cải tiến và nâng cấp thêm một số tính năng khác để việc cấy lúa được đều hơn. Ngoài ra, sẽ thay thế một số chi tiết giúp máy nhẹ hơn, đơn giản hơn, dễ dàng di chuyển dưới ruộng... Còn xa hơn, cả hai mong muốn đưa chiếc máy này vào sản xuất hàng loạt, với giá thành rẻ để phục vụ nhu cầu của người dân.
Cả ba thầy trò mất một khoảng thời gian dài để chiếc máy cấy lúa này hoàn chỉnh. Ảnh Dân Việt
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận