Phòng chống Covid-19: Giáo sư Lê Bách Quang chỉ nguyên nhân “thắng trận đầu”
Thành công của các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-COV-2 là bước tiến lớn trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19.
- AI sẽ là công cụ đắc lực trong phòng chống dịch do nCoV gây ra
- Công thức cực dễ nhớ để phòng chống virus Corona
- Bộ kit thử nhanh 2019-nCoV - Giải pháp hiệu quả phòng chống dịch virus corona
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y và đối tác doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cùng với những thành công chung trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, sản phẩm của nhóm nghiên cứu có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung.
Tại buổi họp báo ra mắt sản phẩm bộ kít real-time RT-PCR phát hiện nhanh virus SARS-COV-2, Giáo sư Lê Bách Quang – Chủ nhiệm các Hội đồng KH&CN cấp Quốc gia liên quan đến sinh phẩm – cho rằng nguyên nhân đầu tiên giúp Việt Nam chúng ta “thắng trận đầu” (lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam) là Chính phủ và những người đứng đầu nhà nước đã quan tâm đúng mức, vào cuộc kịp thời.
“Nếu Chính phủ không thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch và không chỉ đạo, không giao cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban Chỉ đạo thì cũng rất khó để có thể phối hợp giữa các bộ, ban ngành, đoàn thể.” – GS Lê Bách Quang nói.
Giáo sư Lê Bách Quang – Chủ nhiệm các Hội đồng KH&CN cấp Quốc gia liên quan đến sinh phẩm.
Ngay từ những ngày đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cần phải “chống dịch như chống giặc”, BCĐ thường xuyên họp và có những chỉ đạo rất sát sao. Các cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đều tham gia họp BCĐ với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc.
“Tôi cho rằng nếu không có sự vào cuộc của lãnh đạo và không huy động toàn thể các bộ, ban ngành đoàn thể vào cuộc thì chúng ta cũng chưa có được kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay.” – GS. Quang nói.
Điều ấn tượng là trong khi các nước khác không có đường biên giới với Trung Quốc nhưng số ca mắc và số người chết rất lớn, còn chúng ta có đường biên giới rất dài với Trung Quốc nhưng đã kiểm soát rất tốt, nhất là việc kiểm soát được cả những đường mòn, lối mở. Điều này nói lên sự quyết tâm của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, và chính quyền địa phương nơi có đường biên giới với Trung Quốc.
Ngay trong chiều mùng 6 Tết (ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tập hợp các nhà khoa học chuyên ngành để bàn về các định hướng nghiên cứu, góp phần phòng chống dịch.
Buổi họp này được ví như một “Hội nghị Diên Hồng” của các nhà khoa học và đã xác định 3 nhiệm vụ lớn trong giai đoạn hiện nay gồm: bằng mọi giá phải sản xuất các bộ sinh phẩm để chẩn đoán (kết quả là đã nghiên cứu, sản xuất thành công bộ kít real-time RT-PCR); Nghiên cứu về dịch tễ học, thậm chí chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vắc xin ngay từ rất sớm; Xây dựng các kịch bản, biện pháp ứng phó với mọi tình huống.
Họp báo công bố bộ kít phát hiện virus nCoV tại trụ sở Bộ KH&CN.
GS. Lê Bách Quang cũng nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh của các nhà khoa học, những người sẵn sàng vào cuộc với trách nhiệm rất cao. Việc áp dụng trí thức cùng các mối quan hệ hợp tác với mạng lưới các nhà khoa học quốc tế đã giúp cho các nhà khoa học thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của Bộ KH&CN đã giúp gắn chặt 3 nhà: nhà khoa học, nhà sản xuất và nhà quản lý. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ này mà các nhà khoa học trẻ của Học viện Quân y miệt mài suốt ngày đêm cùng với đối tác là nhà sản xuất chế tạo thành công bộ kít phản ứng nhanh.
Theo GS. Quang, những nhà khoa học đã làm công việc thầm lặng, với những chiến công thầm lặng, bản thân họ đã mang dáng dấp của những anh bộ đội Cụ Hồ, luôn thầm lặng cống hiến và không phải ai cũng hiểu được sự hy sinh của họ.
Theo infonet
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận