Cục quản lý nói gì khi giá SGK lớp 1 cao hơn nhiều so với mọi năm?
Trước sự quan tâm của dư luận vể việc giá SGK mới cao hơn nhiều lần so với các năm trước, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết đã đề xuất bổ sung giá của sản phẩm này vào danh mục Nhà nước định giá tối đa theo Luật Giá.
- Bộ GD&ĐT lùi thời hạn công bố SGK lớp 1 sang giữa tháng 11/2019
- Bộ GD&ĐT phê duyệt SGK tiếng Anh lớp 1
- Công bố 32 SGK lớp 1 được lựa chọn nhưng chưa có sách Tiếng Anh
Theo đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có thông tin chính thức về một số thông tin liên quan đến giá SGK lớp 1; trong đó có việc đề xuất bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa
Theo Cục Quản lý giá, SGK giáo dục phổ thông hiện nay đang được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá; trong đó giá SGK được thực hiện theo quy định tại pháp luật về giá, thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, nhưng không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.
Sau khi SGK mới được công bố thì giá của các sản phẩm này đang là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay.
Căn cứ quy định tại Luật Giá, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành 2 Thông tư số 56/2014/TT-BTC, Thông tư số 233/2016/TT-BTC hướng dẫn cách thức thực hiện và tiếp nhận kê khai giá hàng hóa, dịch vụ nói chung; trong đó có mặt hàng SGK, đồng thời, quy định cơ quan tiếp nhận kê khai giá, cơ quan tiếp nhận không phê duyệt giá SGK, giá SGK do doanh nghiệp (các NXB) chủ động xây dựng, tự chịu trách nhiệm về quyết định giá bán và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thì kê khai giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá; cơ quan tiếp nhận kê khai giá thực hiện tiếp nhận và rà soát văn bản kê khai giá; trong đó rà soát nội dung về ngày thực hiện mức giá kê khai, bảng kê khai mức giá, phần giải trình lý do điều chỉnh giá theo quy định.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 3 bản kê khai giá của 3 NXB; trong đó tiếp nhận văn bản kê khai giá bao gồm bảng kê khai mức giá, bảng xây dựng hình thành mức giá bán SGK. Do đây là trường hợp lần đầu các NXB thực hiện kê khai giá bộ SGK mới với cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải là kê khai điều chỉnh giá.
Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK phổ thông thì Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục thống nhất. Theo đó, các tác giả, các NXB dựa vào chương trình để viết SGK. Bộ GD&ĐT tổ chức thi, thẩm định nội dung để chọn ra một số bộ SGK có nội dung hay và sát với chương trình nhất.
Sau khi được Bộ GD&ĐT chọn, các tác giả, các NXB sẽ tổ chức in ấn, phát hành. Giám đốc Sở, hiệu trưởng các trường, hoặc giáo viên, phụ huynh, học sinh được quyền tự chọn cho mình một bộ sách thích hợp trong số những bộ sách đã được Bộ GD&ĐT thẩm định nội dung.
Như vậy, thay vì trước đây chỉ có NXB Giáo dục được quyền xuất bản SGK thì nay có 3 NXB thực hiện cung ứng SGK ra thị trường là đã thực hiện theo đúng tinh thần xã hội hóa trong việc biên soạn SGK tại Luật Giáo dục, Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Theo đó, SGK mới có thể có nội dung được lựa chọn kỹ hơn, hình thức đẹp hơn.... Giáo viên, học sinh, phụ huynh có điều kiện lựa chọn bộ SGK hay và phù hợp nhất để giảng dạy và học tập. Cũng vì được nhiều NXB tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh, theo đó sẽ không còn độc quyền trong xuất bản SGK như trước đây.
Cục Quản lý giá cho biết, trước đây chi phí tổ chức bản thảo lần đầu do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ trong giá bán SGK nên giá thành có giảm hơn so với SGK đã được xã hội hóa. Vì trong bảng kê khai giá được các NXB gửi đến bao gồm chi phí giấy, công in, nhuận bút, tổ chức bản thảo, chi phí quản lý, chi phí lưu thông, bán hàng, chi phí tích hợp công nghệ 4.0, lợi nhuận của NXB... cho thấy các khoản chi nhiều hơn trước.
Vì vậy, Cục Quản lý giá cho rằng nếu chỉ so sánh đơn thuần về mức giá của các bộ sách thì so với bộ sách lớp 1 cũ (Bộ sách đã được dùng cho năm học 2019 - 2020), bộ SGK mới có mức giá cao hơn.
Tuy nhiên, việc so sánh này chưa tương đồng, do việc biên soạn, xuất bản 1 bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây để đáp ứng các yêu cầu về cải cách giáo dục trong tình hình mới như yêu cầu về chất lượng, hình thức, mẫu mã, cạnh tranh, không hỗ trợ từ ngân sách chi phí tổ chức bản thảo lần đầu. Ngoài ra, xét về số lượng của bộ sách thì số lượng cuốn SGK trong bộ SGK mới (từ 9-10 cuốn) nhiều hơn số lượng quyển sách trong bộ SGK cũ chỉ có 6 cuốn.
Về lâu dài, với việc xã hội hóa việc biên soạn SGK sẽ tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các NXB thông qua chất lượng cũng như giá bán SGK, và quyền lựa chọn thuộc về người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hiện xã hội hóa hiện nay, các chi phí hình thành SGK do các NXB tự trang trải và có thể việc tự định giá SGK ở mức cao so với nhu cầu của xã hội.
Việc này tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Vấn đề này Bộ GD&ĐT cũng đã tính đến khi kiến nghị Chính phủ kiểm soát bằng hình thức định giá tối đa.
Từ thực tế nêu trên kết hợp với kinh nghiệm quốc tế của những quốc gia có điều kiện tương đồng, trong thời gian tới đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp để điều tiết giá đảm bảo công bằng giữa các NXB; bên cạnh đó, cần nghiên cứu thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn.
Đây cũng là lý do để Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT đề xuất, báo cáo trình Chính phủ phương án quản lý giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Trong đó, hai Bộ đã báo cáo Chính phủ trình UBTVQH xem xét bổ sung mặt hàng SGK vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa thực hiện theo quy định của Luật Giá.
Cục Quản lý giá cho rằng, trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung mặt hàng SGK vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa, đây sẽ là công cụ hữu hiệu để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng SGK trong bối cảnh bước đầu thực hiện xã hội hóa đối với việc cung cấp mặt hàng này.
Triển khai điều tiết giá theo quy định đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét phương án giá của các NXB đề xuất và sẽ rà soát tính hợp lý, hợp lệ của từng yếu tố cấu thành giá SGK; tính toán hài hòa lợi ích của các NXB và khả năng chi trả của đối tượng sử dụng để ban hành giá tối đa cho 1 bộ sách để thực hiện chung.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận