"Hạ nhiệt" thị trường bằng nhập khẩu lợn sống có đảm bảo an toàn?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về bình ổn giá thịt lợn, Bộ NN&PTNT tính đến phương án nhập khẩu lợn sống để "hạ nhiệt" thị trường này nhưng vấn đề được đặt ra là phải đảm bảo an toàn vệ sinh cho đàn ra súc trong nước
- Hà Nội hỗ trợ đến 5 triệu đồng cho mỗi con giống để tái đàn lợn
- Mua thịt lợn nhập khẩu giá rẻ ở đâu?
- Thịt lợn nhập khẩu tăng, lợn hơi giảm, giá thịt bán lẻ vẫn chót vót
Theo đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ổn định giá thịt lợn tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2020; xét công văn số 807/TY-HTQT của Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đồng ý phương án Cục Thú y phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp.
Việc nhập khẩu thịt lợn sống đang đặt ra nhiều vấn đề về an toàn vệ sinh cho đàn gia súc.
Sau khi hoàn thành bước đánh giá hồ sơ, Cục Thú y phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu liên hệ và tổ chức họp trực tuyến với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
Qua đó trao đổi về những vướng mắc, thu thập các thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước. Thực hiện quy định cách ly kiểm dịch lợn sống nhập khẩu 30 ngày.
Cũng theo công văn này, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định và trình tự hiện hành.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đức Tiến cho biết, đây là lần đầu tiên nước ta cho phép nhập khẩu chính ngạch lợn sống. Việc cho phép nhập khẩu cả lợn sống là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá lợn hơi và giá thịt lợn trong nước liên tục tăng ở mức cao, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, việc nhập khẩu lợn sống sẽ được kiểm soát chặt chẽ, tránh hiện tượng nhập ồ ạt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong nước. Trước mắt có thể sẽ nhập lợn từ Thái Lan.
Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã tăng cường nhập khẩu lợn cấp bố mẹ, cụ kị, ông bà để bổ sung nguồn cung giống trong nước. Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tăng cường nhập khẩu lợn giống nhằm phục vụ tăng đàn và tái đàn.
Tổng hợp giá lợn của Công ty cổ phần Anova Feed vào ngày 28/5 cho thấy, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động từ 97.000 - 100.000 đồng/kg. Theo các thương lái thì lượng lợn hơi xuất chuồng khá khan hiếm, khó có thể mua được giá 70.000 đồng/kg theo yêu cầu của Chính phủ ở thời điểm hiện tại.
Tại miền Nam, giá lợn hơi dao động từ 95.000 - 100.000 đồng/kg. Tại hai chợ đầu mối Tp. Hồ Chí Minh, lượng lợn về chợ hơn 4.400 con, giá lợn mảnh từ 110.000 - 130.000 đồng/kg. Tại miền Trung, giá lợn hơi dao động từ 93.000 - 99.000 đồng/kg.
Hiện nay người chăn nuôi rất muốn tái đàn nhưng không dễ vì lợn hậu bị (nuôi để sinh sản) có giá khoảng từ 13 - 16 triệu đồng/con. Lợn con có giá tăng cao kỷ lục, loại lợn con 6 kg/con có giá từ 3 - 3,6 triệu đồng/con. Tuy giá cao nhưng không phải người nuôi muốn có lợn ngay là có thể mua được.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận