Vị trí nào cho nhà mạng Reddi trên thị trường viễn thông Việt Nam
Kể từ sau khi chính thức đi vào hoạt động với kỳ vọng trở thành Uber, Grab trong viễn thông nhưng thị trường này cũng đã gần đạt đến điểm bão hoà của nhu cầu người dùng.
- Mạng di động Reddi chính thức gia nhập thị trường với đầu số 055
- Sẽ công bố Chỉ số an toàn thông tin mạng Việt Nam 2019 vào đầu năm tới
- Trung Quốc buộc người dùng mạng viễn thông quét nhận diện khuôn mắt từ 1/12
Mô hình mạng viễn thông không sở hữu hạ tầng
Ngày ra mắt tân binh Reddi, ông Trần Nam Trung, CEO của MobiCast chia sẻ, ông tin rằng, mạng di động ảo Reddi sẽ giống Uber, Grab, mang đến những thay đổi cho ngành viễn thông Việt Nam, sẽ cung cấp dịch vụ viễn thông mà không sở hữu hạ tầng mạng.
Reddi tưng bừng trong ngày ra mắt.
“Đây là thời điểm thuận lợi để Reddi gia nhập thị trường và đóng góp những giá trị nhất định. Reddi khát vọng mang lại cho khách hàng tự do trải nghiệm tuyệt vời, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận dịch vụ viễn thông và dịch vụ số thông qua nền tảng ứng dụng di động”, ông Trung chia sẻ.
CEO MobiCast cũng cho biết, Reddi được ra đời từ nguồn cảm hứng mạng di động ảo Jio (Ấn Độ). Theo đó, Jio cung cấp các dịch vụ tích hợp trên app điện thoại trên hạ tầng IT, trong đó có các dịch vụ về sức khỏe, giáo dục, giải trí, truyền hình. Chỉ sau 3 năm hoạt động, Jio đã có hơn 300 triệu thuê bao tại thị trường Ấn Độ, trong đó 100 triệu thuê bao ở vùng nông thôn. Mới đây, Facebook đã đầu tư hơn 5,7 tỷ USD vào Jio.
“Hiện nhiều công nghệ di động mới ra đời như IoT, eSIM… thay đổi nhanh chóng, giúp người dùng kết nối nhanh và thông minh. Việc thay đổi công nghệ sẽ thay đổi mô hình kinh doanh dịch vụ viễn thông, thoại và SMS truyền thống sẽ suy giảm và chuyển sang các dịch vụ OTT. Các nhà mạng sẽ phải thay đổi. Nhà mạng nào đón đầu tốt, thay đổi mô hình kinh doanh nhanh sẽ phát triển, nếu không sẽ tụt hậu. Mạng di động ảo là mô hình kinh doanh mới, giúp dịch vụ viễn thông trở nên phong phú hơn”, ông Trung khẳng định.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, tổng thuê bao trên thị trường Việt Nam gần 130 triệu, thị trường đang có APRU (doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao) thấp và bị cạnh tranh mạnh từ dịch vụ OTT. Vì vậy, thị trường di động Việt Nam cần có luồng gió mới. Mô hình mạng di động ảo có thể triển khai nhanh các dịch vụ trên toàn quốc, tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên.
Ông Nhã tin rằng, nếu Reddi có dịch vụ đặc sắc thì sẽ thu hút được thuê bao và thúc đẩy thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Nhưng, kỳ vọng lạc quan phải xuất phát từ thực tế. Một nhà mạng không sở hữu hạ tầng như Reddi liệu có trụ nổi trong bối cảnh di động, data bão hòa, giá thấp, lại phụ thuộc hạ tầng?
Thực tế của những "người đi trước"
Các đây hơn một năm, mạng di động ảo Itelecom của Đông Dương Telecom đã ra mắt và cũng đặt ra rất nhiều mục tiêu lớn lao, giống Reddi.
Sau một năm, Itelecom không thấy bóng dáng trên thị trường. Trong mọi báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông không thấy xuất hiện cái tên Itelecom: không có báo cáo doanh thu, thị phần, hoạt động… Cái tên Itelecom chìm nghỉm, như chưa từng xuất hiện trên thị trường.
ITelecom - Một nhà phát triển mạng viễn thông tại Việt Nam.
Phương thức hoạt động của Itelecom là mua sỉ lưu lượng thừa của nhà mạng khác và bán lại theo thị trường ngách. Itelecom đã chọn “khe cửa hẹp”, thị trường ngách là nhắm tới 15 triệu khách hàng công nhân. Đây cũng là phân khúc mà Viettel, VinaPhone, MobiFone đã “cày nát”, cạnh tranh nảy lửa suốt nhiều năm nay. Nhưng, ngay cả với thị trường ngách này, Itelecom cũng không có giá rẻ hơn, không chăm sóc khách hàng tốt hơn, các tiện ích, dịch vụ không phong phú, đa dạng hơn… nên thất bại là điều dễ hiểu.
Song, nguyên do cốt lõi hơn là thị trường đã bão hòa, APRU đã xuống đáy (chưa đến 100.000 đồng/thuê bao/tháng). Thị trường hiện cạnh tranh rất khốc liệt, nên rất khó để nhà mạng ảo có cửa sống.
Theo ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel, mạng ảo chỉ thành công ở một số nước châu Âu, nơi có APRU cao. Ở nơi giá di động còn cao thì mạng ảo mới có thể giảm giá. Còn tại Việt Nam, nơi APRU thấp như vậy, nhà mạng ảo rất khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, mạng di động ảo chỉ có thể sống khi mạng thật chưa có kênh bán hàng rộng khắp. Nhưng hiện các nhà mạng thật cũng bán lẻ khắp nơi với hệ thống cửa hàng dày đặc và các đại lý trên cả nước, kết hợp với bán qua mạng mà còn khó khăn phát triển thuê bao, huống chi các nhà mạng ảo.
Chưa kể, rủi ro với nhà mạng ảo là phải mua sỉ lưu lượng với khối lượng lớn, nếu không bán hết vẫn phải trả tiền và sẽ thua lỗ.
“Bản chất khi có thêm mạng di động ảo là các nhà mạng sẽ phải chia sẻ doanh thu, chứ không có thêm khách hàng mới. Nhà mạng ảo khó lấy được thuê bao của nhà mạng thật”, ông Dũng bình luận.
“Mạng di động ảo khó thành công còn ở chỗ chính sách mua sỉ, bán lẻ giữa nhà mạng và nhà mạng ảo có tốt hay không, vùng phủ có rộng khắp hay không và chất lượng sóng mạng ảo có tốt bằng mạng thật hay không. Về cơ bản, nhà mạng thật chỉ bán lưu lượng thừa để tối ưu chi phí. Ngay cả như vậy, nhà mạng cũng sẽ e dè, hạn chế nhà mạng ảo nếu có dấu hiệu ăn mòn doanh thu, lợi nhuận hoặc chiếm khách hàng, thị phần lớn”, lãnh đạo một nhà mạng lớn cho biết.
Điều lo ngại nhất của các nhà mạng thật là nhà mạng ảo mang chính lưu lượng mua rẻ của mình bán dưới giá thành, giá cực rẻ để cạnh tranh với chính mình. Điều đó sẽ khiến các nhà mạng tiếp tục “cuộc đua xuống vực” về giá, khiến thị trường méo mó.
Vẫn còn quá sớm để nhận định, liệu Reddi có dẫm vào vết xe đổ của Itelecom hay không, nhưng chắc chắn, có rất nhiều khó khăn lớn đang đón chờ nhà mạng ảo này trên con đường trở thành “Grab trong viễn thông” như họ kỳ vọng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận