Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Đức sẽ yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với hành khách nhập cảnh
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, theo tuyên bố được Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn đưa ra hôm 25/7 cho biết nước này sẽ yêu cầu xét nghiệm sàng lọc dịch bệng bắt buộc đối với hành khách nhập cảnh trong bối cảnh số ca bệnh mới ở nước này tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Mỹ "quyết tâm" mở lại học kỳ mùa Thu
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Bỉ vẫn tiếp tục giai đoạn 5 của quá trình dỡ bỏ cách ly xã hội
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Ấn Độ khẳng định các biện pháp giãn cách xã hội là cần thiết
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, Đức có thể yêu cầu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 bắt buộc đối với những hành khách trở về từ các quốc gia có nguy cơ cao.
Phát biểu trên Đài phát thanh Đức, Bộ trưởng Spahn cho biết Chính phủ Đức muốn làm mọi cách có thể để chặn đà lây lan của đại dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản của người dân.
Giới chức Đức đang yêu cầu phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với hành khách nhập cảnh từ quốc gia có nguy cơ cao.
Ngoài ra, Berlin đang cân nhắc khả năng yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bắt buộc đối với một cá nhân cụ thể, bởi hành động này được cho là xâm phạm đến quyền tự do của mỗi người dân.
Cũng theo ông Spahn, các tòa án ở Đức đang xem xét và kiểm tra tất cả những biện pháp phòng chống, dịch bệnh để đảm bảo rằng những biện pháp này không ảnh hưởng tới các quyền cơ bản của người dân.
Trước đó, ông Spahn và Bộ trưởng Y tế của 16 bang ở Đức hôm 24/7 đã nhất trí triển khai hoạt động xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 miễn phí tại các sân bay cho những hành khách nhập cảnh từ các quốc gia có nguy cơ cao trên tinh thần tự nguyện.
Theo đó, những hành khách đến từ các quốc gia có nguy cơ cao - trong đó có Mỹ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ được xét nghiệm ngay tại các cơ sở xét nghiệm ở sân bay, trong khi những người đến từ các quốc gia không có nguy cơ thì chỉ cần xét nghiệm ở các cơ sở y tế địa phương trong vòng 3 ngày kể từ khi nhập cảnh.
Ngoài ra, nếu du khách đến từ một trong những quốc gia có nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm âm tính thì họ sẽ không cần phải tuân thủ quy định cách ly 14 ngày.
Cho đến nay, Đức đã thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 tốt hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới nhờ vào quy trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 25/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 16.005.319 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 643.872 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 9.791.281 người. Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 với 4.25.490 ca nhiễm và 148.541 ca tử vong.
Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro ngày 25/7 thông báo đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, qua đó cho thấy ông đã bình phục sau hơn 2 tuần được chẩn đoán mắc COVID-19.
Tính tới thời điểm hiện tại, Brazil đã ghi nhận hơn 2,3 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 85.000 ca tử vong, là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong nhiều thứ hai trên thế giới sau Mỹ.
Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov ngày 25/7 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.106 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, mức trong ngày cao nhất kể từ ngày 26/6, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 63.929 ca. Tính đến ngày 25/7, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Ukraine là 1.590 ca, trong khi số bệnh nhân bình phục là 35.497 người.
Cùng ngày, Nga đã ghi nhận thêm 5.871 ca nhiễm mới và 146 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 806.720 ca nhiễm và 13.192 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện là 597.140 người.
Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày 24/7, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 34 ca nhiễm mới, trong đó có 29 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến ngày 24/7, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 83.784 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo đã ghi nhận thêm 133 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ tính đến nửa đêm 24/7, trong đó 126 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại đặc khu này. Theo thống kê, kể từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 1, tổng số ca nhiễm tại Hong Kong đến nay lên tới khoảng 2.000 ca, số ca tử vong là 18 ca.
Hàn Quốc ngày 25/7 thông báo đã ghi nhận thêm 113 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 14.092 ca. Số ca tử vong vẫn giữ nguyên ở mức 298 ca.
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ghi nhận thêm 295 ca nhiễm mới trong ngày. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới tại thành phố này ở mức trên 200 ca. Tổng số ca nhiễm tại Tokyo hiện là 10.975 ca. Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike đã nâng cảnh báo đại dịch tại thành phố lên mức cao nhất trong thang cảnh báo gồm 4 cấp.
Tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản tính đến nay là khoảng 30.000 ca, bao gồm khoảng 700 ca trên du thuyền Diamond Princess được cách ly ngoài khơi Yokohama vào tháng 2 vừa qua.
Số ca mắc COVID-19 tại Philippines đã tăng thêm 2.019 ca lên 78.412 ca. Số ca tử vong tăng thêm 20 ca lên 1.897 ca. Indonesia thông báo có thêm 1.868 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 97.286 ca; số ca tử vong tăng thêm 49 ca lên 4.714 ca.
Malaysia thông báo có thêm 23 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 8.884 ca. Thêm 2 ổ dịch mới được phát hiện tại trung tâm tôn giáo ở bang Johor và một công ty xây dựng ở bang Sarawak. Tổng số ca tử vong tại Malaysia vẫn giữ nguyên ở mức 123 ca.
Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 23 ca mắc mới, đều là ca nhập cảnh. Theo đó, Campuchia đã có tổng cộng 225 ca nhiễm, chưa có ca tử vong nào, và 143 bệnh nhân đã bình phục.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận