Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Mỹ "quyết tâm" mở lại học kỳ mùa Thu
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) ngày 24/7 đã đưa ra các hướng dẫn mới, với trọng tâm là mở lại trường học vào mùa Thu.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Bỉ vẫn tiếp tục giai đoạn 5 của quá trình dỡ bỏ cách ly xã hội
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Ấn Độ khẳng định các biện pháp giãn cách xã hội là cần thiết
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Uber cung cấp dữ liệu để cơ quan y tế truy vết người dùng
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, theo hướng dẫn mới, CDC khuyến nghị các trường học cần cân nhắc mở lại vào mùa Thu theo từng mức độ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh của từng bang.
Giám đốc CDC – ông Robert Redfield nói: “Hướng dẫn mới có vai trò cực kỳ quan trọng với sức khỏe của cộng đồng. Việc đóng cửa trường học ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống thường ngày của trẻ em và phụ huynh, gây ra những tác động tới sức khỏe các em”.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Mỹ "quyết tâm" mở lại học kỳ mùa Thu.
Hướng dẫn của CDC có nội dung cho rằng "các trường học nên được chuẩn bị cho các trường hợp nhiễm COVID-19 xảy ra trong các cơ sở của mình", đồng thời cho biết thêm rằng các trường nên được chuẩn bị để phối hợp với các sở y tế địa phương.
Nội dung hướng dẫn của CDC cũng nhấn mạnh: "Bằng chứng tốt nhất hiện có chỉ ra rằng COVID-19 có rủi ro tương đối thấp đối với trẻ em trong độ tuổi đến trường".
Động thái mới nhất của CDC được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực mở cửa trở lại tất cả các trường học trên toàn quốc vào mùa Thu tới.
Ngày 8/7 vừa qua, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ cắt ngân sách liên bang dành cho các trường học không mở cửa trở lại cho học sinh đến học trực tiếp, cũng như cho rằng việc mở lại trường học sẽ cho phép phụ huynh đi làm lại, đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 24/7 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 15.735.321 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 637.946 ca tử vong. Số ca hồi phục đang là 9.595.463 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất trên thế giới, với 4.187.823 ca bệnh và 147.528 ca tử vong. Số ca nhiễm tiếp tục có xu hướng tăng, đặc biệt tại các bang miền Nam và miền Tây, song có dấu hiệu ổn định hoặc giảm ở một số bang như Arizona và Texas. Trong khi đó, các bang Texas, California, Alabama, Idaho và Florida đều có số ca tử vong trong ngày cao nhất.
Sau Mỹ là Brazil với 2.292.286 ca mắc COVID-19 và 84.251 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 1.314.616 ca mắc và 30.957 ca tử vong, Nga ghi nhận 800.849 ca mắc và 13.046 ca tử vong, Nam Phi với 408.052 ca mắc và 6.093 ca tử vong.
Tại châu Âu, ngày 24/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại số ca mắc COVID-19 gia tăng mỗi ngày tại khu vực, đồng thời khuyến cáo các nước ở "Lục địa Già" áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trong trường hợp cần thiết.
Trong hai tuần qua, Kyrgyzstan là nước có tình hình dịch bệnh diễn biến tồi tệ nhất tại châu Âu khi trung bình cứ 100.000 người dân lại có 335 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Đức trong ngày 24/7 ghi nhận thêm 815 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 6 vừa qua, nâng tổng số ca mắc lên 204.183 người, nâng tổng số ca bệnh lên 204.183 ca.
Số ca tử vong cũng tăng 10 ca lên 9.111 ca. Đáng chú ý, Bỉ thông báo ca tử vong trẻ tuổi nhất ở nước này, mới 3 tuổi, cho thấy không ai có thể miễn nhiễm trước đại dịch.
Trong khi đó, một số nước lại đang ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm đáng kể như ở Armenia (197 ca/100.000 dân) và Nga (60 ca/100.000 dân). Dù vậy, nếu tính từ ngày 20/5, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn châu Âu vẫn ở mức ổn định, khoảng 20.000 ca/ngày, giảm hơn 2 lần so với lúc đạt đỉnh vào đầu tháng 4.
Ngày 24/7, Nga thông báo nước này có kế hoạch nối lại một số đường bay quốc tế từ ngày 1/8 tới, nhưng cho biết danh sách các điểm đến ban đầu chỉ giới hạn ở các nước Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.
Trong khi đó, Pháp cho biết sẽ yêu cầu hành khách nhập cảnh từ 16 quốc gia, trong đó có Mỹ và Brazil, phải thực hiện xét nghiệm tại sân bay. Những đối tượng phải xét nghiệm là công dân Pháp sống tại những nước trên hoặc công dân các nước này cư trú tại Pháp.
Na Uy cũng có kế hoạch tái áp đặt biện pháp cách ly 10 ngày đối với những hành khách nhập cảnh từ Tây Ban Nha, nhưng nới lỏng các hạn chế đối với thêm nhiều vùng của Thụy Điển.
Theo quy định của Na Uy, công dân các nước EU, Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) hoặc khu vực tự do đi lại Schengen mà có ít hơn 20 ca nhiễm/100.000 dân trong hai tuần qua có thể nhập cảnh nước này mà không cần cách ly.
Trước đó một ngày, CH Séc cũng công bố các quy định mới chống dịch COVID-19, theo đó từ đêm 25/7, việc đeo khẩu trang tại các sự kiện tổ chức trong phòng kín có sự tham gia của hơn 100 người sẽ là bắt buộc.
Từ ngày 27/7, các sự kiện tổ chức trong nhà sẽ phải hạn chế ở mức tối đa 500 người tham dự. Trong khi đó, Uzbekistan quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến sau ngày 1/8.
Tại châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm khi nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Lào, Campuchia tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm mới.
Cụ thể, trong ngày 23/7, Trung Quốc đại lục có thêm 21 ca mắc COVID-19, trong đó có 15 ca lây nhiễm trong nước. Tính đến hết ngày 23/7, Trung Quốc đại lục xác nhận tổng cộng 83.750 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.873 bệnh nhân đã phục hồi.
Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng ghi nhận thêm 123 ca mắc, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca bệnh lên 2.372 ca, trong đó có 16 ca tử vong. Tại Hàn Quốc, với 41 ca mắc mới trong ngày 24/7, nước này hiện có 13.979 ca bệnh, trong khi tổng số ca tử vong là 298 ca.
Ngày 24/7, một quan chức Hàn Quốc cho biết nước này sẽ bắt đầu cho phép một số lượng hạn chế người hâm mộ tới xem các trận đấu bóng rổ hoặc bóng đá, trong bối cảnh Seoul đang tìm cách khôi phục nhịp sống bình thường. Cũng trong ngày 24/7, Indonesia ghi nhận thêm 1.761 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên 95.418 ca.
Số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng thêm 89 ca lên mức 4.665 ca. Tại Campuchia, số ca mắc COVID-19 cũng tăng thêm 4 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 202 ca.
Các ca nhiễm mới được phát hiện là 4 quân nhân Campuchia thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vừa hoàn thành nhiệm vụ ở Mali trở về nước ngày 10/7 cùng đoàn gồm 80 người. Trong khi đó, Lào cũng có thêm 1 ca mắc mới, nhập cảnh từ Nhật Bản, sau hơn 100 ngày không có ca nhiễm mới.
Tổng số người mắc bệnh COVID-19 tại Lào hiện là 20 trường hợp. Bệnh nhân mới là nam kỹ sư xây dựng, người Hàn Quốc, 32 tuổi, làm việc tại đập thủy điện Nam Nghiep (Nặm Nghiệp), Lào.
Tại Australia, các hạn chế chống dịch cũng đã được áp đặt trở lại tại bang đông dân nhất New South Wales ngày 24/7 trong một nỗ lực nhằm kiểm soát các ổ dịch mới bùng phát tại thành phố Sydney trong vài ngày qua.
Theo quy định mới, các quán cafe, nhà hàng và câu lạc bộ sẽ phải hạn chế nhóm khách tối đa 10 người, với lượng khách tại một quán không quá 300 người.
Đám cưới hay các sự kiện của công ty sẽ phải hạn chế ở mức 150 người kèm theo các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội. Đám tang hoặc nơi làm việc chỉ được phép tối đa 100 người cùng có mặt.
Australia hiện ghi nhận 13.302 ca nhiễm, trong đó có 133 ca tử vong. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng tại hai bang đông dân nhất trong những tuần gần đây đã đến mức đáng báo động.
Ở châu Phi, Ghana ngày 23/7 phát hiện thêm 694 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 30.366 ca. Trong khi đó, số ca tử vong giữ nguyên ở 153 ca.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận