Đằng sau những chiếc "ghế nóng" của của các CEO công nghệ
Phiên điều trần của các CEO của 4 ông lớn công nghệ được các chuyên gia nhận định bước đầu của các nhà làm luật mong muốn sửa đổi Luật chống độc quyền của nước này để hoá giải tình trạng vị thế quá lớn trên thị trường của các công ty công nghệ này.
- Jeff Bezos: COVID-19 thúc đẩy thương mại điện tử trên mọi phương diện không riêng gì Amazon
- Amazon bị điều tra bởi giới chức California về vi phạm luật chống độc quyền
- "Vận đen" tiếp tục đeo bám Google khi bị điều tra về chống độc quyền
Ngày 29/7, Tiểu ban chống độc quyền, luật thương mại và hành chính thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã tiến hành phiên điều trần trực tuyến về chống độc quyền đối với 4 Giám đốc điều hành (CEO) của các hãng công nghệ lớn gồm Tim Cook (Apple), Jeff Bezos (Amazon), Mark Zuckerberg (Facebook) và Sundar Pichai (Google và công ty mẹ Alphabet).
4 CEO trong sự kiện đang khiến dư luận quan tâm tại Nghị viện Mỹ.
Đây là lần đầu tiên 4 CEO của các hãng công nghệ lớn cùng nhau điều trần trước các nghị sĩ Mỹ. Đây là một phần trong cuộc điều tra do Quốc hội Mỹ tiến hành nhằm vào các nền tảng trực tuyến đầy quyền lực nói trên. Không chỉ tại Mỹ, các cuộc điều tra chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ diễn ra tại nhiều nước châu Âu và khác khu vực khác trên thế giới.
Mở màn phiên điều trần, nghị sĩ đảng Dân chủ David Cicilline, người đứng cuộc điều tra hoạt động kinh doanh của 4 hãng công nghệ trong suốt một năm, đánh giá Amazon, Apple, Google và Facebook đã trở thành những đế chế đầy quyền lực và đại dịch COVID-19 tạo sức bật mới cho các hãng.
Ông nhận định bất kể là qua chiến thuật phá giá, hay buộc người dùng phải mua thêm sản phẩm, các nền tảng này đã sử dụng quyền lực theo cách tiêu cực để mở rộng ảnh hưởng của mình.
"Trước khi đại dịch bùng phát, những tập đoàn này đã là những "người khổng lồ" của nền kinh tế Mỹ. Sau đại dịch, nhiều khả năng, họ sẽ còn trỗi dậy mạnh mẽ hơn trước" vị Nghị sĩ đảng Dân chủ nhấn mạnh.
Nghị sĩ Cicilline nhấn mạnh phiên điều trần cho thấy các doanh nghiệp trên đang nắm vị thế độc quyền, tất cả đều cần được giám sát và chịu trách nhiệm một cách phù hợp.
Cùng chung quan điểm này, nghị sĩ đảng Dân chủ Pramila Jayapal đã chất vấn CEO Google về cách thức nền tảng này vận hành, cho rằng Google đang gây tổn hại tới các dịch vụ trực tuyến khác, điển hình như các hãng tin. Theo nghị sĩ này, Google đang thao túng thị trường khi cùng lúc đóng hai vai trò là người mua và người bán, gây mâu thuẫn về lợi ích.
Trong khi đó, nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Sensenbrenner lại cho rằng quy mô lớn không đồng nghĩa với tiêu cực, nhấn mạnh rằng thành công cần phải được ghi nhận tại nước Mỹ.
Về phần mình, lãnh đạo các hãng công nghệ hàng đầu tại Mỹ đã nhấn mạnh đến nguồn gốc và giá trị của các công ty, cũng như cách thức họ đem lại lợi ích cho người dân nước Mỹ.
CEO Tim Cook khẳng định Apple là một công ty đặc biệt của Mỹ, hoạt động với sứ mệnh tạo ra những sản phẩm giúp cho cuộc sống của mọi người trở nên phong phú hơn.
Liên quan đến tầm ảnh hưởng của ứng dụng App Store trên thị trường và cách họ đối xử với các nhà phát triển ứng dụng, ông Cook tuyên bố công ty đối xử công bằng với tất cả các nhà phát triển.
CEO Mark Zuckerberg: Facebook không thể thành công nếu không có những điều luật thúc đẩy cạnh trang và sáng tạo tại Mỹ.
Trong khi đó, CEO Mark Zuckerberg khẳng định Facebook tự hào là một công ty Mỹ và mạng xã hội này sẽ không thể thành công mà không có những điều luật thúc đẩy cạnh tranh và sáng tạo tại Mỹ.
Phiên điều trần trên đã kéo dài trong hơn 5 giờ. Mặc dù tập trung chủ yếu vào tình hình cạnh tranh trên thị trường và luật chống độc quyền, song nhiều vấn đề khác liên quan đến phát ngôn thù địch, việc điều chỉnh nội dung, cách thức ứng phó với thông tin sai lệch, nạn tin giả, bất bình đẳng kinh tế, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cũng được đề cập trong phiên điều trần.
Khi được chất vấn về việc liệu các hãng có sử dụng lợi thế nguồn dữ liệu khổng lồ để thăm dò đối thủ cạnh tranh và những người phụ thuộc vào các nền tảng này, hay bắt chước các sản phẩm hay không, các CEO đã không thực sự bác bỏ cáo buộc, hoặc chỉ phản đối một cách yếu ớt.
Mặc dù Quốc hội Mỹ không có vai trò chính thức trong việc áp chế tài chống độc quyền, song một số nghị sĩ muốn sửa đổi luật hiện hành để chấm dứt sự thống trị của các doanh nghiệp công nghệ, giải quyết tình trạng một số công ty có vị thế quá lớn trên thị trường.
Luật chống độc quyền hiện hành của Mỹ khiến chính quyền khó có chế tài nhằm vào các công ty trên chỉ vì quy mô và khả năng thống trị trên thị trường, nếu như không chứng minh được họ gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng và lạm dụng quyền lực thị trường.
Một số nhà phân tích cho rằng phiên điều trần có thể đem đến cái nhìn mới mẻ về cách thức các nền tảng công nghệ lớn hủy hoại sự cạnh tranh bằng cách thâu tóm đối thủ hoặc tung ra các sản phẩm tương tự.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận