Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Số lượng người vô gia cư ở Anh tăng "đột biến" vì dịch bệnh
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, trước những tác động mạnh của dịch bệnh đã khiến số lượng người vô gia cư ở Anh tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, cá biệt là ở thủ đô London còn có mức tăng 76%
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Hong Kong (Trung Quốc) phát hiện ca tái nhiễm sau 4 tháng hồi phục
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Dịch bệnh là cuộc chiến trường kỳ đối với Ấn Độ
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Hàn Quốc thực hiện cách ly nghiêm ngặt tại Seoul từ 16/8
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, theo báo cáo mới đây của tổ chức từ thiện Streetlink cho biết số người ngủ trên đường phố tại Anh đã tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Số liệu của Streetlink - một tổ chức chuyên giúp đỡ những người vô gia cư – cho biết, số ca báo về người vô gia cư ngủ trên đường phố trong quý 2/2020 đã tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 16.976 ca. Số ca báo đặc biệt tăng mạnh tại thủ đô London, tăng 76% và chiếm tới 71% tổng số ca báo về người ngủ trên đường phố của cả nước.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Số lượng người vô gia cư ở Anh tăng "đột biến" vì dịch bệnh.
Giám đốc Streetlink - ông Matt Harrison cho rằng số ca báo tăng một phần do những người ngủ trên đường phố trở nên dễ thấy hơn khi đường phố vắng vẻ trong thời gian thực hiện biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, nhưng phần khác cũng là do nhiều người “lần đầu tiên buộc phải ngủ trên đường phố do tác động trực tiếp của dịch bệnh” khi các dịch vụ hỗ trợ bị đóng cửa.
Ông Matt Harrison nói: “Chúng tôi biết rằng ngày càng có nhiều người ngủ trên đường phố gọi điện cho chúng tôi vì họ lo ngại về tình hình dịch bệnh và không biết phải đi đâu, đặc biệt là khi các dịch vụ và cơ sở mà bình thường họ dựa vào - như các trung tâm dành cho người vô gia cư, trung tâm cộng đồng và nhà vệ sinh công cộng - đã đóng cửa”.
Hồi tháng 3/2020, chính phủ Anh đã đưa ra chương trình Mọi người trong nhà (Everyone In) với việc chi ra 3,2 triệu bảng để hỗ trợ những người vô gia cư trên đường phố có chỗ ở.
Bộ trưởng Bộ nhà cửa, cộng đồng và chính quyền địa phương Anh Robert Jenrick từng thông báo đã giúp 90% số người vô gia cư không phải ngủ trên đường phố để chống lại virus SARS-CoV-2.
Ông Glen Bramley, giáo sư nghiên cứu về đô thị tại đại học Heriot-Watt, cho rằng số liệu của chính phủ về số người ngủ trên đường phố dựa trên ước lượng nên con số thực tế có thể cao hơn nhiều con số chính thức.
Ông Glen Bramley cũng cho rằng biện pháp phong tỏa chống COVID-19 đã làm nhiều người, nhất là những lao động tự do và không chính thức, đa số là người nhập cư, lập tức mất việc làm và mất khả năng chi trả tiền thuê nhà, và một phần trong số này trở thành người vô gia cư trên đường phố.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 18/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 22.112.739 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 778.522 ca tử vong. Số trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh là 14.848.583 người.
Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 173.789 trường hợp tử vong trong tổng số 5.614.218 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 108.654 bệnh nhân tử vong trong số 3.363.235 bệnh nhân, Mexico có 57.023 ca tử vong trong số 525.733 ca bệnh, Ấn Độ với 52.280 ca tử vong trên 2.732.218 ca bệnh.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 243.470 ca tử vong trong tổng số ca nhiễm là 6.225.679 trường hợp; tiếp đó là châu Âu 210.978 ca tử vong trên 3.562.495 ca mắc bệnh, rồi đến Mỹ và Canada.
Châu Á có 81.738 ca tử vong trên 4.080.157 ca bệnh; Trung Đông có hơn 32.700 ca tử vong; châu Phi hơn 25.800 ca tử vong và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại dương là 471 người.
Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân thì lại có 86 người không qua khỏi đại dịch này; tiếp đó là Peru (với tỷ lệ 80 người), Tây Ban Nha (61 người), Anh (61 người) và Italy (59 người).
Tại châu Á, ngày 18/8, Philippines đã ghi nhận thêm 4.836 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp, nước này có hơn 3.000 bệnh nhân nhiễm mới trong 1 ngày. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này là 169.213, trong đó có 2.687 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, Indonesia cũng ghi nhận thêm 1.673 ca mắc COVID-19 và 70 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong do virus SARS-CoV-2 tại nước này lên lần lượt là 143.043 và 6.277.
Số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc những ngày gần đây đã tăng mạnh trở lại trong bối cảnh các ổ dịch liên quan đến các nhà thờ ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận không có dấu hiệu suy giảm.
Ngày 18/8, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo thêm 246 ca mắc mới, trong đó 235 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm của Hàn Quốc lên 15.761 người. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm
COVID-19 mới ở mức ba con số. Trong số các ca nhiễm mới, có 131 ca ở thủ đô Seoul, 52 ca ở tỉnh Gyeonggi và 18 ca ở thành phố Incheon vùng phụ cận Seoul.
Ngày 18/8, Nga xác nhận Bộ trưởng Năng lượng nước này - ông Alexander Novak có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Ông Novak nhận được kết quả xét nghiệm sau khi đến Blagoveshchensk, vùng Viễn Đông của Nga, để tham dự một cuộc họp chính phủ cũng như khai trương một dự án hóa dầu. Hiện Bộ trưởng Novak đã quay trở về thủ đô Moskva.
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 4.748 ca mắc COVID-19 và 132 người tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong do virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 932.493 và 15.872. Hiện Nga là nước có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 4 thế giới.
Anh cũng mới phát hiện hơn 70 người mắc COVID-19 tại một nhà máy sản xuất món tráng miệng tại Nottinghamshire ở Đông Midlands, vùng England. Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) đã thiết lập một điểm xét nghiệm ngay tại nhà máy.
Hiện 701 trong tổng số 1.600 nhân viên làm việc trong nhà máy đã được xét nghiệm. Tới nay, Anh ghi nhận tổng cộng hơn 319.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 41.000 ca tử vong.
Hiện chính phủ nước này vẫn liên tục áp dụng linh hoạt các biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trở lại và đẩy nhanh các nỗ lực phát triển một loại vaccine phòng bệnh hiệu quả.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, một số trường học tại Mỹ đã buộc phải ngừng hình thức giảng dạy trực tiếp trong bối cảnh số ca COVID-19 được ghi nhận mỗi ngày vẫn ở mức cao tại nhiều bang.
Đây được xem là một thách thức đối với kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Theo kế hoạch, các trường học tại Mỹ sẽ mở cửa trở lại để bắt đầu năm học mới trong tháng này hoặc đầu tháng 9 tới. Một số trường, đặc biệt tại các khu vực trung tâm đô thị, đã lựa chọn hình thức dạy học trực tuyến, trong khi số khác chọn đón học sinh tới trường hoặc áp dụng cả hai hình thức. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến khó lường hoặc tình trạng thiếu hụt nhân sự đã buộc một số trường phải ngừng hình thức giảng dạy trực tiếp.
Trong khi đó, tình hình có dấu hiệu cải thiện tại Australia. Ngày 18/8, bang Victoria, bang đông dân thứ hai tại Australia, ghi nhận số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở mức thấp nhất trong 1 tháng qua, thắp lên hy vọng làn sóng lây nhiễm thứ hai đang dần lắng dịu.
Cụ thể, có 222 ca mắc mới tại bang Victoria, ít hơn 60 ca so với một ngày trước đó. Số ca tử vong mới ghi nhận là 17 ca, cũng ít hơn so với 25 ca ghi nhận ngày 17/8 - mức cao nhất từ trước tới nay.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18/8 đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng tốc độ lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do những người trong độ tuổi 20, 30 và 40 gây ra, cho rằng phần lớn những người này không có triệu chứng bệnh và không biết mình bị mắc bệnh, do vậy đang gây nguy hiểm cho những nhóm người nguy cơ cao mắc bệnh.
Cụ thể, theo WHO, tỷ lệ những người trẻ tuổi bị mắc bệnh COVID-19 đã gia tăng trên toàn cầu, gây rủi ro cho những nhóm người dễ bị ảnh hưởng nặng nề như người già và những người ốm yếu tại những khu vực đông dân cư có hệ thống y tế hoạt động yếu kém.
Giám đốc của WHO phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai nhấn mạnh đây là dấu hiệu cho thấy thế giới đang bước vào một giai đoạn mới của dịch COVID-19 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo ông, các nước có thể hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với cuộc sống của con người và nền kinh tế bằng cách kết hợp các biện pháp phát hiện sớm và kiểm soát các ca mắc bệnh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận