Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Dịch bệnh là cuộc chiến trường kỳ đối với Ấn Độ
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, trước những số liệu thống kê tại Ấn Độ đã khiến cho các chuyên gia cảnh báo với đất nước đông dân thứ 2 thế giới về một cuộc chiến trường kỳ cùng với đó là thách thức lớn đối với nền kinh tế.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Hàn Quốc thực hiện cách ly nghiêm ngặt tại Seoul từ 16/8
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Na Uy lần đầu tiên khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại thủ đô Oslo
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Gần nửa số trường học trên thế giới thiếu điều kiện rửa tay cơ bản
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, TS. V.K. Paul - thành viên lực lượng ứng phó dịch bệnh của Chính phủ Ấn Độ, đã cảnh báo đại dịch sẽ tiếp tục là một thách thức và đây là cuộc chiến trường kỳ mà mỗi người dân Ấn Độ phải đối mặt.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang chứng kiến cả số ca nhiễm lẫn tử vong do COVID-19 không ngừng gia tăng, với 12 bang ghi nhận trên 55.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Dịch bệnh là cuộc chiến trường kỳ đối với Ấn Độ.
Tiến sĩ Paul, cũng là một thành viên của Cơ quan cải cách thể chế quốc gia (NITI Aayog), nói: “Đây không phải là lúc chúng ta lơ là cảnh giác. Hãy thực hiện hành vi an toàn mọi lúc, mọi nơi”.
Ấn Độ ghi nhận ca tử vong đầu tiên do SARS-CoV-2 hôm 13/3 và 25.000 ca tử vong sau hơn 4 tháng, tính tới ngày 16/7. Tuy nhiên, 25.000 ca tử vong tiếp theo đã được báo cáo chỉ trong vòng một tháng qua.
Ông T. Jacob John, nhà virus học và cựu giáo sư tại Đại học Y khoa Cơ đốc giáo Vellore thuộc bang Tamil Nadu đánh giá: “Dân số lớn của Ấn Độ là ‘nguồn nuôi dưỡng’ virus. Điều mà chúng ta biết hiện nay là virus này không thể bị kiểm soát, chặn đứng hoặc ngăn ngừa.
Tất cả những gì chúng ta có thể làm là làm chậm tốc độ lây lan”. Theo ông Jacob John, lộ trình phía trước duy nhất của Ấn Độ là luôn đeo khẩu trang, đảm bảo vệ sinh phù hợp và thực hiện các lệnh phong tỏa quy mô nhỏ nhưng hiệu quả.
Theo Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, tính đến ngày 16/8, nước này ghi nhận tổng cộng gần 2,6 triệu ca COVID-19, trong đó có khoảng 50.000 trường hợp tử vong.
Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 21h ngày 16/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 21.674.447 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tăng 68.938 ca so với một ngày trước đó và 769.957 ca tử vong, tăng 1.731 ca so với một ngày trước. Số ca bình phục là 14.385.381 ca, trong khi vẫn còn 6.519.109 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 64.428 ca nguy kịch.
Báo cáo do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 15/8 cho biết đã có hơn 30 quốc gia trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày vượt 1.000 ca, tính đến 15h ngày 15/8 (theo giờ Việt Nam).
Trong số này, 4 quốc gia đứng đầu danh sách có số ca nhiễm trong ngày vượt 10.000 ca, lần lượt là Ấn Độ với 65.002 ca mới, Brazil với 60.091 ca, Mỹ với 52.799 ca và Colombia với 11.286 ca. Các quốc gia có số ca nhiễm trong ngày từ 1.000 ca đến 10.000 ca tập trung chủ yếu ở Mỹ Latinh, châu Âu và châu Á.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục tác động đến hoạt động hàng không. Ngày 16/8, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo lĩnh vực vận tải hàng không thế giới sẽ không thể quay về các mức tăng trưởng ghi nhận trước khi bùng phát đại dịch cho đến năm 2024. IATA cho biết, trong năm 2020, số hành khách đi lại bằng đường hàng không trên thế giới sẽ giảm 55%.
Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac nhận định tốc độ tăng trưởng ì ạch của hoạt động vận tải hàng không trên toàn cầu cho thấy lĩnh vực này sẽ hồi phục chậm hơn một năm so với dự báo. Thậm chí, triển vọng quay trở lại các mức tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19 có thể lùi sâu hơn nếu thế giới không kiểm soát được dịch bệnh hay chưa có vaccine phòng bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng trở lại, Hàn Quốc tuyên bố xử lý nghiêm các hành vi chống lại các nỗ lực chống COVID-19. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 16/8 đã cảnh báo về những phản ứng nghiêm khắc đối với các hành vi trái pháp luật của một số thành viên Nhà thờ cản trở nỗ lực chống dịch COVID-19 ở nước này sau khi một Mục sư cực hữu và những người theo ông tổ chức cuộc biểu tình lớn vi phạm lệnh cấm của Seoul trong bối cảnh các trường hợp nhiễm bệnh mới gia tăng mạnh.
Trước đó, ngày 16/8, hơn 10.000 người đã tham gia cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố Seoul do các nhóm cực hữu dẫn đầu, trong đó có Mục sư Jun Kwang-hoon của Nhà thờ Sarang Jeil ở Seoul, mặc dù chính quyền thành phố đã cấm các cuộc tụ tập đông người do dịch COVID-19.
Trong khi đó, nhằm giảm thiểu tình trạng lây nhiễm cộng đồng trong trường học, các nhà nghiên cứu Thụy Điển khuyến nghị đeo khẩu trang tại các trường học. Nhóm gồm 26 nhà nghiên cứu, gồm các thành viên của Diễn đàn Khoa học Thụy Điển về COVID-19, nhận định rằng Cơ quan Y tế công nước này đã "đánh giá sai lầm về khả năng lây nhiễm ở trẻ em".
Theo những nghiên cứu trên, các số liệu hiện nay ở Hàn Quốc, Mỹ và Israel cho thấy trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm trong khi số liệu từ chính Thụy Điển cho thấy trẻ em bị nhiễm COVID-19 có thể bị rơi vào tình trạng nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu này cho rằng trên thực tế, số ca nhiễm ở Thụy Điển đã giảm khi trường học đóng cửa. Vì vậy, có quan ngại chính đáng về nguy cơ số ca nhiễm sẽ lại tăng khi các trường học mở cửa trở lại trong tuần tới.
Theo họ, cần thắt chặt các biện pháp kiểm dịch y tế tại trường học trong đó có việc đeo khẩu trang, hoạt động thể chất phải tiến hành ngoài trời, giãn cách trong các bữa ăn...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận