Facebook dùng avatar ảo của người dùng để làm gì?
Ảnh đại diện ảo được Facebook triển khai từ đầu tháng 9 được người dùng hưởng ứng trên toàn thế giới được nhận định là dữ liệu quan trong cho dự án ảo hoá thế giới thực của chính mạng xã hội này.
- Facebook phát cho nhân viên 1.000 USD sắm thiết bị để làm việc từ xa
- Áp dụng điều khoản mới liệu có khiến Facebook an toàn hơn?
- Australia quyết chặn Facebook, Google "bóc lột" báo chí
Đầu tháng 9, Facebook Việt tràn ngập ảnh, sticker được tạo bởi người dùng. Đây là tính năng mới của Facebook. Theo đó, người dùng có thể tự tạo các nhân vật ảo rất chi tiết, từ khuôn mặt, màu da, màu tóc, kiểu tóc, dáng chân mày đến phong cách quần áo.
Nhân vật sau khi được tạo mới được sử dụng cho nhiều mục đích như sticker trong bình luận, messenger, hình ảnh trong bài đăng, ảnh đại diện và ảnh bìa. Mất chưa đến 5 phút để tạo ra một bộ nhận diện trực tuyến như vậy.
Dữ liệu cho kính thực tế ảo
Đây không phải tính năng quá xa lạ. Trong quá khứ, khi người dùng dè chừng với việc đăng tải ảnh cá nhân lên các nền tảng mạng xã hội, Yahoo, Myspace cũng tạo ra tính năng tương tự. Tuy vậy, mục đích của Facebook không đơn thuần là tạo một bộ nhận diện cho người dùng. Đây là bước đệm cho sự thay đổi nền tảng lớn trong tương lai.
Mark Zuckerberg tạo ra Horizon khi mua lại công ty phần cứng kính thực tế ảo Oculus để hiện thực hoá tham vọng ảo hóa thế giới thực.
Ngày 26/8, Facebook giới thiệu bản beta của Horizon, một nền tảng mạng xã hội ảo. Trước đó, Facebook mua lại Oculus, một công ty phần cứng kính thực tế ảo (VR). Kết hợp hai nền tảng này, Facebook sẽ “ăn nên làm ra” trong thời mà dịch Covid-19 khiến mọi người không thể tụ tập.
Các cuộc họp, mọi giao tiếp sẽ thực hiện qua nền tảng ảo Horizon. Hiện, người dùng tại một số quốc gia đã được trải nghiệm trước nền tảng trên.
Nhưng bước đầu tiên để xây dựng một thế giới ảo là phải có những con người ảo. Đó có thể là lý do chính mà tại thị trường Mỹ, Nam Phi và Việt Nam, Facebook ra mắt công cụ tạo nhân vật kỹ thuật số. Vậy nếu người dùng tạo ra nhân vật không giống họ ngoài đời thì Facebook xử lý như thế nào?
Trước đây, với Yahoo, người dùng thoải mái sử dụng các bí danh, ký hiệu… để tạo tài khoản. Khi bắt đầu, Facebook cũng thả cửa cho người dùng muốn dùng tên gì cũng được. Nhưng đến khoảng 2012, Facebook xử lý mạnh tay với các tài khoản không sử dụng tên thật với lý do xác định danh tính.
Các tài khoản dùng tên giả sẽ bị bạn bè báo cáo, sau đó, họ phải dùng ảnh chụp giấy tờ tùy thân, gửi để Facebook xác minh danh tính thật.
Với nhân vật kỹ thuật số, việc xác minh thật giả sẽ dễ dàng hơn nếu Facebook muốn. Đa phần người dùng đều đã đăng tải ảnh cá nhân lên mạng xã hội này. Vì vậy, với các công cụ nhận diện gương mặt, việc “ép” người dùng tạo avatar kỹ thuật số đúng với thực tế sẽ không quá khó khăn.
Nhân vật ảo có đầy đủ tính cách người dùng
Bên cạnh đó, các bước tạo nhân vật ảo cũng thể hiện phần nào tính cách của người dùng. Đây là một trong những dữ liệu mà Facebook muốn có nhất. Từ việc phân định được tính cách người dùng, việc phân phối quảng cáo sẽ trở nên đơn giản hơn.
Ví dụ đơn giản, một người sống cởi mở sẽ dễ tham gia các sự kiện ngoài trời hơn. Vậy dựa vào đâu để xác định tính cách thông qua nhân vật kỹ thuật số?
Tháng 1/2015, nhóm nghiên cứu do Katrina Fong, nghiên cứu sinh tại York University, Toronto, Ontario, Canada đứng đầu đã phân tích tính cách của 209 người qua ảnh đại diện kỹ thuật số của họ.
Các avatar ảo được người dùng tạo ra trên Facebook có đầy đủ các đặc trưng tính cách của họ.
Kết quả chính xác ngay cả khi nhân vật kỹ thuật số đó không giống gì với người thật. “Tính cách mà con người muốn truyền đạt sẽ thể hiện qua ảnh đại diện bất kể đó có phải là họ hay không. Chúng ta là ai trong cuộc sống thực ảnh hưởng lớn đến quyết định thể hiện bản thân trong môi trường trực tuyến”, tiến sĩ Katrina Fong cho biết.
Đặc biệt, Katrina Fong đề cập đến 5 tính cách nổi bật gồm: cởi mở, tận tâm, hướng ngoại, dễ chịu và loạn thần. Ví dụ, những người có mức độ dễ chịu cao sẽ có khả năng tạo ra những nhân vật kỹ thuật số dễ gần. Những người hướng ngoại, tận tâm sẽ chọn nhân vật giống với họ ngoài đời thực. Những người loạn thần sẽ chọn nhân vật khác biệt hoàn toàn với họ.
Nghiên cứu của tiến sĩ Katrina Fong thực hiện trên 99 người. Trong đó có 50 người nam và 49 người nữ. 50% số người cho rằng ảnh đại diện kỹ thuật số cần phải giống họ nhất có thể.
Số còn lại cho rằng điều đó không cần thiết. Nếu áp dụng tỉ lệ này cho trào lưu tạo nhân vật ảo của Facebook vừa qua, có thể sẽ có đến 50% ảnh đại diện bạn nhìn thấy là nhân vật giống thật. Đây được xem là thành công nếu Facebook muốn xây dựng một xã hội ảo và lôi mọi người vào đó.
Tương tự Facebook, nghiên cứu của Katrina Fong cũng cho phép người dùng chọn giới tính, màu da, đặc điểm khuôn mặt, tóc, áo quần và các phụ kiện đi kèm. Sau đó, một nhóm 209 sinh viên khác được cho xem ảnh đại diện và đánh giá tính cách của chủ nhân bức ảnh.
Kết quả, tính cách của 99 người được xác định đúng với đời thực ngay cả khi ảnh đại diện không giống với họ. “Nghe có vẻ ngạc nhiên nhưng điều này có nghĩa dù bằng cách nào, ảnh đại diện vẫn truyền tải chính xác tính cách của người dùng”, Kristine Nowak, phó giáo sư truyền thông tại Đại học Connecticut, người không liên quan đến nghiên cứu cho biết.
Trở lại câu chuyện của Facebook Horizon, nền tảng này đang lặng lẽ được triển khai. Thế nhưng câu hỏi thực sự là làm thế nào Facebook có thể ngăn chặn hành vi quấy rối xảy ra trong thế giới ảo đó ngay từ đầu. Có thể Horizon sẽ trở thành hố vôi bê bối tiếp theo mà Facebook phải đối mặt trong tương lai.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận