Hà Nội áp dụng khám chữa bệnh từ xa góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho người bệnh
Sau thời gian ngắn thực hiện đề án “Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025”, người dân Thủ đô đã được hưởng những dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao và làm giảm gánh nặng điều trị bệnh cho các bệnh nhân.
- Bộ Y tế khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa
- Bộ Y tế: Triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa và Hồ sơ sức khỏe điện tử
- Khám chữa bệnh bằng áp dụng AI và IoT
Ứng dụng khám chữa bệnh từ xa là một bước đột phá trong lĩnh vực y tế, đồng thời là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo đó, khám chữa bệnh từ xa giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương cư trú, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, đi lại, giảm bớt gánh nặng bệnh tật, tạo được lòng tin và sự an tâm điều trị đối với người bệnh.
Mô hình khám chữa bệnh từ xa đang mang lai hiệu quả lớn khi giảm được gánh nặng chi phí cho người bệnh.
Thực hiện đề án “Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025” của Bộ Y tế, đến nay, thành phố Hà Nội đã có 4 bệnh viện đầu ngành: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội thực hiện tư vấn khám chữa bệnh từ xa, giúp cho người bệnh tại tuyến y tế cơ sở và các tỉnh phía Bắc có được sự tư vấn khám bệnh kịp thời.
Tại huyện Phúc Thọ, từ năm 2020, người dân bắt đầu được thụ hưởng đề án. Nhờ “khám chữa bệnh từ xa”, khi thấy dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân ở xã Long Xuyên chỉ cần đến Trạm Y tế là được bác sỹ của trạm và các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tư vấn hội chẩn khám chữa bệnh từ xa kịp thời mà không cần lên tuyến trên. Nhất là bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và tăng huyết áp đều mong muốn được điều trị tại Trạm Y tế để không phải đi xa.
“Khám chữa bệnh từ xa tại trạm y tế rất thuận tiện cho người dân khi sức khỏe có dấu hiệu bất thường, mong trạm được đầu tư máy móc, nhân lực tốt hơn, chúng tôi yên tâm khám chữa bệnh tại trạm”, ông Nguyễn Đăng Vĩnh, xã Long Xuyên chia sẻ.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, khám chữa bệnh từ xa giúp các bệnh viện có thể chuyển giao công nghệ từ tuyến trên xuống tuyến dưới. Người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế, được những bác sỹ tuyến Trung ương, thành phố khám mà không phải đến tận những bệnh viện này.
"Thời gian tới, ngoài 4 bệnh viện vệ tinh được Bộ Y tế chỉ định, Hà Nội sẽ triển khai thêm một số bệnh viện hạng 1, bệnh viện tuyến thành phố trở thành bệnh viện vệ tinh" vị Phó Giám đốc Sở nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch COVID- 9 vẫn diễn biến phức tạp, các bệnh viện hạng 1 ngành Y tế Hà Nội triển khai hoạt động tư vấn khám bệnh từ xa là cần thiết, vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình, xã hội và ngành Y tế, vừa thực hiện mục tiêu đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu đến với các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường kết nối từ xa giữa bệnh nhân và các bác sỹ; đồng thời, đào tạo cho đội ngũ y, bác sỹ ngày càng phát triển hơn.
Là một trong những bệnh viện đầu tiên của Hà Nội sớm triển khai Đề án 2628 “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 -2025 của Bộ Y tế, từ tháng 8/2020, Bệnh viện Tim Hà Nội đã khai trương hoạt động khám chữa bệnh từ xa. Đến nay, 30 bệnh viện đăng ký kết nối và tham gia các buổi khám, hội chẩn, tư vấn từ xa của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Theo Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Sinh Hiền, Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội giao Bệnh viện Tim Hà Nội hỗ trợ phát triển tim mạch cho 13 bệnh viện vệ tinh; 37 bệnh viện thuộc dự án Norred; 60 bệnh viện/trung tâm y tế thuộc Hà Nội và nhiều bệnh viện ngoại tỉnh có hợp tác.
"Bệnh viện thường xuyên gắn quá trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật với việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với các bác sỹ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại và các ứng dụng zalo, viber…" Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội thông tin thêm.
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng đã khai trương hệ thống Telehealth thuộc Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025". Ngay tại buổi khai trương, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã thực hiện tư vấn, hội chẩn các ca bệnh ung thư đặc biệt đang điều trị tại 5 cơ sở y tế: Bệnh viện Ung Bướu Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận