Dự báo chứng khoán tuần tới: "Ảm đạm" là nhận định chung của các chuyên gia
Dự báo chứng khoán tuần tới (19 - 23/10), sau tuần bán ròng của khối ngoại là điểm tiêu cực tác động đến thị trường trong nước khi đẩy xu thế theo chiều hướng đi xuống sau những nhận định thận thận trọng của các chuyên gia.
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Bước vào chu kỳ giảm điểm trước tác động của dịch bệnh
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Hình thành nhịp tăng mới nhờ tín hiệu kinh tế lạc quan
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Mất trợ lực VN-Index trở về mốc 800 điểm
Dự báo chứng khoán tuần tới (19 - 23/10), những diễn biến tuần vừa qua đã khiến cho các chuyên gia cùng chung nhận định xu hướng tăng của thị trường sẽ kém khả quan.
Lực cầu yếu khiến dư địa tăng không còn nhiều
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, tuần qua là tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp của chỉ số VN-Index và cũng là tuần tăng thứ 11 của HNX-Index. Tuy nhiên, thanh khoản nếu loại bỏ phần giao dịch thỏa thuận thì đã giảm so với tuần trước đó và điều đó cho thấy lực cầu mua lên trong giai đoạn hiện tại đang yếu dần đi.
Những tín hiệu tiêu cực được phát đi từ tuần trước khi tình trạng bán ròng của khối ngoại khiến cho xu thế tuần theo chiều đi xuống.
VN - Index hiện kết phiên trong vùng 940 - 950 điểm, tương ứng với vùng giá của thị trường trước khi dịch COVID-19 xảy ra. SHS cho rằng, với vùng giá này thì dư địa tăng giá hiện tại không còn nhiều; đồng thời, khối ngoại bán ròng tuần thứ ba liên tiếp với giá trị đạt 1.712 tỉ đồng trên toàn thị trường là một chỉ báo tiêu cực.
Với những diễn biến này, SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (19 - 23/10), VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng 940 điểm.
Có quan điểm khá tương đồng, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – VDSC nhận định, VN - Index có thể sẽ diễn biến giằng co quanh vùng 945 điểm trong những phiên đầu tuần tới. Diễn biến thị trường tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu theo thông tin kết quả kinh doanh quý III của từng doanh nghiệp cụ thể. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường.
Ngoài ra, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số VN30 và VN Diamond diễn ra trong hai tuần tới có thể tạo ra diễn biến sôi động ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC nhìn nhận, thị trường chứng khoán kết thúc phiên cuối tuần với “cảm xúc” trái ngược với hầu hết các nhà đầu tư. Các cổ phiếu đã không đồng nhất mà chia rẽ, phân hóa rõ rệt. Hiện nay, vẫn còn nhiều Báo cáo tài chính quý III chưa cập nhật, nhưng cơ hội đang ít dần. Do vậy, các nhà đầu tư cần quản trị rủi ro cho danh mục của mình một cách hợp lý khi thị trường đang trong giai đoạn khó khăn.
Ở góc độ kỹ thuật, VDSC cho rằng, VN - Index vẫn trong kênh tăng giá nhưng đang có sự giằng co mạnh. Vùng 940 - 950 điểm đang là vùng quan trọng đối với chỉ số và tín hiệu hiện tại chưa đủ cơ sở để nhận định và cần chờ thêm tín hiệu cung cầu để có thể đánh giá xu thế của VN-Index.
Trong khi đó, chỉ số HNX - Index cũng đang “lưỡng lự” sau phiên vượt vùng đỉnh cũ nhiều năm. Xu thế hiện tại của chỉ số vẫn tăng, nhưng cần chờ thêm tín hiệu cung cầu để có cái nhìn rõ nét hơn.
Thực tế cho thấy, các chỉ số thị trường biến động tích cực trong tuần qua (từ 12 – 16/10) khi VN - Index tăng 19,3 điểm lên 943,3 điểm; HNX - Index tăng 2,913 điểm lên 139,82 điểm.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng mạnh nhất với 4,9% giá trị vốn hóa. Các mã tăng mạnh trong nhóm là CTG tăng 12,7%, TCB tăng 6,1%, VPB và ACB cùng tăng 5,1%, BID tăng 4,6%, VCB tăng 4%, SHB tăng 3,8%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với mức tăng 3% giá trị vốn hóa; trong đó, mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhóm này là FPT tăng tới 4,7%... Nhóm hàng tiêu dùng tăng 1,9% giá trị vốn hóa nhờ lực kéo từ các mã trụ cột trong ngành là MSN tăng 17,5%, VNM và BHN cùng tăng 0,7%...
Các ngành khác đều có mức tăng nhẹ như tài chính tăng 1,6% giá trị vốn hóa, nguyên vật liệu tăng 1%, tiện ích cộng đồng tăng 0,5%. Ở chiều ngược lại, ngành dược phẩm và y tế giảm 1,3% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng giảm 1%, công nghiệp giảm 0,7%, dầu khí giảm 0,2%...
Theo nhóm phân tích từ Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), thị trường đang nằm trong xu hướng phục hồi, nhưng các tín hiệu cảnh báo về sự suy giảm đà tăng đang dần xuất hiện và thị trường có thể cần một nhịp điều chỉnh nhằm củng cố lại xu hướng hiện tại.
Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc tới việc hiện thực hóa một phần tỷ trọng nhằm tạo vị thế tốt để tái gia nhập khi thị trường trải qua nhịp rũ bỏ, PHS khuyến nghị.
Thị trường chứng khoán Việt Nam dù đi lên, song trong các báo cáo phân tích, nhận định về tuần giao dịch tới, nhiều công ty chứng khoán vẫn tỏ ra khá lo ngại cho xu hướng tăng của thị trường.
Thị trường bị chi phối bởi các gói kích thích kinh tế
Tuần qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn đi lên, cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 0,1%, chỉ số S&P 500 nhích 0,2%, còn chỉ số Nasdaq Composite tiến thêm 0,8% so với tuần trước.
Nhận định về thị trường chứng khoán tuần tới, giới quan sát cho rằng, các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế bổ sung vẫn sẽ chi phối diễn biến thị trường.
Những bi quan về tình hình kinh tế bởi ảnh hưởng của các gói cứu trợ khiến thị trường thế giới ở thế giằng co.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin mới đây cho biết, Nhà Trắng và các nhà lập pháp nước này khó có thể hoàn tất gói kích thích kinh tế mới trước cuộc bầu cử tháng Mười Một, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất gói cứu trợ chống dịch lên hơn 1.800 tỉ USD.
Dù vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy sự bế tắc có thể giảm bớt, sau khi ông Mnuchin cho biết, Nhà Trắng sẽ đồng ý về một kế hoạch thử nghiệm mà đảng Dân chủ đề xuất để giúp giảm bớt thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đây là một bước tiến nhỏ, nhưng có vai trò quan trọng sau nhiều tháng đàm phán không có kết quả về việc gia hạn một số điều khoản đã hết hiệu lực trong Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES).
Mặt khác, chỉ số sản xuất công nghiệp của Mỹ yếu hơn dự kiến, giảm 0,6% trong tháng Chín, được coi là dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nhà kinh tế tại Oxford Economics nhận định, sản lượng công nghiệp thấp hơn nhiều so với kỳ vọng là một trong những dấu hiệu thực tế đầu tiên cho thấy sự phục hồi đang mất dần động lực dưới áp lực của cuộc khủng hoảng sức khỏe đang diễn ra và các biện pháp hỗ trợ đang thu hẹp dần.
Thực tế, thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua diễn biến khá giằng co với các phiên tăng, giảm đan xen. Thị trường tăng vào phiên đầu tuần (12/10), nhưng sau đó giảm liên tục trong 3 phiên liên tiếp từ 13 – 15/10.
Chỉ đến phiên cuối tuần (16/10), tâm lý nhà đầu tư trên Phố Wall mới có phần khởi sắc sau khi thị trường đón nhận báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ đã tăng 1,9% trong tháng 9/2020, vượt qua kỳ vọng và phục hồi sau bốn tháng liên tục tăng chậm lại.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 28.606,31 điểm và chỉ số S&P 500 tiến thêm 0,47% lên 3.483,81 điểm. Riêng chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 0,4% và đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 11.827,42 điểm.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 16/10, khi một số thị trường tăng điểm nhờ hoạt động mua vào sau làn sóng bán tháo phiên trước, trong lúc các nhà đầu tư lo ngại hơn về các biện pháp phong tỏa mới được áp dụng tại châu Âu trước sự gia tăng số ca lây nhiễm bởi dịch COVID-19.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,4% xuống 23.410,36 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,83% xuống 2.341,53 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,9% lên 24.386,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,1% lên 3.336,36 điểm.
Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi các diễn biến của cuộc thảo luận về gói kích thích mới tại Mỹ nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới khi báo cáo việc làm của nước này gây thất vọng càng cho thấy sự cần thiết phải hành động để ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận