Không khí lạnh "bồi thêm" khiến miền Bắc tiếp tục chìm sâu trong giá rét
Sau khi hứng chịu đợt không khí lạnh cường độ mạnh trong những ngày qua, miền Bắc tiếp tục nhận thêm đợt không khí lạnh tăng cường mới từ ngày 17/1 được dự báo sẽ tiếp tục gây rét đậm, rét hại trên khắp các khu vực và kéo dài tới ngày 20/1.
- Không khí lạnh tăng cường gây đợt rét đậm, rét hại đầu tiên ở phía Bắc
- Đợt rét đậm rét hại mới tại miền Bắc kéo dài trong bao lâu?
- Mưa tuyết trắng trời Y Tý
Ngày 11/1, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm DBKTTV Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) Nguyễn Hữu Thành cho biết, theo nhận định của Trung tâm DBKTTV Quốc gia, sau đợt không khí lạnh mạnh tăng cường ngày 10-11/1 gây mưa tuyết ở khu vực vùng núi thì khoảng ngày 17-18/1 sẽ có thêm một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh ảnh hưởng đến nước ta.
Đợt gió mùa Đông Bắc này có thể sẽ tạo ra một đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ cũng như các tỉnh Bắc Trung Bộ; sau đó thời tiết sẽ ấm dần. Sau ngày 20/1, vẫn có các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta nhưng cường độ không mạnh như đợt ngày 10-11/1 và đợt ngày 17-18/1. Đợt không khí lạnh sau ngày 20/1 chủ yếu gây ra các đợt rét đậm, rét hại ngắn từ 2-3 ngày.
Không khí lạnh "bồi thêm" khiến miền Bắc tiếp tục chìm sâu trong giá rét.
Vào những ngày có cảnh báo rét đậm, rét hại, Trung tâm DBKTTV Quốc gia sẽ có các bản tin thông báo về nhiệt độ lúc 6 giờ sáng (nhiệt độ đo thực tế) để các cấp chính quyền, các sở ngành nắm bắt thông tin và ra quyết định kịp thời.
Theo dự báo của Trung tâm, từ ngày 12-15/1, trời chuyển sang trạng thái rét khô (đêm và sáng sớm trời vẫn rất rét với mức nhiệt 7-10 độ C, vùng núi 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C nhưng trưa, chiều trời hửng nắng).
Từ ngày 12/1, nắng bắt đầu xuất hiện vào ban ngày kéo nhiệt độ ngày tăng lên mức 16-18 độ C và sẽ còn được gia tăng trong những ngày tiếp theo, do vậy tình trạng rét đậm, rét hại sẽ tiếp tục được cải thiện đáng kể.
Ông Nguyễn Hữu Thành khuyến cáo, đối với thời tiết rét đậm, rét hại như hiện nay, người dân cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, khách du lịch, học sinh, nhất là tại các trường nội trú ở vùng núi cao bằng các biện pháp. Đó là hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, đồng thời căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại từng địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học.
Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại trên website chính thức của Trung tâm DBKTTV Quốc gia tại các địa chỉ: nchmf.gov.vn, kttv.gov.vn, https://www.khituongvietnam.gov.vn cùng các thông tin do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh, thành phố cung cấp cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng,chống thiên tai các cấp; các sở, ban, ngành, đoàn thể và được các cơ quan truyền thông chính thức đăng tải như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1, chương trình Chào buổi sáng…), Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, từ ngày 7 - 11/1, Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế đã xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng với nhiệt độ thấp nhất từ 8-10 độ C, vùng núi từ 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C như: SaPa (Lào Cai) -2,1 độ; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -3.4 độ C.
Nhiều nơi đã xuất hiện băng giá như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, thậm chí vùng núi phía Tây Nghệ An có băng giá. Đêm 10 và rạng sáng 11/1, tại xã Y Tý (SaPa – Lào Cai) đã có tuyết rơi, phủ trắng bề mặt cây cỏ, đồi núi, các mái nhà. Sáng 11/1, tuyết cũng đã rơi trên đỉnh Fansipan.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận