Năm 2021: Giá vận chuyển đường biển tăng vọt khiến kinh tế toàn cầu nhiều biến động
Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển từ Singapore cho tới Los Angeles và Rotterdam đang tạo “những cơn đau đầu” trong ngắn hạn và làm gia tăng chi phí trong mùa cao điểm. Hiện tại, “cơn gió ngược” này có thể hãm phanh đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.
- "Cần tiếp tục giảm lãi suất để tạo đà cho kinh tế phát triển trong năm 2020"
- "Dấu chấm hết" cho dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê từ 1/1/2021
Tình trạng thiếu hụt hàng tiêu dùng như khăn giấy và thiết bị làm việc tại nhà (WFH) hồi đầu dịch Covid-19 giờ đã nhường chỗ tình trạng thiếu hụt linh kiện ở một trong những chuỗi cung ứng gắn kết nhất trên toàn cầu: Sản xuất xe hơi.
Đà tăng của giá vận chuyển container từ Thượng Hải tới Los Angeles và giá vận chuyển container từ Thượng Hải tới Rotterdam. Nguồn: Bloomberg
Volkswagen AG bị buộc phải giảm kế hoạch sản xuất tại nhà máy sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới ở Đức và cảnh báo sự gián đoạn nguồn cung có thể lan rộng trên toàn cầu. Trong khi đó, Honda Motor đang giảm bớt sản lượng tại 5 nhà máy ở Bắc Mỹ giữa lúc gặp khó khăn trong quá trình sản xuất chip dành cho lắp ráp xe hơi.
“Sự tắc nghẽn về phía cung dường như đang trầm trọng hơn tại Mỹ và châu Âu – nơi thời gian giao hàng lại bị kéo giãn”, Rob Subbaraman, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Nomura Holdings, cho hay. “Điều này tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất công nghiệp ở phương Tây và có thể dẫn tới sự giảm mạnh của hàng tồn kho, đồng thời gây áp lực tăng giá hàng hóa”.
Càng làm trầm trọng thêm cho tình trạng mất cân bằng hiện tại là các vấn đề vận chuyển trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và y tế. Hiện tại, các công ty trong hai lĩnh vực này đang đối mặt với tình trạng không có container rỗng để vận chuyển linh kiện và thành phẩm ra khỏi Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và các cường quốc xuất khẩu khác của châu Á.
Nerijus Poskus, Phó Chủ tịch phụ trách đường biển toàn cầu tại công ty vận chuyển hàng hóa Flexport ở San Francisco, thừa nhận thế giới cần thêm 500,000 container 20 feet (đủ để khỏa lấp 25 chiếc tàu vận chuyển lớn nhất) để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Trong khi đó, giá thuê container tiêu chuẩn trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương đã tăng gấp 4 lần so với 1 năm trước. Và đó là trước khi tính tới phụ phí thiết bị và phí bảo hiểm.
“Bất kỳ ai thanh toán hóa đơn vận chuyển trong năm 2020 đều biết chi phí vận chuyển thực sự đã tăng quá mạnh”, ông Poskus cho biết. “Chúng tôi cho rằng tình trạng này chỉ có trầm trọng hơn trong năm 2021”.
Chỉ vài tuần trước, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển từ Singapore cho tới Los Angeles và Rotterdam đang tạo “những cơn đau đầu” trong ngắn hạn và làm gia tăng chi phí trong mùa cao điểm. Hiện tại, “cơn gió ngược” này có thể hãm phanh đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.
Kéo giảm nhu cầu
Điều này là do những rắc rối từ chuỗi cung ứng giờ đã tác động tới hoạt động của doanh nghiệp. Họ buộc phải giảm bớt sản lượng hoặc để lại cho các nhà sản xuất phần hàng hóa chưa được thanh toán, đồng thời kéo giảm lượng hàng tồn kho và dòng tiền. Ở một số trường hợp, sự gián đoạn nguồn cung cũng kéo giảm nhu cầu: Một số nhà máy than phiền họ không thể nhận thêm đơn hàng mới cho tới khi tình trạng tắc nghẽn được giải quyết.
Nằm trong số những người cảm nhận rõ nỗi đau đó là Sidney Yu – chủ sở hữu Prime Success Enterprises có trụ sở ở Hồng Kông. Công ty của ông đang sản xuất sản phẩm giáo dục và giải trí, trong đó bao gồm lều cho trẻ em và bồn tắm cho vật nuôi. Tháng trước, ông đã đặt 2 container để vận chuyển hàng hóa từ Diêm Điềm (Thâm Quyến) tới châu Âu trong tháng trước. Nhưng giờ thì hãng tàu vừa báo lại với ông rằng ông chỉ có thể thuê một container rỗng.
“Khi chúng tôi tới các trạm container để thuê container rỗng, họ đều nói ‘xin lỗi, hiện nay chẳng còn container nào cả, tất cả đều đang được sử dụng’”, ông Yu cho biết. “Chúng tôi chưa từng chứng kiến cảnh này trước đây”.
Trước đây, giá thuê container rỗng để vận chuyển xuyên Thái Bình Dương chỉ có 2,000 USD. Nhưng hiện nay, giá thuê container trước Tết Nguyên Đán (giữa tháng 2/2021) đã tăng vọt lên 13,000 USD, ông nói.
Dù rằng hầu hết chuyên viên phân tích dự báo tình trạng tắc nghẽn sẽ kéo dài trong suốt quý 1/2021, nhưng tình trạng này sẽ gây ra nhiều chi phí kinh tế trong dài hạn cho cả người tiêu dùng hoặc biên lợi nhuận của các công ty, khi giá vận chuyển cao hơn được xét tới trong các hợp đồng hàng năm với các hãng vận tải.
“Chúng tôi biết áp lực giá vận chuyển sẽ vẫn còn đó và sẽ tính tới yếu tố này trong kế hoạch tương lai”, Mark Tritton, Tổng Giám đốc của Bed Bath & Beyond, cho biết trong tuần trước.
Bất ổn về nguồn cung
Giá thuê container tăng mạnh “có thể tác động tới phần còn lại của năm 2021”, ngay cả khi sự gián đoạn hiện tại được giải quyết, Chris Rogers, Trưởng bộ phận phân tích thương mại tại Panjiva, cho hay. “Trước tình cảnh chi phí vận chuyển tăng mạnh, các công ty hoặc phải tự gánh chịu (từ đó làm giảm lợi nhuận) hoặc chuyển chi phí đó sang khách hàng”.
Thông thường, giá thuê container giảm 15-20% sau Tết Nguyên đán, nhưng “điều này có thể không diễn ra trong năm nay vì vẫn còn quá nhiều lượng hàng tồn đọng cần phải giải quyết”.
Hiện tại, hoạt động sản xuất được kỳ vọng là lực kéo chính thúc đẩy đà hồi phục kinh tế toàn cầu khi xét tới tình cảnh khó khăn của ngành du lịch và nhà hàng khách sạn trong bối cảnh Covid-19. Tháng này, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng đà hồi phục từ cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ yếu hơn dự báo trước đó.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng Thế giới. Nguồn: Bloomberg
WB cũng hạ dự báo tăng trưởng khối lượng thương mại toàn cầu xuống 5% trong năm 2021, sau đà giảm 9.5% trong năm 2020.
Dù vậy, vẫn còn đó nhiều lý do để tỏ ra lạc quan. Trung Quốc vừa ghi nhận tỷ trọng kỷ lục trong hoạt động thương mại thế giới trong năm trước và kim ngạch xuất khẩu Đài Loan tiếp tục hồi phục ở mức hai con số trong tháng cuối năm 2020.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 12/2020 của Hàn Quốc tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 2 năm. HMM – hãng vận tải lớn nhất của xứ sở kim chi – vừa bổ sung thêm tàu cho tuyến vận chuyển tới Mỹ và sẽ bổ sung thêm tàu cho tuyến vận chuyển tới châu Âu sau đó trong tháng này.
Công suất bổ sung thực sự rất cần thiết để hỗ trợ các công ty nhỏ bị tác động rất mạnh từ đại dịch. Hiệp hội Giao nhận Kho vận châu Âu (EFFA) và Hội đồng các công ty vận tải châu Âu đã gửi một lá thư tới các nhà điều hành ở Brussels trong tháng này, trong đó cảnh báo về tình trạng doanh nghiệp phá sản nếu thị trường vận tải không tái cân bằng trở lại.
Ở châu Á, tình huống này chưa bao giờ xảy ra với Kenway Lam – chủ công ty sản xuất máy móc đóng gói ở Hồng Kông. Tháng trước, ông đã lên kế hoạch vận chuyển hàng tới một khách hàng ở Uruguay theo một hợp đồng đã ký từ vài tháng trước đó.
Vào phút chót, ông Lam nhận thông báo không còn container rỗng.
“Tình cảnh hiện tại giống với việc mua vé xem buổi trình diễn ca nhạc, bạn không thể đặt hàng trước và cũng chẳng thể mua online”, ông Lam, Giám đốc điều hành tại Kizui Packaging Machinery, cho hay. “Một khi có container, họ sẽ đưa ra một mức giá khiến bạn bất ngờ. Bạn có thể nhận hoặc container đó sẽ chuyển cho người khác”.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận