Sự phát triển của truyền thông mới "lấn át" các Đài truyền hình
Sự phát triển của Internet và truyền thông mới đang làm thay đổi căn bản thị trường truyền thông mà chúng ta vốn quen thuộc nhiều thập kỉ qua. Có lẽ đây chính là sự đang bắt đầu của một thời kì chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển của báo chí nói chung cũng như truyền hình nói riêng trên bình diện toàn cầu.
- Loại hình báo điện tử ở Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về an toàn thông tin
- Cơ quan báo chí cần sớm áp dụng những biện pháp an ninh mạng
- Nền tảng OTT là xu thế tất yếu đối với các Đài địa phương trong thời đại 4.0
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: An toàn thông tin là trách nhiệm của mỗi cơ quan
Cũng chưa bao giờ các đài truyền hình và cả nền công nghiệp truyền hình lại đứng trước thách thức to lớn như hiện nay. Sự lấn lướt của truyền thông mới và Internet đang thực sự làm suy giảm tác động ảnh hưởng xã hội của truyền hình, tác động mạnh tới nguồn thu và làm suy giảm tiềm lực của các đài truyền hình và tiếp theo nữa sẽ là sự suy yếu dần của đội ngũ những người làm truyền hình chuyên nghiệp ở tất cả các đài truyền hình có thương hiệu và uy tín. Do đó, việc đề ra chiến lược để đối phó với mối nguy cơ đó đang là vấn đề sống còn đối với tất cả các đài truyền hình trên thế giới và trong khu vực.
Giao diện Website Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình.
Truyền thông mới lấn át truyền hình
Các đài truyền hình vốn bao lâu nay đã phải cạnh tranh với nhau quyết liệt và sắp tới đây lại càng gay gắt hơn, nay lại phải đối mặt với sự cạnh tranh về ảnh hưởng xã hội, về nguồn thu quảng cáo với một đối thủ mạnh hơn và nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Lời giải cho bài toán này không dễ một chút nào và đang làm đau đầu tất cả các đài truyền hình lớn trên thế giới.
Thị trường quảng cáo truyền hình dù vẫn còn chiếm tỉ trọng khá cao, nhưng nếu so với trước thì đang ngày càng sụt giảm mạnh. Nếu nhìn ra các nước trên thế giới thì xu hướng này đã rất rõ. Theo một đánh giá ở Mỹ, đến năm 2018, thị phần quảng cáo của Internet ở nước này chiếm tới 39%, vượt thị phần truyền hình chỉ còn 30%.
Còn ở nước ta, chỉ trong hai năm qua, các nhà đầu tư quảng cáo đang cắt giảm ngày càng lớn cho thị phần truyền hình để chuyển sang Internet và các phương tiện truyền thông mới.
Các đánh giá và dự báo đều cho thấy, tương lai của truyền hình là nằm ở Internet và đến khoảng giữa thập kỉ sau sẽ không còn khái niệm truyền hình quen thuộc như chúng ta vẫn hiểu, thậm chí còn sớm hơn.
Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ đang làm đảo lộn trật tự của một xã hội thông tin truyền thông đã được thiết lập từ bao thập kỉ và chính nó cũng đang làm thay đổi triệt để tư duy, cách thức hành động của những người làm truyền hình trên thế giới. Kỷ nguyên số hôm nay khác căn bản so với xã hội thông tin đã biết từ trước tới nay.
Sự phát triển của công nghệ truyền thông đã tạo cho báo chí, xuất bản một hướng đi mới, đó là tích hợp các phương tiện truyền thông (các phương tiện, thiết bị truyền thông và các kênh thông tin đại chúng được tích hợp lại với nhau, cho phép người sử dụng có thể liên lạc với bất kỳ ai, khi họ ở bất cứ nơi đâu và theo thời gian thực.
Nhu cầu thông tin của người dùng mới trong xã hội hiện đại với sự bùng nổ của công nghệ ngày càng có những yêu cầu cao hơn đối với nội dung cũng như chất lượng thông tin.
Một tờ báo in với những bài viết dài, những chương trình PT-TH hay buộc khán thính giả phải ngồi chờ đợi, nay đã không còn phù hợp. Một hình thức truyền thông mới cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản là sự lựa chọn của lớp công chúng mới.
Theo đại diện Viện Chiến lược TT&TT, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ASEAN với 92% người xem video trực tuyến mỗi tuần, kế đến là Philippines với 85%, Indonesia với 81%.
Trong vòng 4 năm, tỉ lệ xem video trực tuyến trên smartphone đã tăng từ 10% lên 64%. Có đến 97% người Việt Nam được phỏng vấn nói rằng họ dùng dịch vụ “video theo yêu cầu” để xem phim, 90% xem chương trình giải trí, 89% xem tin tức từ các kênh địa phương, 87% xem ca nhạc, 84% xem phim nước ngoài.
Công chúng hôm nay ngày càng bị phân tâm bởi nhiều hình thức cung cấp thông tin động, hấp dẫn, tiếp cận trên toàn bộ các giác quan, cảm quan: đọc nghe, nhìn, đối thoại, tham gia trực tiếp ... tương lai của báo chí đang thay đổi dữ dội bởi các khả năng khác nhau để truyền tải thông tin nóng đến người đọc.
Sự phát triển của công nghệ Internet, số hóa đã thay đổi công chúng phát thanh, truyền hình. Từ việc các đài phát thanh, truyền hình quyết định cho thính giả, khán giả nghe gì, xem cái gì; nghe, xem khi nào và như thế nào, thì đến nay, công chúng phát thanh, truyền hình đã chuyển sang vai trò chủ động, kiểm soát, lựa chọn cái mình muốn nghe, xem.
Một số Đài truyền hình đang xây dựng hệ thống sản xuất thông tin đa phương tiện để phục vụ công tác truyền thông và sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông đáp ứng nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước; tăng cường sự chỉ đạo, định hướng xã hội và tăng cường quản lý thông tin trên mạng xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ báo chí truyền thông trong tình hình mới.
Ứng dụng VTVGiaitri của Đài Truyền hình Việt Nam.
Cùng với xu hướng đó, từ vài năm qua, Các nhà Đài tại Việt Nam đã xây dựng và phát lại các chương trình phát thanh, truyền hình thông tin trên website. Cùng với đó là xây dựng, phát triển, cung cấp các nội dung thông tin phát thanh, truyền hình cho người sử dụng dựa trên nền tảng internet qua các giao thức internet và theo yêu cầu (VOD) với truyền hình OTT trên thiết bị di động có kết nối internet.
Tiêu biểu như một số ứng dụng OTT của Đài truyền hình lớn ở Việt Nam: VTVgo; VTV giải trí; VTCNow, VOV ... và một số Đài địa phương: Vĩnh Long, Hồ Chí Minh, Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An...
Ứng dụng OTT - Đài PTTH Thái Nguyên, Đài PTTH Nghệ An.
Người xem truyền hình dành nhiều thời gian để xem các video online gấp đôi so với các khán giả xem truyền hình truyền thống. Việc chuyển sang số hóa giúp định vị lại vai trò của phát thanh, truyền hình, nó không chỉ tạo ra khó khăn, thách thức mà nó còn mang lại rất nhiều cơ hội mới và lớn.
Sự phát triển của Internet và việc thay đổi cách thức truy cập vào nhiều nguồn phương tiện truyền thông đã bắt buộc các nhà Đài, các công ty truyền thông phải tiến hành tìm hiểu sâu hơn, nghiên cứu kỹ hơn về cách công chúng sử dụng các công nghệ truyền thông mới, về cách họ tiếp cận và tương tác với các nội dung phát sóng của các đài phát thanh, truyền hình trực tiếp trong thời gian tới.
Các Đài truyền hình cũng đã bước đầu xây dựng, phát triển, cung cấp các nội dung thông tin phát thanh, truyền hình với nhiều loại công cụ tiện ích mang tính ứng dụng cao như: Live Broadcasting (truyền tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp đến người sử dụng), mạng xã hội (Facebook, Youtube, Lotus...)...
Xu hướng tiêu thụ thông tin của người dân đã và đang thay đổi nhanh chóng do khả năng kết nối dễ dàng vào mạng internet với thông tin tràn ngập hàng ngày; Hàng trăm kênh truyền hình quốc tế qua cáp; hàng loạt kênh truyền thanh tiếp cận người đọc mỗi ngày mỗi giờ.
Xu hướng này rõ ràng là phù hợp xã hội, do vậy đi theo sự phát triển này là sự lựa chọn đúng đắn của các nhà truyền thông đa phương tiện sẽ giúp cho công chúng dễ dàng lựa chọn hơn.
An toàn thông tin - Vấn đề sống còn trong xu thế truyền thông mới
Theo ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục ATTT, các cơ quan báo chí ngày nay ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau và cần phải bảo đảm ATTT. Công tác này cần song hành với việc chuyển đổi số của cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí truyền thông cũng thường xuyên được xem là đích ngắm của tin tặc.
Ảnh: internet
Luật An ninh mạng quy định tại Điều 26 về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng. Theo đó, Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ tại Việt Nam.
Phát biểu tại Ngày an toàn thông tin năm 2019 được tổ chức ở Hà Nội tháng 11/2019 vừa qua, bộ trưởng Bộ TT&TT đã nhận định: "Mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của một cơ quan, tổ chức không nằm ở việc có bị tấn công hay không, mà nằm ở cách thức cơ quan, tổ chức đó phản ứng như thế nào sau khi bị tấn công".
Đối với hoạt động của các cơ quan báo điện tử lại càng phải đặt ra vấn đề đảm bảo an ninh thông tin là hàng đầu khi theo quy định của Luật Báo chí 2016, một trong các điều kiện tiên quyết khi cấp giấy phép hoạt động báo điện tử ở Việt Nam đó là hệ thống máy chủ của cơ quan báo chí phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng: "Nếu như trước đây khi đầu tư chúng ta thường chú trọng đầu tư cho giải pháp, thiết bị mà ít chú trọng đến con người, quy trình. Giờ đây, con người là quan trọng nhất, rồi mới đến giải pháp, thiết bị, cần bảo đảm tỉ lệ hợp lý, cân đối cả ba yếu tố này".
Vì vậy, ngay từ bây giờ các Đài, cơ quan tổ chức cần phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đảm bảo an ninh mạng trong thời kỳ mới. Đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về an toàn - an ninh thông tin - an ninh mạng theo Luật báo chí, Luật An ninh mạng.
Thủ tục hành chính cơ bản cũng là vấn đề cần quan tâm
Theo ông Lê Đình Cường- Phó chủ tịch - Tổng thư kí Hiệp hội Truyền hình Trả tiền: thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần chủ trì và phối hợp với các Bộ ngành Trung ương liên quan tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các đối tượng liên quan đến quá trình thực hiện Nghị định số 06/2016/NĐ-CP và thực tiễn phát sinh nhằm đảm bảo tính pháp lý, tính khả thi và lợi ích hợp pháp chính đáng của các đối tượng thực thi.
Các quy định của cơ quan quản lý nhà nước tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 72/2013/NĐ-CP,... thì đều chưa tìm được loại hình giấy phép phù hợp hơn cho lĩnh vực truyền hình OTT, VOD.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận