Dự án AI Việt Nam giành được 'chữ ký' hãng hàng không lớn của thế giới
Một dự án trí tuệ nhân tạo (AI) đầy táo bạo của người Việt vừa giành được chữ ký hợp tác của ANA - một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới.
- 12 dự án AI xuất sắc nhất tại Vietnam AI Grand Challenge
- AI (Artificial Intelligence) và những ứng dụng thiết thực trong cuộc sống
- AI - Chìa khoá vạn năng mở cửa tương lai công nghệ Việt Nam
Tiến sĩ Vũ Duy Thức (bìa trái) chụp hình cùng các cộng sự tại hội thảo CEATEC - Nhật Bản - Ảnh: NVCC
Nhân sự kiện AI Summit vừa diễn ra đầu tháng 11 ở TP.HCM, Tiến sĩ Vũ Duy Thức (đồng sáng lập dự án robot Newme) đã chia sẻ về thông tin đầy phấn khởi trên. Anh cho biết: "Có thể hiểu một cách đơn giản, Newme là sản phẩm robot hoạt động như một "bản sao" được điều khiển từ xa của người sử dụng.
Bằng việc robot được kết nối thông qua mạng Internet, người dùng có thể truy cập vào robot, điều khiển để có được cảm giác được đi lại, trò chuyện, nghe nhìn như là họ đang ở không gian đó.
Vì vậy mà dự án còn có tên là Avatar, giống như là bộ phim cùng tên của đạo diễn James Cameron. Sản phẩm Newme hiện nay là sản phẩm phát triển và sản xuất riêng cho ANA. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang phát triển một vài sản phẩm cho các đối tác khác".
Trong dự án có tính đột phá ANA Avatar, bạn có đề cập đến yếu tố "con người có thể dịch chuyển tức thời" và "kiến trúc môđun"?
- ANA có một tầm nhìn rất táo bạo và chiến lược. Họ tin rằng tương lai của việc đi lại không phải là di chuyển bằng máy bay nữa mà là với robot. Với một sản phẩm như Newme, người sử dụng có thể "xuất hiện" ở một nơi nào đó trên thế giới có khoảng cách hàng ngàn cây số với cảm giác họ đang thật sự ở đó.
Để hiện thực hóa được tầm nhìn này, họ cần phải phát triển sản phẩm robot Newme trong khoảng thời gian kỷ lục. Và có thể nói OhmniLabs là công ty duy nhất có thể giúp họ làm được điều này nhờ vào hai công nghệ đặc biệt là sản xuất tinh gọn và kiến trúc môđun.
Với kiến trúc môđun, chúng tôi thiết kế và phát triển robot dựa trên một thư viện phần cứng và phần mềm với các môđun riêng biệt. Những môđun này có thể kết hợp tùy biến để cho ra một sản phẩm robot mới, và kết hợp với sản xuất tinh gọn, chúng tôi có thể giảm thiểu thời gian và giá thành để sản xuất các sản phẩm này.
Bạn đã làm thế nào để có thể thuyết phục được một "ông lớn" như ANA?
- Để hợp tác cùng một công ty hàng đầu như ANA thường là một quá trình rất vất vả, mất nhiều thời gian lẫn công sức. Tuy nhiên, OhmniLabs chỉ mất ba tháng, một thời gian được xem là kỷ lục. Theo chúng tôi, lý do chính là vì OhmniLabs đã đạt được một số kết quả đáng kể từ trước, và ANA thật sự cần một đối tác như OhmniLabs có thể giúp họ phát triển Newme trong thời gian ngắn kỷ lục.
Thế giới đang phát triển với vận tốc vũ bão, những công ty lâu đời như ANA cần những công ty khởi nghiệp như OhmniLabs để có thể duy trì khả năng sáng tạo đổi mới một cách mạnh mẽ nhất.
* Việc hợp tác này có ý nghĩa như thế nào với một công ty khởi nghiệp có tuổi đời chỉ mới vài năm như OhmniLabs?
Mặc dù nước Nhật rất phát triển về robot, tuy nhiên cách tiếp cận của họ là phát triển những sản phẩm giống con người và có nhiều tính năng, nhưng giá thành lại thường rất cao cộng tốn nhiều thời gian nghiên cứu... OhmniLabs chọn cách tiếp cận của một công ty khởi nghiệp, đúng nghĩa sản xuất tinh gọn và kiến trúc môđun để có thể cho ra sản phẩm với ứng dụng thiết thực, cụ thể trong thời gian ngắn nhất và với giá thành thấp nhất.
Ngoài dự án trên, chúng tôi cũng đang phát triển những công nghệ đặc biệt để có thể tiếp tục sản xuất những sản phẩm robot tiên tiến nhất, tiếp cận nhiều thị trường khác nhau.
Đội ngũ kỹ sư của OhmniLabs chỉ mất sáu tháng cho dự án trên, vậy thử thách lớn nhất?
- Để phát triển một sản phẩm robot từ khâu thiết kế đến sản xuất thường cần ít nhất 1-2 năm. Cho nên để rút ngắn thời gian xuống còn sáu tháng, chúng tôi phải thực hiện nhiều công đoạn song song với nhau. Vừa thiết kế vừa sửa chữa, thay đổi, vừa lên kế hoạch sản xuất... Đôi khi một ngày có đến hơn 10 thay đổi mẫu mà thiết kế có thể nói gần hệt như từ đầu. Rất may mắn là chúng tôi có một đội ngũ kỹ sư tài năng và nhiệt huyết, có thể đưa ra những thiết kế hợp lý trong áp lực thời gian khủng khiếp.
Bạn có thể chia sẻ về giải thưởng "Sản phẩm tốt nhất cho xã hội 5.0" mà OhmniLabs được chọn trao tại CEATEC JAPAN? Và "5.0" có nghĩa là gì?
- Xã hội 5.0 là một dự án mới của toàn nước Nhật. Họ mong muốn sẽ có thể áp dụng những công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào mạng xã hội để có thể xây dựng một xã hội phát triển mạnh mẽ và bền vững. Họ mong muốn đưa những ứng dụng về IOT, AI, Robotics... để giúp cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn.
Và OhmniLabs đã vinh dự vượt qua rất nhiều đối thủ quốc tế, nhận được giải thưởng trên tại triển lãm công nghệ cao danh tiếng CEATEC (Nhật Bản) giữa cuối tháng 10 năm nay.
Liên tiếp đạt nhiều thành tựu
OhmniLabs là một công ty chế tạo robot có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ), tập trung vào cung cấp các giải pháp robot theo nhu cầu. Công ty được thành lập năm 2015 và được dẫn dắt bởi các chuyên gia hàng đầu về robot và khởi nghiệp công nghệ, trong đó có tiến sĩ ĐH Stanford Vũ Duy Thức, vốn là gương mặt nổi tiếng trong giới công nghệ Việt Nam.
Trước OhmniLabs, Duy Thức từng là đồng sáng lập hai công ty Katango và Tappy được Google, Weeby.co mua lại. OhmniLabs nhận được nhiều sự quan tâm, ưu ái đặc biệt tại Hoa Kỳ, từng xuất hiện trên hàng loạt kênh truyền thông uy tín như New York Times, CNBC...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận