Tìm ra cách thu được điện mặt trời ngay trong vũ trụ
Để giúp các phi hành gia có được nguồn năng lượng cần thiết duy trì hoạt động trong các sứ mệnh trên Mặt Trăng, sao Hỏa, NASA vừa công bố đã tìm ra cách thu được điện mặt trời ngay trong vũ trụ.
- Tàu vũ trụ đi nhanh như thế nào, mất bao lâu mới đến được sao hoả?
- Khám phá cách các nguyên tố nặng trong vũ trụ hình thành
- Làm thế nào để tàu vũ trụ quay về trái đất?
NASA công bố tìm ra cách in tấm thu điện mặt trời trong vũ trụ - Ảnh: NASA
Theo hãng tin Sputnik (Nga), Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết đã tìm được phương pháp nhanh chóng để sử dụng một máy in có thể tạo ra các tế bào năng lượng mặt trời, giúp các phi hành gia có được nguồn điện ổn định, tin cậy khi cần ở lại lâu hơn trên Mặt Trăng hay Sao Hỏa trong các sứ mệnh chinh phục vũ trụ sau này.
Tế bào năng lượng mặt trời là thiết bị được tạo ra từ vật liệu bán dẫn giúp chuyển đổi ánh sáng mặt trời trực tiếp thành điện. Trong buổi họp báo công bố về thành tựu mới này ngày 30-10, NASA cho biết phương pháp mới liên quan tới việc sử dụng một chất liệu có tên là perovskite.
Dự án mới này của NASA nhằm mục tiêu tạo ra những tấm pin năng lượng mặt trời có thể cung cấp điện đủ dùng cho những môi trường sống trên Mặt Trăng. "Loại vật liệu này (perovskite) là một phát minh tương đối mới, nó có nhiều lợi ích cho công nghệ điện mặt trời", thông cáo của NASA nêu.
"Perovskite không chỉ là một chất dẫn điện tuyệt vời, mà còn có thể được đưa vào vũ trụ ở dạng lỏng và sau đó in lên các khung ngay trong điều kiện trên Mặt Trăng hay Sao Hỏa, không giống với các khung silicon vốn phải được tạo ra trên mặt đất rồi sau đó mới đưa vào vũ trụ", thông cáo giải thích thêm.
Việc lắp ráp các tế bào năng lượng mặt trời trong vũ trụ cũng đòi hỏi một công nghệ mới là "electrospraying" (phun điện).
Cũng theo NASA, công nghệ in phun hoạt động tương tự như máy in phun kỹ thuật số (inkjet printer), giúp việc lắp ráp nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả. Với công nghệ này, chất perovskite được dàn thành lớp film mỏng, mỏng hơn khoảng 250 lần so với sợi tóc.
Về bản chất, perovskite là muối nên điểm bất lợi lớn nhất của nó là không có khả năng thích ứng với hơi ẩm, do đó việc sử dụng nó trên Mặt đất là khó khăn nhưng lại rất lý tưởng cho những sứ mệnh trong vũ trụ.
Mục tiêu lâu dài của NASA là tạo lập sự hiện diện dài lâu của con người trên cả Mặt Trăng lẫn Sao Hỏa.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận