Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sẽ ban hành quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm 2020
Đó là khẳng định của vị Tư lệnh ngành TT&TT trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV khi được hỏi về quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
- Australia kỳ vọng cân bằng thu nhập với Facebook, Google thông qua bộ quy tắc ứng xử
- Cha đẻ của internet công bố bộ quy tắc sử dụng ngăn chặn hành vi làm lộ thông tin cá nhân
- Những quy tắc đạo đức trong ứng dụng AI đầu tiên trên thế giới
Sáng 9/11, tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ TT&TT cân nhắc thẩm quyền ban hành. Trong tuần này, Bộ sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn trong năm 2020, Bộ quy tắc này sẽ được ký.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.
Về vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ TT&TT đã quan tâm lồng ghép trong Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
"Cụ thể, nội dung của Bộ quy tắc ứng xử đề xuất người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em. Cùng với đó, yêu cầu người sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh" vị Tư lệnh ngành TT&TT nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Đề án bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn từ năm 2020 - 2025.
Đề án đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như là một đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để phát hiện sớm và chủ động ngăn chặn ngay, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Đồng thời trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng, kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động. Hiện nay thì đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ và chắc chắn cũng sẽ được ký trong năm 2020.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về chuyển đổi số cho bà con ở vùng miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong đề án chuyển đổi số mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, chuyển đổi số cho vùng sâu, vùng xa được coi là ưu tiên. Vì với chuyển đổi số thì chỗ nào càng khó khăn, chỗ đó chuyển đổi số càng phát huy hiệu quả, cho nên chuyển đổi sổ thì nên bắt đầu từ nơi khó.
Thứ nhất, về hạ tầng viễn thông, Bộ đang chỉ đạo phải phủ sóng để tất cả bà con vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa phải có sóng 3G, 4G, 5G có thể truy cập được Internet.
Về hạ tầng thanh toán điện tử, trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho thí điểm Mobile banking để cho bà con vùng sâu xa không có thẻ ngân hàng có thể thực hiện thanh toán điện tử được. Bà con vùng sâu, vùng xa có cái khó khăn nữa là không có máy điện thoại thông minh.
Vì thế, hiện nay, có chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất hiện và nhà mạng Viettel hỗ trợ bán điện thoại thông minh với giá khoảng 600.000 - 700.000 đồng/máy để hỗ trợ bà con.
Trong chuyển đổi số cho bà con vùng miền núi thì ưu tiên đầu tiên là giáo dục, đặc biệt là giáo dục trực tuyến, để cho con em ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được bài giảng chất lượng cao và những giáo viên giỏi nhất hiện nay.
Tiếp theo là vấn đề y tế. Vùng sâu, vùng xa rất ít bác sĩ cho nên hệ thống khám, chữa bệnh từ xa sẽ được triển khai cho bà con. Về thương mại điện tử, hiện nay các sàn giao dịch để bà con có thể bán được nải chuối, quả cam của mình thì đã sẵn sàng để bà con có thể bán được với giá cao.
“Vừa qua, Bộ TT&TT đã triển khai thí điểm một số xã thông minh ở vùng sâu, vùng xa với các nội dung như tôi vừa trình bày ở trên. Cuối năm 2020 này, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết triển khai thí điểm xã thông minh và sau đó thì nhân rộng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận