Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Cyprus cấm nhập cảnh đối với du khách không khai báo y tế trực tuyến
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, sau khi mở cửa các đường bay thương mại quốc tế nhưng để đảm bảo an toàn dịch bệnh, Cyprus đã thực thi các quy định cứng rắn cấm nhập cảnh đối với hành khách nếu không thực hiện khai báo trực tuyến trước khi khởi hành.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Bệnh nhân có thể mất khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 sau 90 ngày
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong 24h qua
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: EU đững trước nguy cơ tan vỡ nếu không kịp thời ngăn chặn
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, Cyprus đã phát đi cảnh báo sẽ phạt hoặc từ chối cho phép các hành khách không hoàn tất khai báo nhập cảnh trực tuyến vào nước này nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Động thái trên diễn ra sau khi một du khách cung cấp thông tin sai về lịch trình đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Khai báo nhập cảnh trực tuyến là một phần trong nỗ lực của nhà chức trách Cyprus nhằm khống chế dịch bệnh mà vẫn cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh để thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng. Bản khai này cần được hoàn tất 24 giờ trước khi khởi hành, bất kể du khách tới từ nước nào.
Để cứu cánh cho ngành kinh tế chủ lực là du lịch, giới chức Cyprus đã phải mở cửa các đường bay quốc tế cùng với các biện pháp mạnh để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19.
Bộ Giao thông Cyprus nêu rõ nếu không có giấy tờ hợp lệ, khách nhập cảnh sẽ có 2 lựa chọn, một là vào nước này và nộp phạt 300 euro (340 USD), hoặc là quay về điểm xuất phát.
Cyprus đã dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay thương mại vào ngày 9/6 vừa qua. Đa số các ca nhiễm mới tại Cyprus đều nằm trong số những du khách nhập cảnh. Cyprus đã chia các nước thành 3 nhóm theo tình hình dịch bệnh. Nhóm A gồm Đức, Hy Lạp và Áo được xem là có nguy cơ thấp.
Du khách từ nhóm B, gồm những nước có nguy cơ cao hơn như Pháp, Tây Ban Nha, phải cung cấp giấy chứng minh âm tính với virus trong vòng 72 giờ trước khởi hành, nếu không sẽ phải tiến hành xét nghiệm ngay tại sân bay.
Các nước còn lại thuộc nhóm C, nhóm có nguy cơ cao nhất. Phần lớn công dân Cyprus tới từ các nước thuộc nhóm C mới được nhập cảnh và phải tự cách ly khi về nước.
Với tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 thấp nhất tại châu Âu tính theo đầu người, Cyprus tuyên bố nước này là một điểm đến nghỉ dưỡng an toàn. Cyprus hiện có tổng cộng 1.022 ca nhiễm và 19 ca tử vong do COVID-19, với hơn 10% dân số đã được xét nghiệm.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 14/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 13.276.127 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 576.524 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 7.747.159 người.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 3.481.680 ca nhiễm và 138.291 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Brazil với 1.888.889 ca nhiễm và 72.950 ca tử vong.
Tại châu Âu, Chính phủ Anh yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi đến các cửa hàng và siêu thị ở vùng England từ tuần tới để kiềm chế tốc độ lây lan dịch bệnh.
Quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 24/7. Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, chính phủ đã bác khả năng áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại tất cả các địa điểm trong nhà và ngoài trời nếu quy định khoảng cách an toàn được đảm bảo.
Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 13/7, tất cả đều là các ca nhập cảnh trong khi không có thêm ca tử vong nào.
Tính đến hết ngày 13/7, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 83.605 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong. 78.674 bệnh nhân đã được chữa khỏi và xuất viện.
Trong khi đó, Chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) sẽ áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội mới từ nửa đêm 14/7. Cụ thể, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng; các nhà hàng sẽ không được phục vụ khách ăn tại nhà hàng mà chỉ được giao hàng cho khách đặt mang về sau 18h.
Tại Hàn Quốc, trong ngày 14/7, nước này đã có thêm 33 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 13.512 ca. Số ca tử vong vẫn ở mức 289 ca, chiếm 2,14%.
Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết mặc dù các ca lây nhiễm theo cụm ở thành phố Seoul và các khu vực lân cận đã giảm trong những ngày gần đây, song điều đáng lo ngại là lây lan theo cụm đang gia tăng ở khu vực miền Trung và Tây Nam Hàn Quốc.
Ở Nhật Bản, chính phủ thông báo sẽ thành lập các trung tâm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm PCR tại các sân bay của nước này trong thời gian tới nhằm triển khai các biện pháp nới lỏng đi lại quốc tế.
Tại thủ đô Tokyo, chính quyền kêu gọi hơn 800 người xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau khi nhà chức trách phát hiện 20 người trong số khán giả và diễn viên tham gia buổi trình diễn kịch "Werewolf" tại nhà hát Moliere ở quận Shinjuku, nhiễm loại virus gây bệnh COVID-19.
Tại Ấn Độ, thành phố Bangalore, Pune đã tái áp đặt lệnh phong tỏa sau khi số ca nhiễm mới tăng nhanh. Ấn Độ hiện có tổng cộng 912.570 ca nhiễm và 23.798 ca tử vong do COVID-19.
Tại Campuchia, Bộ Y tế thông báo đã phát hiện thêm 9 ca nhiễm mới trong ngày 13/7, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 165 ca, trong đó 133 ca đã khỏi bệnh.
Tại Singapore, Bộ Y tế thông báo có thêm 322 ca nhiễm mới trong ngày 13/7, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 46.283 ca. Số ca tử vong tại Singapore hiện là 26 người.
Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết nước này và quốc gia láng giềng Singapore nhất trí sẽ áp dụng cơ chế "Làn đường xanh đối ứng" (Reciprocal Green Lane - RGL) và "Thỏa thuận đi lại định kỳ" (Periodic Commuting Arrangement - PCA) nhằm giải quyết nhu cầu đi lại vì mục đích kinh doanh thiết yếu và công vụ giữa hai nước. Những người đủ điều kiện qua lại biên giới theo RGL sẽ phải tuân thủ các quy định y tế phòng chống dịch phổ biến hiện nay được hai bên thống nhất.
Tại Philippines, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 634 ca mắc COVID-19 và 6 người tử vong. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này là 57.545 ca, trong đó có 1.603 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia thông báo đã ghi nhận thêm 1.591 ca mắc COVID-19 và 54 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 78.572 ca và 3.710 ca.
Đáng chú ý, một "ổ dịch" lớn đã được phát hiện tại Đài Phát thanh quốc gia Indonesia (RRI), chi nhánh Surabaya, tỉnh Đông Java, với 57 phóng viên có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 3 người tử vong.
Tại Thái Lan, chính phủ đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với các nhà ngoại giao nước ngoài và các đại diện kinh doanh đặc biệt, trong bối cảnh 2 người nước ngoài mắc COVID-19 nhập cảnh vào nước này có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 3.227 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 ca tử vong.
Tại Australia, các bang của Australia đã quyết định siết chặt các hạn chế đi lại, sau khi số ca mắc bệnh mới tại bang Victoria - "điểm nóng" COVID-19 của Australia, tăng cao, bất chấp việc chính quyền bang này đã áp đặt trở lại biện pháp phong tỏa đối với gần 5 triệu người dân ở thủ phủ Melbourne.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận