Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Giới chức Thuỵ Sĩ được khuyến cáo cần xét nghiệm đối với trẻ em
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, trước bối cảnh về số lượng trường học bị cách ly do có học sinh bị nhiễm virus SARS-CoV-2 khiến các chuyên gia dịch tễ học phải đưa ra khuyến cáo giới chức Thuỵ Sĩ cần phải tăng cường xét nghiệm phòng dịch cho trẻ em nước này.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Hàn Quốc thông qua gói ngân sách hỗ trợ thứ tư trị giá 5,9 tỉ USD
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Bóng đá Italy tiếp tục thi đấu không khán giả ở mùa giải mới
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Dùng đèn giao thông cảnh báo dịch bệnh theo khu vực
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, GS. Isabella Eckerle, chuyên gia virus học tại Trung tâm các bệnh do virus mới nổi ở Geneva, Thụy Sĩ, mới đây kêu gọi tăng cường xét nghiệm và bắt buộc đeo khẩu trang đối với trẻ nhỏ tại các trường học. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh số lượng các lớp học bị cách ly do có học sinh mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tăng lên.
Tuần trước, các học sinh tại 2 lớp học ở bang Aargau, miền Bắc Thụy Sĩ, đã được cho về nhà sau khi 3 học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và hai lớp tiểu học ở bang Geneva cũng được đưa vào diện cách ly.
Trong khi đó tại bang Zurich, có thông tin cho rằng 46 học sinh đã có kết quả xét nghiệm dương tính kể từ khi học kỳ bắt đầu cách đây 3 tuần và 254 em được đưa vào diện cách ly.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Giới chức Thuỵ Sĩ được khuyến cáo cần xét nghiệm đối với trẻ em.
Trước thực tế trên, các chuyên gia Thụy Sĩ đã bày tỏ lo ngại về sự lây truyền virus SARS-CoV-2 từ trẻ em. Hiện nhà chức trách Thụy Sĩ không coi trẻ dưới 12 tuổi là một nhân tố làm lây truyền dịch bệnh COVID-19 và các em không được kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Giáo sư Eckerle nhấn mạnh vấn đề hiện nay là không có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa trẻ em và virus SARS-CoV-2. Theo bà, chúng ta không nên cho rằng trẻ em không thuộc nhóm nguy cơ gây bệnh khi biết rằng nếu trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2, tải lượng virus của các em cũng cao như người trưởng thành.
Giáo sư Eckerle cho rằng nên tiến hành xét nghiệm cho trẻ, tương tự như với người trưởng thành. Đây là cách duy nhất để có thể tìm ra các biện pháp hữu ích nhằm giảm thiểu số lượng người mắc COVID-19, nhất là ở thời điểm mùa Đông.
Chia sẻ quan điểm này, nhà dịch tễ học Christian Althaus tại Bern cũng cho rằng nên tăng cường xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 ở trẻ nhỏ.
Theo trang thống kê worldometer.info, cập nhật đến 22h ngày 7/9 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 27.339.092 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 893.797 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân bình phục là 19.412.262 người. Trong số 7.033.033 người đang điều trị, có 60.047 ca đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 6.464.053 ca nhiễm, trong đó có 193.266 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 4.224.014 ca nhiễm và 71.844 ca tử vong; Brazil với 4.137.606 ca nhiễm và 126.686 ca tử vong
Tại Mỹ, số ca mắc COVID-19 mới lại gia tăng tại 22 trên tổng số 50 bang của nước Mỹ, do các gia đình tụ họp và nhiều sự kiện diễn ra trong dịp nghỉ lễ Ngày lao động vào cuối tuần qua.
Mới 3 tuần trước, số ca mắc COVID-19 chỉ tăng tại 3 bang gồm Hawaii, Illinois và Dakota Nam. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này đã mở rộng ra 22 bang, phần lớn ở khu vực ít dân cư ở miền Nam và Trung Tây.
Theo các chuyên gia y tế, trong khi số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Mỹ đã giảm từ mức đỉnh ghi nhận vào tháng 7, thì nước này bước vào kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động vào cuối tuần qua với số ca mắc trung bình mỗi ngày là 44.000 ca, gấp đôi so với kỳ nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm hồi tháng 5 vừa qua.
Cùng ngày, Cơ quan y tế cộng đồng Canada (PHAC) cho hay nước này đã ghi nhận tổng cộng 131.495 ca nhiễm, trong số này có 9.143 ca tử vong, với xu hướng số ca mới gia tăng trong nhóm người trẻ tuổi. Theo PHAC, trong nhiều tuần qua, số bệnh nhân COVID-19 dưới 40 tuổi chiếm tới 62% trong tổng số ca mới.
Trong số này, nam giới và phụ nữ ở độ tuổi từ 20-29 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất với mức trung bình lần lượt là 10,7 trường hợp và 11,4 trường hợp trong mỗi 100.000 người.
Tiếp đó là nhóm người ở độ tuổi từ 30-39 tuổi. PHAC cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do việc nhiều người trẻ tập trung các điểm ăn uống và cửa hàng bán lẻ.
Trong khi đó tại Cuba, chính quyền tỉnh Ciego de Avila quyết định đóng cửa trở lại các trường học do phát hiện ổ dịch COVID-19 mới. Theo đó, 75 trong tổng số 90 trường học ở địa phương này khôi phục việc học trực tuyến từ ngày 7/9. Cuba mới mở cửa trường học trở lại từ ngày 1/9 sau 6 tháng đóng cửa do dịch COVID-19.
Hiện Cuba vẫn áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô La Habana - ô dịch lớn nhất của nước này. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Cuba vào tháng 3 đến nay, tổng số bệnh nhân ở quốc gia Caribe đã lên tới 4.309 ca, trong đó có 100 ca tử vong.
Tại châu Âu, Anh ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ tháng 5 với 2.988 ca. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Anh đã lên tới 41.551 ca - cao nhất châu Âu.
Anh đang là một trong những nước châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh sau thời gian gỡ bỏ biện pháp phong tỏa triển khai thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 5. Điều đáng quan ngại hiện tại là thời điểm học sinh ở nước này trở lại trường học, từng bước khôi phục trạng thái bình thường hóa ở nước này trong thời kỳ dịch bệnh.
Trong khi đó, giới chức Pháp đã đưa thêm 7 tỉnh có các thành phố lớn như Lille, Strasbourg và Dijon vào danh sách những khu vực báo động cao do dịch COVID-19.
Trong một thông báo, Chính phủ Pháp cho biết trong số 101 tỉnh và vùng hải ngoại của nước này, có 28 tỉnh hiện bị coi là "vùng đỏ" của dịch COVID-19, theo đó nhà chức trách địa phương có thể áp đặt các biện pháp đặc biệt để giảm số ca mắc mới mỗi ngày.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Pháp ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày 4/9 ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, với gần 9.000 ca. Trong khi đó, ngày 5/9 cũng chứng kiến hơn 8.500 ca mới và tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng lên 4,7%.
Theo giới chức y tế Pháp, nước này phát hiện thêm 7.071 ca mắc COVID-19, giảm so với hai ngày trước đó. Như vậy, Pháp hiện có tổng cộng 324.777 ca mắc COVID-19, trong đó có 30.701 ca tử vong.
Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Israel từ ngày 7/9 áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại 40 thành phố và thị trấn có số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Lệnh giới nghiêm áp đặt từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau, theo đó người dân chỉ được phép ra khỏi nhà trong bán kính 500 m và chỉ các cửa hàng thiết yếu mới được phép mở cửa. Bên cạnh đó, việc tụ tập quá 10 người ở không gian trong nhà và 20 người ở không gian ngoài trời cũng bị cấm. Các trường học và mẫu giáo tạm thời đóng cửa.
Các thành phố và thị trấn nói trên là những địa phương bị coi là "vùng đỏ" của dịch COVID-19, mức cao nhất trên thang cảnh báo 4 cấp độ gồm đỏ, cam, vàng, xanh lá của Chính phủ Israel.
Cùng ngày, Maroc đã áp đặt lệnh phong tỏa thành phố Casablance và đóng cửa trường học trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Giới chức Maroc cho biết các biện pháp mới này trong đó có hạn chế đi lại và áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm sẽ có hiệu lực trong hai tuần tại thủ phủ thương mại của nước này. Giới chức nước này cũng quyết định đóng cửa các cơ sở giáo dục, trong đó có trường tiểu học cơ sở, trung học cơ sở, phổ thông trung học và đại học.
Động thái này diễn ra sau khi các nhà dịch tễ học bày tỏ lo ngại việc bắt đầu niên học mới có thể làm gia tăng số ca nhiễm, trở thành mối đe dọa đối với hệ thống y tế của nước này vốn đang "gồng mình" để đối phó với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, mọi cửa ngõ ra vào các thành phố lớn ở Maroc đều phải đóng cửa từ giữa trưa, việc đi lại chỉ được thực hiện với sự "cấp phép đặc biệt" của giới chức địa phương.
Maroc ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trong những tuần gần đây. Riêng ngày 6/9, nước này có thêm 2.234 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục tính theo ngày, với 42% trong số này là ở Casablanca. Theo giới chức Maroc, nguyên nhân là do người dân không tuân thủ các quy định phòng.
Casablance cùng với thành phố Marrakesh đã bị áp đặt một loạt các biện pháp hạn chế cách đây 3 tuần, trong đó có đóng cửa bãi biển và rút ngắn thời gian kinh doanh. Kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào đầu tháng 3, đến nay Maroc ghi nhận 72.394 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.361 ca tử vong.
Tại châu Á, Hàn Quốc ngày 7/9 ghi nhận số ca nhiễm mới đã giảm xuống mức thấp nhất sau 24 ngày tái bùng phát dịch trong cộng đồng, với 119 ca, trong đó có 108 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, xu hướng lây lan virus SARS-CoV-2 ở nước này đang có chiều hướng chững lại, nhưng vẫn phát sinh một số ca lây nhiễm rải rác. Ngoài ra, tỷ lệ những ca nhiễm không rõ nguồn lây vẫn chiếm trên 20%.
Do khó kiểm soát hoàn toàn các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng rõ ràng cũng như các ca nhiễm đang trong thời gian ủ bệnh, Chính phủ Hàn Quốc khuyến cáo người dân nên hạn chế di chuyển, như về thăm quê hoặc gia đình, trong dịp nghỉ lễ Tết Trung thu sắp tới.
Ngoài ra, người dân cũng được khuyến cáo hạn chế đi viếng mộ hoặc thăm các cơ sở lưu giữ tro cốt, thay vào đó nên sử dụng dịch vụ viếng trực tuyến được cung cấp trên "Hệ thống thông tin dịch vụ tang lễ eHaneul", bắt đầu hoạt động từ ngày 21/9 tới.
Vé tàu hỏa cũng sẽ chỉ được bán hạn chế, ở mức 50% tổng số ghế/toa, và sẽ ưu tiên những chỗ ngồi gần cửa sổ. Hành khách cũng được khuyến cáo chỉ nên đặt mua vé cho những chỗ ngồi cạnh cửa sổ trên xe khách và xe buýt liên tỉnh.
Cùng ngày, Malaysia ghi nhận thêm 62 ca nhiễm mới, cao gấp 10 lần so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số ca mắc cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 4/6.
Cục Nhập cư Malaysia đã công bố danh sách 23 quốc gia có công dân bị cấm nhập cảnh nước này kể từ ngày 7/9. Đây là những quốc gia có số người nhiễm vượt quá 150.000.
Với quy định trên, những người có giấy phép cư trú dài hạn tại Malaysia, trong đó có những người thuộc diện “Malaysia – Ngôi nhà thứ hai của tôi” (tức những người đã mua nhà tại Malaysia), chuyên gia, người làm việc dài hạn, người kết hôn với công dân Malaysia và học sinh, sinh viên theo học tại Malaysia, đến từ 23 nước trên đều bị cấm nhập cảnh quốc gia Đông Nam Á này.
Tuy nhiên, một số trường hợp như người mang hộ chiếu ngoại giao hay những trường hợp thực sự khẩn thiết, được Chính phủ Malaysia cho phép, sẽ được nhập cảnh.
Nhiều nước khác ở Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới như Philippines với 1.383 ca nhiễm, Indonesia 2.880 ca nhiễm, Myanmar 166 ca nhiễm mới...
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận