Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Olympic Tokyo 2020 sẽ được tổ chức đơn giản hoá
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, IOC đã thống nhất việc tổ chức Olympic Tokyo theo phương thức đơn giản hoá để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ lây lan dịch bện cũng như giảm bớt gánh nặng tài chính cho nước chủ nhà.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Vì Olympic Nhật Bản đặt ra thời hạn lưu hành vaccine trong tháng 6/2021
- Chuyện thật như đùa, thu gom 6 triệu chiếc điện thoại cũ để làm huy chương Olympic
- Olympics Tokyo 2020 bị lùi sang 2021 không nằm ngoài dự đoán
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, các nhà tổ chức Olympic Tokyo ngày 10/6 thông báo đã nhất trí với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đơn giản hóa Thế vận hội này nhằm đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ dịch bệnh cũng như giảm bớt tác động tài chính khi sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này phải hoãn lại một năm.
Olympic Tokyo đã đạt được sự đồng thuận trong phương thức tổ chức giải đấu này vào mùa hè năm sau.
Phát biểu họp báo sau cuộc họp trực tuyến của ban lãnh đạo IOC, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo Yoshiro Mori và Giám đốc điều hành (CEO) Toshiro Muto nêu rõ IOC cùng các nhà tổ chức Nhật Bản đã xác định 200 mục nhằm đơn giản hóa Thế vận hội vào năm tới, song không nêu chi tiết.
Ông Muto cho biết các biện pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 là ưu tiên hàng đầu của ban tổ chức, song đây cũng là "thách thức lớn".
Các nhà tổ chức sẽ cân nhắc giảm bớt số lượng người tham dự. Theo đó, ngoại trừ các vận động viên và khán giả, các quan chức IOC và đại diện các liên đoàn thể thao quốc gia có thể nằm trong danh sách cắt giảm này.
Ông Muto cũng xác nhận hoạt động rước đuốc là một trong 200 mục thuộc diện cân nhắc giản lược. Trước đó, theo lộ trình dự kiến của ban tổ chức, giai đoạn rước đuốc sẽ diễn ra từ giữa tháng 3-7/2021.
Trả lời câu hỏi về khả năng hủy toàn bộ Olympic Tokyo do đại dịch COVID-19, Chủ tịch IOC Mori khẳng định các nhà tổ chức và IOC "chưa từng thảo luận về việc hủy bỏ".
Ban tổ chức đặt ra 3 yêu cầu chính đối với Olympic Tokyo gồm tạo lập một môi trường đảm bảo, giảm thiểu chi phí tổ chức và đơn giản hóa sự kiện vì mục tiêu an toàn và bền vững.
Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo sẽ cân nhắc từng mục trong danh sách "đơn giản hóa" và Ủy ban điều phối của IOC dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 9 tới sau khi tổ chức các cuộc thảo luận với các liên đoàn thể thao quốc tế.
Các nhà tổ chức địa phương và IOC đạt được sự đồng thuận nói trên khoảng một tuần sau khi Chủ tịch Mori đạt được một thỏa thuận tương tự với Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike.
Trước đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, IOC và Chính phủ Nhật Bản đã quyết định lùi thời điểm tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 sang năm 2021.
Đây là lần đầu tiên một kỳ Thế vận hội bị hoãn lại trong thời bình. Theo thời điểm mới được nhất trí, Olympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8/2021, sau đó là Paralympic từ ngày 24/8 đến ngày 5/9/2021.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 10/6 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 7.357.243 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 414.476 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 3.630.898 người.
Mỹ vẫn là tâm dịch thế giới với 2.047.147 ca nhiễm và 114.223 ca tử vong. Xếp sau đó là Brazil với 742.084 ca nhiễm và 38.497 ca tử vong, và Nga với 493.657 ca nhiễm và 6.358 ca tử vong.
Tại châu Âu, Áo thông báo từ ngày 16/6, nước này sẽ mở cửa biên giới với Italy và cho phép việc tự do đi lại đối với những người đến từ hầu hết các nước châu Âu khác.
Trong khi đó, Đức tuyên bố sẽ dỡ bỏ việc kiểm soát biên giới với Thụy Sĩ, Pháp, Áo và Đan Mạch từ ngày 15/6 tới. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đã cải thiện, Hungary và Croatia xác nhận sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại giữa hai nước từ ngày 12/6.
Tại Bulgaria, do số ca nhiễm mới gia tăng, nước này thông báo sẽ tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp tới cuối tháng 6 nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.
Tại châu Á, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 50 ca nhiễm mới, trong đó 43 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 11.902 ca. Số ca tử vong hiện là 276 ca.
Tại Indonesia, giới chức y tế ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước tới nay là 1.241 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mới vượt 1.000 người mỗi ngày. Tính tới nay, đã có tổng cộng 34.316 người mắc COVID-19 tại Indonesia, trong đó có 1.959 người tử vong, 12.129 người khỏi bệnh.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận thêm 740 ca mắc COVID-19. Đây là mức cao nhất trong ngày trong vòng một tuần qua. Như vậy, số ca mắc COVID-19 tại Philippines hiện đã lên đến 23.732 người, trong đó có 1.027 người tử vong.
Tại Malaysia, Bộ Giáo dục thông báo nước này sẽ mở cửa lại trường học, theo từng giai đoạn, từ ngày 24/6 tới. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận 8.336 ca mắc COVID-19, trong đó có 117 ca tử vong.
Tại Thái Lan, chính phủ đang chuẩn bị các bước cho giai đoạn 4 nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau khi trong 16 ngày qua không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, ngoại trừ những trường hợp bị nhiễm là công dân từ nước ngoài trở về và đã được cánh ly.
Tại Bangladesh, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 3.190 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh ở nước này lên 74.865. Đây là ngày có số người mắc COVID-19 cao nhất tại quốc gia Nam Á này kể từ ngày 8/3. Hiện tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Bangladesh là 1.012 ca.
Tại Iran, giới chức y tế thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận 2.011 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 177.938 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 81 ca lên 8.506 ca.
Tại châu Phi, Maroc thông báo kéo dài thêm 1 tháng tình trạng khẩn cấp về y tế do đại dịch COVID-19.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận