Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thêm 7 quốc gia xác nhận có bệnh nhân nhiễm COVID-19
Cập nhật tình hình dịch đến ngày 28/2, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới khi có thêm 7 nước xác nhận các ca nhiễm đầu tiên gồm Hà Lan, Nigeria, Lítva, Belarus, New Zealand, Azerbaijan và Mexico.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Số lượng quốc gia ghi nhận có dịch ngày một tăng
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Cuộc khủng hoảng SARS-CoV-2 vẫn chưa có điểm dừng
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Hàn Quốc - "Vũ Hán mới" ở Đông Á
Trong khi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đại lục có dấu hiệu thuyên giảm, tại Hàn Quốc, dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng. Chỉ trong ngày 28/2, số ca nhiễm mới ở nước này đã tăng thêm 571 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại đây lên tới 2.337 người.
Hiện Hàn Quốc cũng là nước ghi nhận số ca nhiễm bệnh nhiều nhất thế giới ngoài Trung Quốc đại lục. Tối 28/2, giới chức Hàn Quốc thông báo 3 ca tử vong tại nhà, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 16 người.
Cùng ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đã có 58 nước áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ Hàn Quốc như một giải pháp đề phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Tại Nhật Bản, ngày 28/2, chính quyền tỉnh Hokkaido (Hốc-cai-đô) của Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp do số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng, đồng thời khuyến cáo người dân ở trong nhà trong dịp cuối tuần này.
Ít nhất 66 ca nhiễm COVID-19 đã được xác nhận ở Hokkaido trong khi Nhật Bản ghi nhận hơn 900 ca mắc trong nước, trong đó có 700 trường hợp có liên quan tới du thuyền Diamond Princess.
Tối 28/2, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo một nữ công dân Anh, trong độ tuổi 70, là hành khách trên du thuyền Diamond Princess, đã tử vong do nhiễm COVID-19.
Ngày 28/2, Bộ Y tế Iran cho biết trong 24 giờ qua, trên cả nước này đã có thêm 143 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Iran lên 388 trường hợp. Ngoài ra, nước này ghi nhận thêm 8 ca tử vong trong ngày, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này lên 34 trường hợp.
Trong khi đó, một loạt nước châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan, Đức... thông báo về việc xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới ở các nước này.
Đáng quan ngại hơn cả, ngày 28/2, Bộ Y tế Nigeria xác nhận trường hợp đầu tiên ở nước này nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây cũng là ca nhiễm đầu tiên tại khu vực Nam Sahara ở châu Phi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo các hệ thống y tế của châu Phi chưa được trang bị đầy đủ để ứng phó với dịch COVID-19 và dịch bệnh đang "trở nên nghiêm trọng hơn".
Trong bối cảnh đó, nhiều nước ở "Lục địa Đen" bắt đầu gấp rút tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã ký sắc lệnh thành lập một ủy ban ứng phó khẩn cấp quốc gia, có nhiệm vụ điều phối các nỗ lực ứng phó với mối đe dọa của dịch bệnh COVID-19, chỉ đạo xây dựng một cơ sở điều trị và cách ly để có thể sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân trong 7 ngày tới.
Zambia tuyên bố đẩy mạnh các biện pháp giám sát và phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc để đảm bảo an toàn cho hơn 200 sinh viên Zambia ở thành phố tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ Y tế Uganda và WHO thông báo hai bên đang tăng cường công tác chuẩn bị ứng phó với dịch COVID-19. Hiện 11 xe cứu thương đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng hoạt động, trong khi 2 bệnh viện, gồm 1 bệnh viện gần sân bay quốc tế Entebbe và 1 bệnh viện ở thủ đô Kampala, cũng được yêu cầu sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Tại châu Á, các nước Iran, Malaysia và Kyrgyzstan cũng đang gia tăng các biện pháp phòng dịch.
Bộ trưởng Y tế Iran thông báo toàn bộ trường học ở nước này sẽ đóng cửa trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 29/2. Trong khi đó, kể từ ngày 28/2, Malaysia bắt đầu tạm cấm nhập cảnh các du khách đến từ hai địa phương đang là tâm điểm dịch COVID-19 tại Hàn Quốc, bao gồm thành phố Daegu và huyện Cheongdo. Chính phủ Kyrgyzstan cũng thông báo cấm nhập cảnh đối với các công dân Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản và Italy kể từ ngày 1/3 tới.
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu trong ngày 28/2 tiếp tục lao dốc suốt 1 tuần qua, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua chuỗi ngày u ám nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hậu quả là gần 6.000 tỷ USD đã "bốc hơi" trong tổng giá trị thanh khoản trên toàn cầu trong tuần giao dịch này.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, sau khi khởi phát tại Trung Quốc đại lục hồi tháng 12/2019, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 84.000 người nhiễm và hơn 2.870 người tử vong trên toàn thế giới.
Trong ngày 27/2, Trung Quốc đại lục vẫn là quốc gia ghi nhận số tử vong cao nhất trong ngày do dịch COVID-19 với 44 trường hợp tử vong. Trong khi đó, số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ghi nhận trên toàn Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm, còn 327 ca, giảm so với 452 ca ghi nhận ngày trước đó.
Số bệnh nhân hồi phục sức khỏe và ra viện trong ngày 27/2 là 3.622 trường hợp, tăng đáng kể so với 2.750 ca xuất viện của ngày trước đó. Đến hết ngày 27/2, tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục từ khi bùng phát dịch đến nay là 78.824 ca và số ca tử vong là 2.788 ca.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận