Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Tín hiệu khả quan trong khủng hoảng dịch ở Italy
Theo đánh giá của Văn phòng WHO tại châu ÂU, tình hình dịch tại Italy tuy số lượng ca nhiễm mới vẫn chưa thuyên giảm đáng kể nhưng với việc điều trị cho 9.362 bệnh nhân mang lạ hy vọng mới cho đất nước hình Chiếc ủng.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Mỹ đang dần hình thành tâm dịch của thế giới
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: EU đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của SARS-CoV-2
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Anh sẽ là "Italy mới" ở lục địa già
Tính đến 22h tối 26/3 (theo giờ Việt Nam), theo thống kê của trang worldometers.info, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là hơn 492.443 người, trong khi số ca tử vong là 22.180 người. Đại dịch COVID-19 hiện đã lan tới 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Trên thế giới đã có 119.732 trường hợp phục hồi sức khỏe.
Trước đó ít giờ, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã diễn ra nhằm thảo luận về cách ứng phó COVID-19 - dịch bệnh đang đẩy thế giới vào nguy cơ suy thoái. Đây là hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên trong lịch sử của G20.
Hội nghị đã ra tuyên bố khẳng định G20 sẽ nỗ lực hết mình để vượt qua đại dịch này. Các nhà lãnh đạo G20 cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống lại dịch COVID-19.
Việc chữa trị thành công cho số lượng lớn người nhiễm COVID-19 đang mang đến tín hiệu khả quan với lục địa già.
Các nhà lãnh đạo G20 tuyên bố việc đối phó với đại dịch cũng như những tác động về y tế, xã hội và kinh tế là "ưu tiên tuyệt đối của nhóm". Theo G20, phương hướng đối phó cần phải minh bạch, vững chắc, có quy mô lớn và đòi hỏi sự phối hợp.
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cũng cam kết khôi phục lòng tin, giữ vững sự ổn định tài chính, khôi phục tăng trưởng và trở lại mạnh mẽ hơn. G20 cũng cam kết trợ giúp tất cả các quốc gia đang gặp khó khăn cũng như phối hợp mọi biện pháp y tế công cộng và tài chính cần thiết để chống lại đại dịch, bảo vệ người dân, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất.
Tuyên bố cũng nêu rõ G20 cam kết chia sẻ mọi dữ liệu y tế và nghiên cứu dịch bệnh, tăng cường hệ thống y tế toàn cầu và mở rộng năng lực sản xuất các mặt hàng y tế. Các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết tăng cường vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc phối hợp cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.
Trong ngày 26/3, Văn phòng của WHO tại khu vực châu Âu cho biết cơ quan này đã nhận thấy "những tín hiệu đáng khích lệ" trong bối cảnh tỉ lệ các ca nhiễm mới tại Italy đã giảm xuống. Mặc dù vậy, cơ quan này khẳng định vẫn còn quá sớm để nhận định rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua đi.
Theo WHO, châu Âu hiện đã ghi nhận hơn 220.000 trường hợp mắc COVID-19 và 11.987 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Điều đó có nghĩa rằng khoảng 60% số các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 70% số các trường hợp tử vong là ở châu lục này.
Nhiều quốc gia trong khu vực đã ban bố các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, trong đó bao gồm cả việc đóng cửa các đường biên giới, phong tỏa các thành phố, tạm đình chỉ các hoạt động sản xuất và kinh doanh hay thực hiện dãn cách xã hội...
Nhận định trên của WHO được đưa ra sau khi Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy cho biết nước này đã điều trị thành công cho 9.362 ca trong ngày 24/3, tăng 1.036 ca so với một ngày trước đó.
Việc số ca điều trị khỏi bệnh tăng lên đã mang lại hy vọng cho các bệnh nhân COVID-19, cho dù Italy đã công bố thêm 5.210 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cùng ngày, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 74.386 trường hợp.
Dù số ca nhiễm vẫn thấp hơn con số ghi nhận tại Trung Quốc đại lục đến thời điểm này, song với 683 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua, tổng số bệnh nhân tử vong tại quốc gia châu Âu này đã lên 7.503 người, cao hơn gấp đôi so với số người chết do dịch bệnh tại Trung Quốc.
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 26/3 thông báo nước này đã ghi nhận 655 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người tử vong do virus SARS-CoV-2 lên con số 4.089.
Mặc dù vậy, đà tăng này vẫn được xem là lạc quan so với với mức tăng cao kỷ lục 738 trường hợp trong một ngày trước đó. Trong khi đó, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng tăng lên mức 56.188 trường hợp, so với con số 47.610 trường hợp ghi nhận trong ngày 25/3.
Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) tiếp tục không ghi nhận thêm ca lây nhiễm mới nào ở Trung Quốc đại lục. Trong ngày 25/3, Trung Quốc đã phát hiện thêm 67 ca mắc COVID-19 và tất cả các trường hợp này đều là những người nhập cảnh.
Cùng ngày, NHC đã ghi nhận tổng cộng 401 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 được phép xuất viện, nâng tổng số ca được điều trị thành công ở Trung Quốc lên 74.051 trường hợp.
Còn tại Hàn Quốc, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh cũng đã lên tới trên 40%, trong khi nước này duy trì số ca nhiễm mới ở mức dưới 100 người trong 15 ngày liên tiếp.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 0h ngày 26/3, với 104 ca mới được phát hiện, số ca nhiễm COVID-19 ở "xứ sở Kim chi" đã lên 9.241 người.
Số ca tử vong là 131 (thêm 5 trường hợp mới), chủ yếu vẫn là người cao tuổi (trên 80) và có ít nhất một bệnh nền từ trước, trong đó có hai bệnh nhân không có bệnh nền và ở độ tuổi 60, một bệnh nhân ở tuổi 50.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 414, nâng tổng số lên 4.144 người. Trường hợp bệnh nhân cao tuổi nhất khỏi bệnh hoàn toàn là cụ bà 93 tuổi ở thành phố Daegu.
Để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm từ nước ngoài, Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng "thủ tục nhập cảnh đặc biệt" ngay tại sân bay đối với tất cả hành khách đến từ khu vực châu Âu từ 0h ngày 23/3 và khu vực Bắc Mỹ từ 0h ngày 27/3 tới.
Kể cả khi cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, công dân Hàn Quốc và những người nước ngoài nhập cảnh với mục đích cư trú dài hạn bắt buộc phải cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe.
Đối với người nước ngoài nhập cảnh với mục đích cư trú ngắn hạn sẽ được giám sát linh hoạt bởi các cơ quan chức năng trong thời gian lưu trú tại Hàn Quốc.
Tương tự, Nhật Bản cũng yêu cầu công dân nước này và các du khách từ một số nước ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi tới Nhật Bản phải tự cách ly trong 14 ngày để kiểm dịch.
Chính phủ nước này cũng yêu cầu các du khách trong "nhóm đặc biệt" trên hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng tại nước này. Các biện pháp tương tự đã được áp dụng từ trước đó đối với du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, phần lớn các nước châu Âu và Mỹ.
Chính quyền thủ đô Tokyo ngày 26/3 đã xác nhận thêm 47 trường hợp tử vong sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là mức tăng số ca tử vong do COVID-19 trong vòng một ngày cao kỷ lục ở Tokyo, xô đổ mức kỷ lục ghi nhận chỉ một ngày trước đó - 41 ca tử vong.
Con số gia tăng chóng mặt này khiến chính quyền thủ đô phải yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà trong dịp cuối tuần sắp tới, đồng thời làm dấy lên những đồn đoán rằng Tokyo cũng sắp ban bố lệnh phong tỏa giống như các thành phố lớn khác trên thế giới.
Tính đến tối 26/3, Nhật Bản ghi nhận 56 ca tử vong do COVID-19 và 1.373 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó thủ đô Tokyo là nơi có nhiều bệnh nhân nhất - 259 trường hợp.
Trong khi đó, giới chức Iran thông báo bắt đầu áp đặt lệnh cấm đi lại giữa các thành phố từ ngày 26/3 trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này có nguy cơ đối mặt với một đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai, theo đó những người di chuyển trong dịp lễ Năm mới của Iran cần ngay lập tức trở về thành phố nơi họ sinh sống và không được dừng chân tại các thành phố khác trên đường về. Iran cũng kéo dài việc đóng cửa các trường học và dừng mọi hoạt động tụ tập đông người, cảnh báo những người vi phạm sẽ phải chịu hậu quả pháp lý.
Bộ Y tế Iran cho biết số trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng thêm 157 người trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 2.234 người, trong khi số người mắc COVID-19 hiện lên tới 29.406 trường hợp. Tính đến nay, 10.457 bệnh nhân COVID-19 ở Iran đã phục hồi sức khỏe.
Malaysia vẫn đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số ca nhiễm với 2.031 trường hợp, trong đó có 23 ca tử vong. Cung điện Hoàng gia Malaysia thông báo Nhà vua Abdullah Ri'ayatuddin và Hoàng hậu Azizah Aminah Maimunah nước này đã tự cách ly sau khi 7 nhân viên trong hoàng cung có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Thái Lan có 1.045 ca nhiễm và 4 ca tử vong. Indonesia có 893 ca nhiễm và 78 ca tử vong. Phillippines có 707 ca nhiễm và 45 ca tử vong. Singapore đã xác nhận thêm 52 người nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 683 người và 2 ca tử vong. Lào cũng thông báo đã có thêm 3 ca mắc COVID-19 mới, do vậy tổng số ca tại nước này hiện là 6 ca chỉ 2 hai ngày sau khi có 2 ca nhiễm đầu tiên.
Trong khi đó, tại Mỹ, theo hệ thống theo dõi của Đại học Johns Hopkins, số người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Mỹ đã lên tới 1.031 người trong khi số ca nhiễm trên toàn quốc đã lên tới 68.572 người.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, chính quyền thủ đô Washington đã chỉ thị toàn bộ các doanh nghiệp không thiết yếu ở thủ đô phải đóng cửa trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ đêm 25/3. Văn phòng thị trưởng thủ đô Washington cũng đã đưa ra quy định bổ sung để ngăn chặn dịch bệnh lây lan như cấm các hoạt động tụ tập từ 10 người trở lên.
Hiện bang New York ghi nhận tổng cộng 30.811 ca mắc COVID-19, tăng thêm 5.146 ca so với ngày trước đó. Riêng thành phố New York trong ngày 25/3 ghi nhận số ca nhiễm mới là 3.000 người. Theo nhận định của Thống đốc bang New York, dịch COVID-19 tại bang này sẽ lên đỉnh điểm trong 3 tuần tới, đòi hỏi phải có thêm 30.000 máy trợ thở.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận